“Bộ Tứ” gặp mặt trực tiếp, lên kế hoạch cho một số sáng kiến đối đầu Trung Quốc
- Nhật Minh
- •
Các nhà lãnh đạo của “Bộ Tứ” đang tập hợp tại Washington và được cho là sẽ họp bàn về các sáng kiến nhằm đối phó với Trung Quốc.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sẽ tiếp đón Thủ tướng Úc Scott Morrison, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga vào thứ Sáu (giờ địa phương) tại Nhà Trắng, sau khi nhóm đã từng họp qua liên kết video vài tháng trước đó.
Theo các nhà quan sát, sau cuộc họp, Bộ Tứ sẽ có khả năng công bố các cam kết trong một số lĩnh vực phi quân sự, bao gồm tăng cường phân phối vắc-xin COVID-19 trên toàn cầu cũng như hợp tác về an ninh chuỗi cung ứng, công nghệ viễn thông 5G và cơ sở hạ tầng cần thiết để chống lại biến đổi khí hậu.
Tờ SCMP dẫn lời một số nhà phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) lưu ý hôm thứ Tư rằng, những sáng kiến này đang phải đối mặt với những thách thức khó khăn, chủ yếu từ việc Bắc Kinh kiểm soát nhiều nguyên liệu thô cần thiết cho sản xuất vắc-xin và mối quan hệ làm ăn sâu sắc mà các công ty tư nhân của bốn nước có ở Trung Quốc.
Nhưng ít nhất trong ngắn hạn, các nhà lãnh đạo Bộ Tứ có thể tập hợp sức mạnh trên mặt trận quân sự.
“Trung Quốc ngày càng trở nên hung hăng hơn và thách thức nhiều đồng minh và đối tác của chúng tôi trong khu vực”, Bonnie Lin, giám đốc Dự án Quyền lực Trung Quốc tại CSIS cho biết. Bà dẫn ví dụ về các biện pháp trừng phạt mà chính phủ Trung Quốc áp dụng đối với thịt bò, than và lúa mạch của Úc.
Tuy vậy, bà cho rằng chính điều này lại phản tác dụng đối với Trung Quốc, vì nó tạo điều kiện cho các quốc gia cùng chí hướng tập hợp để chống lại Trung Quốc.
Ví dụ gần đây nhất là quan hệ đối tác quân sự Mỹ – Anh – Úc (AUKUS) được công bố vào tuần trước.
Michael Green, Phó chủ tịch cấp cao tại CSIS, cho biết: “Tôi nghĩ Anh rất muốn làm việc với Bộ Tứ và thông qua AUKUS. Tôi nghĩ sẽ còn thấy Canada, có thể là Hà Lan, có thể là New Zealand cũng hợp tác với Bộ Tứ.”
Các cuộc giao tranh ở biên giới của Trung Quốc với Ấn Độ và các động thái xây dựng các cảng ở Ấn Độ Dương đã khiến New Delhi, vốn trước đây vẫn chưa bày tỏ rõ lập trường tham gia Bộ Tứ, trở nên tích cực hơn trong nỗ lực chống lại Trung Quốc.
Richard Rossow, cố vấn cấp cao về quan hệ Mỹ – Ấn tại CSIS, nhận xét rằng: “Nếu bạn nói chuyện với các quan chức Ấn Độ, họ lo ngại về sự hiện diện mở rộng của hải quân PLA ở Ấn Độ Dương, bao gồm các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng chiến lược, các cảng trong khu vực; các cuộc tấn công mạng; và, đáng chú ý nhất là tôi nghĩ là xâm phạm lãnh thổ Bhutan.”
“Những gì bạn có thể thấy trong những năm tới sẽ là các cuộc tập trận Malabar mà Ấn Độ đăng cai có thể bao gồm không chỉ các nước trong Bộ tứ mà còn cả Hải quân Hoàng gia [Anh], Canada, Hà Lan, v.v.”
Khi Malabar bắt đầu vào năm 1992, các cuộc tập trận này chỉ được thực hiện bởi hải quân Ấn Độ và Hoa Kỳ ở Ấn Độ Dương. Nhật Bản tham gia vào năm 2015 và đã tham gia hàng năm kể từ đó. Úc đã tham gia vào năm 2020 và tháng 8 năm nay.
Các thành viên Bộ Tứ và các nước đồng minh sẽ tiếp tục hợp tác chống lại Trung Quốc, theo ông Yun Sun, giám đốc Chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson, một tổ chức tư vấn của Washington, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với SCMP.
Nhật Minh (theo SCMP)
Xem thêm:
Từ khóa Bộ tứ kim cương Dòng sự kiện Liên minh chống Trung Quốc