Bốn vấn đề mà bà Harris và ông Trump đã thay đổi lập trường
- The Epoch Times
- •
Cả Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump, hai đề cử viên tranh cử vị trí tổng thống Hoa Kỳ năm 2024, đều đã thay đổi lập trường đối với các vấn đề lớn trong suốt sự nghiệp chính trị của họ.
Gần đây, bà Harris vẫn luôn khẳng định chắc chắn rằng “những lý tưởng của tôi vẫn không thay đổi”, trong khi ông Trump tương tự cũng đang hạ thấp sự chú ý về những thay đổi lập trường của ông đối với các chủ đề chính trị trong suốt gần năm thập kỷ xuất hiện trước công chúng.
“Lợi thế của việc thay đổi lập trường là có thể chuyển sang thế trung dung để thu hút cử tri ôn hòa dao động. Rủi ro [của việc thay đổi lập trường] là có thể trông vụng về và thậm chí xa lánh những cử tri ủng hộ lập trường ban đầu”, ông Robert Shapiro, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Columbia, chia sẻ với The Epoch Times.
Ông Shapiro bổ sung thêm rằng đây có lẽ là một “rủi ro tốt” trong giai đoạn cận kề ngày bầu cử, vì rất nhiều cử tri trung thành sẽ không quay lưng với họ trong khi các đề cử viên có thể cố gắng thu hút các nhóm cử tri khác.
Tuy nhiên, thay đổi lập trường có thể khiến cử tri đặt câu hỏi về cách nhìn nhận đánh giá vấn đề của đề cử viên.
“Sau sự kiện 11/9, một số đảng viên Đảng Dân chủ, bao gồm Hillary Clinton và John Kerry, đã bỏ phiếu ủng hộ cuộc chiến ở Iraq, chỉ thay đổi lập trường khi tình hình [chiến sự] trở nên tồi tệ. Điều đó [thay đổi lập trường] đã gây tổn hại cho [sự nghiệp chính trị] của họ trong một thập kỷ sau đó—tạo ra [hình ảnh thiếu kiên định] đối với ông Kerry và điểm yếu đối với bà Clinton khi ông Obama có thể tuyên bố rằng ông ấy có ít kinh nghiệm hơn nhưng có khả năng nhìn nhận đánh giá vấn đề tốt hơn vào năm 2008”, ông John Murphy, giáo sư chuyên về diễn thuyết tổng thống tại Đại học Illinois, nói với The Epoch Times.
Rất nhiều nhà bình luận khác lại cho rằng trong khi thay đổi lập trường có thể được xem là một hình thức lấy lòng cử tri, thì nó cũng có tác dụng phòng thủ hiệu quả.
“Tôi thấy cả bà Harris và ông Trump đều đang cố gắng lợi dụng những thay đổi trong lập trường của họ nhằm giảm thiểu các cuộc công kích từ phía đối thủ”, ông Aaron Dusso, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Indiana–Indianapolis, nói với The Epoch Times.
The Epoch Times đã tuyển chọn bốn vấn đề mà cả bà Harris và ông Trump đã thay đổi lập trường trong những năm qua. Đối với bà Harris, bà đã thay đổi lập trường về khai thác dầu đá phiến, vấn đề nhập cư, bảo hiểm Medicare cho tất cả mọi người, và kiểm soát súng đạn. Ông Trump đã thay đổi lập trường về vấn đề phá thai, cần sa, chính sách phúc lợi an sinh xã hội, và khấu trừ thuế tiểu bang và địa phương (SALT).
Lập trường của Harris về dầu đá phiến
Khi tham gia tranh cử cho vị trí phó tổng thống trong liên danh Biden-Harris vào năm 2019, bà Harris nói, “Không có gì phải nghi ngờ, tôi ủng hộ ngăn cấm khai thác dầu đá phiến”. Khai thác dầu đá phiến là phương pháp khai thác dầu hoặc khí từ các tầng đá ngầm dưới lòng đất bằng cách bơm hỗn hợp nước và hóa chất với áp suất cao. Đây là một ngành công nghiệp mũi nhọn ở Texas và Pennsylvania. Pennsylvania là tiểu bang chiến trường quan trọng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.
Bà Harris đã lên tiếng phản đối khi chính quyền liên bang cho phép các công ty tiến hành khai thác dầu đá phiến ngoài khơi bờ biển California khi bà vẫn còn giữ chức Tổng chưởng lý tiểu bang California.
Khi tham gia liên danh Biden-Harris cùng Tổng thống Joe Biden, bà Harris đã thay đổi lập trường của mình. Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng Tám với đài CNN, bà Harris đã nhấn mạnh rằng bà từng bỏ phiếu quyết định cho Đạo luật Giảm lạm phát, một đạo luật đã mở rộng quyền khai thác dầu đá phiến.
“Điều tôi đã nhận thấy là chúng ta có thể phát triển và chúng ta có thể tăng trưởng một nền kinh tế thịnh vượng [sử dụng] năng lượng sạch mà không cần phải ngăn cấm khai thác dầu đá phiến”, bà Harris nói.
Việc bà Harris thay đổi lập trường có thể trở thành một đề tài gây tranh cãi nếu ông Trump dán nhãn bà là đề cử viên “chống khai thác dầu đá phiến” thay vì chỉ là người thay đổi lập trường, dù điều này không hoàn toàn chính xác với lập trường hiện tại của bà, ông Dusso cho biết.
Lập trường của bà Harris về vấn đề nhập cư
Khi tham gia tranh cử cho vị trí phó tổng thống trong liên danh Biden-Harris vào năm 2019, bà Harris lên tiếng phản đối việc coi nhập cư bất hợp pháp là tội hình sự. Bà Harris nhận định rằng vai trò của Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan cần được xem xét lại đồng thời ủng hộ cắt giảm ngân sách của cơ quan này khi trả lời trong một bảng câu hỏi của Liên minh Tự do Dân sự Hoa Kỳ vào năm đó.
