Bộ Tư pháp Mỹ gỡ tội che giấu thân phận quân nhân cho 5 nhà nghiên cứu Trung Quốc
- Đức Thiện
- •
Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) tuần qua đã gỡ các tội danh mà họ cáo buộc lên 5 nhà khoa học Trung Quốc làm việc tại Mỹ. Trước đó, DOJ cáo buộc các học giả Trung Quốc này nói dối về mức độ mối quan hệ của họ với quân đội Trung Quốc.
Các nhà khoa học Trung Quốc vừa được DOJ gỡ tội bao gồm các nhà nghiên cứu y sinh và ung thư làm việc tại California và một nghiên cứu sinh đang nghiên cứu về công nghệ trí tuệ nhân tạo tại Indiana. Họ đã được các công tố viên liên bang của DOJ gỡ bỏ nhiều tội danh, trong đó có tội gian lận thị thực, Wall Street Journal đưa tin theo hồ sơ tòa án công bố vào cuối ngày thứ Năm (22/7) và thứ Sáu (23/7).
Một trong 5 nhà khoa học được gỡ tội là nhà nghiên cứu vô cơ học Tang Juan. Bà Tang đến Mỹ từ tháng 12/2019 và làm việc tại Trường Đại học California–Davis. Bà đã được gỡ tội dù đã có lịch ra tòa từ thứ Hai (26/7). Theo tờ The Sacramento Bee, bà Tang đã được lên máy bay trở về Trung Quốc sau khi được giới chức Mỹ trả lại hộ chiếu.
Tờ The Sacramento Bee cho biết Trợ lý Công tố Mỹ Heiko Coppola đã không nêu lý do tại sao gỡ tội cho bà Tang, trong khi Công tố Mỹ tạm quyền Phillip Talbert đã từ chối trả lời khi được báo giới tiếp cận.
Bà Tang bị giới chức Mỹ bắt giam vào tháng 7/2020 với cáo buộc bà đã nói dối về mối quan hệ của mình với quân đội Trung Quốc để được nhập cảnh vào Mỹ. Trước khi bị bắt, bà Tang đã cố gắng tìm cách tị nạn tại lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco. Trong thời điểm đó, ba công dân Trung Quốc khác cũng bị giới chức Mỹ bắt vì những cáo buộc tội danh tương tự.
Tháng trước, tòa án cũng đã gỡ bỏ một tội danh khác cho bà Tang, đó là tội nói dối FBI. Thẩm phán phát hiện thấy các điệp viên FBI trước khi thực hiện chất vấn bà Tang đã không nói cho bà biết về các quyền Miranda mà bà được hưởng, trong đó bà có quyền giữ im lặng và từ chối trả lời các câu hỏi.
Một công dân Trung Quốc khác trong nhóm 5 người được DOJ gỡ tội là nhà nghiên cứu Song Chen, học giả thỉnh giảng tại Trường Đại học Stanford. Bà Song Chen đã được một thẩm phán gỡ tội nói dối FBI cũng vì lý do điệp viên FBI đã không nói bà có quyền im lặng trước khi họ thực hiện cuộc chất vấn. Theo Reuters, DOJ vào cuối ngày thứ Năm (22/7) đã gửi kháng cáo lên Tòa Phúc thẩm Liên bang Khu vực số 9 về phán quyết gỡ tội cho bà Song Chen.
Cũng theo Reuters, trường hợp của bà Tang, các công tố viên liên bang cũng đã gỡ tội gian lận thị thực cho bà này vào hôm thứ Sáu (23/7). Các công tố viên không đưa ra lý do cho quyết định này.
Theo Reuters, trước khi bà Tang được gỡ tội, các luật sư bào chữa cho bà là Malcolm Segal và Tom Johnson hôm 19/7 đã yêu cầu tòa bác bỏ vụ án của bà. Hai luật sư đưa ra yêu cầu trên dựa theo bằng chứng có trong một báo cáo của các nhà phân tích FBI công bố mới đây, trong đó đặt nghi vấn về tính rõ ràng của câu hỏi phỏng vấn thị thực liên quan đến “nghĩa vụ quân sự” đối với các nhà khoa học Trung Quốc trong ngành y vốn công tác tại các trường đại học quân sự và các bệnh viện quân y.
Hai luật sư Malcolm Segal và Tom Johnson hôm thứ Sáu (23/7) đã nói trong một tuyên bố gửi tờ The Sacramento Bee rằng họ “rất vui mừng khi DOJ đã quyết định gỡ tội” cho thân chủ của họ.
Với những người đang lo lắng về mối đe dọa gián điệp Trung Quốc đối với an ninh quốc gia Mỹ, thì việc DOJ gỡ tội cho 5 nhà khoa học Trung Quốc là sự thất bại của chương trình Sáng kiến Trung Quốc tại DOJ. Bộ Tư pháp Mỹ từ ba năm trước dưới thời chính quyền Trump đã bắt đầu chương trình Sáng kiến Trung Quốc để đương đầu với các mối đe dọa an ninh quốc gia do Đảng Cộng sản Trung Quốc đặt ra.
Theo The Epoch Times, trong một tuyên bố bình luận về động thái của DOJ, Dân biểu Jim Banks (Đảng Cộng hòa, bang Indiana) đã cáo buộc chính quyền Biden đang không nghiêm túc “thách thức Trung Quốc một cách rõ ràng, thực chất”.
Đức ThiệXem thêm
Từ khóa gián điệp Trung Quốc Quan hệ Mỹ - Trung Bộ Tư pháp Mỹ Dòng sự kiện