Hiện tại, bà Harris lên tiếng phản đối việc hợp pháp hóa hành vi vượt biên trái phép. Ngay sau chuyến công du tuần tra biên giới tại thành phố Douglas, tiểu bang Arizona vào ngày 27 tháng 9, bà Harris tuyên bố sẽ ủng hộ các biện pháp khắt khe hơn nữa nhằm hạn chế làn sóng tị nạn, và sau đó chính quyền Biden-Harris đã thực hiện việc này vào ngày 30 tháng 9.
“Những di dân vượt biên trái phép sẽ bị bắt giữ và trục xuất, và bị cấm quay lại trong vòng năm năm. Chúng tôi sẽ truy tố nghiêm khắc hơn các cáo buộc hình sự đối với những người tái phạm nhiều lần, và nếu di dân đó không nộp đơn xin tị nạn tại một điểm nhập cảnh hợp pháp mà thay vào đó vượt biên trái phép, họ sẽ bị từ chối chấp nhận đơn tị nạn”, bà Harris tuyên bố trước truyền thông nhân dịp ghé thăm thành phố Douglas.
Bà Harris cũng cam kết sẽ hồi sinh dự luật biên giới lưỡng đảng thất bại sau khi chỉ trích ông Trump vì đã yêu cầu các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa bỏ phiếu chống lại dự luật này. Lưỡng đảng tại Quốc hội cùng tổng thống Hoa Kỳ cần đồng thuận để dự luật này trở thành đạo luật chính thức. Nếu được thông qua, dự luật sẽ tài trợ cho hàng nghìn nhân viên biên giới mới cũng như tiếp tục hoàn thành bức tường dọc biên giới phía nam. Những chính trị gia phản đối nói rằng dự luật này chưa đủ mạnh mẽ để bảo đảm an ninh biên giới.
“Hồ sơ [chính sách] nhập cư của chính quyền Biden luôn là một điểm yếu tiềm ẩn đối với bà ấy, mặc dù thực tế ông Trump ngăn cản dự luật biên giới thông qua đã [giúp bà Harris không phải đối mặt với quá nhiều chỉ trích] về vấn đề này”, ông Murphy nói.
Lập trường của bà Harris về bảo hiểm Medicare cho tất cả mọi người
Trong những năm đầu tiên khi vẫn còn giữ chức thượng nghị sĩ, bà Harris đã đồng bảo trợ cho Đạo luật bảo hiểm Medicare cho tất cả mọi người của Thượng nghị sĩ Bernie Sanders (Độc lập, Vermont) vào năm 2017, đạo luật này sẽ thay thế bảo hiểm tư nhân bằng một “chương trình bảo hiểm y tế quốc gia” do chính phủ liên bang quản lý.
Khi tham gia tranh cử cho vị trí phó tổng thống trong liên danh Biden-Harris vào năm 2019, bà Harris đã đề xuất một phiên bản mới về bảo hiểm Medicare cho Tất cả Mọi người, kết hợp bảo hiểm tư nhân. Đề xuất mới kêu gọi mở rộng hệ thống bảo hiểm Medicare cho tất cả người dân Hoa Kỳ, bao gồm chi phí khám cấp cứu, bác sĩ, chăm sóc răng miệng, thị giác, thính giác, sức khỏe tâm thần, điều trị cai nghiện chất kích thích và chăm sóc sức khỏe sinh sản.
“Tại Hoa Kỳ, chăm sóc sức khỏe nên là quyền lợi, không phải là đặc quyền chỉ dành cho những công dân có khả năng chi trả. Đó là lý do tại sao chúng ta cần bảo hiểm Medicare cho Tất cả Mọi người”, bà Harris đã viết năm 2019.
Trong cuộc tranh biện tổng thống lần đầu tiên vào năm 2024 giữa ông Trump và bà Harris, bà Linsey Davis, điều phối viên của đài ABC, đã hỏi bà Harris về lập trường thay đổi của bà đối với bảo hiểm Medicare cho Tất cả Mọi Người và kế hoạch hiện tại của bà là gì.
“Tôi hoàn toàn ủng hộ – và trong bốn năm qua với tư cách phó tổng thống – các tùy chọn chăm sóc sức khỏe tư nhân khác. Nhưng điều chúng ta cần làm là duy trì và phát triển Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Giá cả Phải chăng. Kế hoạch là củng cố Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Giá cả Phải chăng, chứ không phải loại bỏ nó”, bà Harris nói.
Lập trường của bà Harris về vấn đề kiểm soát súng đạn
Trong cuộc bầu cử sơ bộ năm 2019, bà Harris là một trong năm đề cử viên ủng hộ chương trình bắt buộc mua lại vũ khí tấn công, yêu cầu chủ sở hữu bán lại một số loại súng nhất định cho chính phủ liên bang.
Trong cuộc tranh biện tổng thống lần đầu tiên vào năm 2024 giữa ông Trump và bà Harris, bà Linsey Davis, điều phối viên của đài ABC, đã chỉ ra rằng bà Harris đã không còn ủng hộ chính sách bắt buộc mua lại súng. Tuy nhiên, bà Harris đã không giải thích lý do tại sao lập trường của bà thay đổi.
Tại các cuộc vận động tranh cử, bà Harris lên tiếng ủng hộ lệnh cấm chung đối với “các loại vũ khí tấn công” đồng thời siết chặt các biện pháp kiểm soát súng nghiêm ngặt hơn, bao gồm cả luật cờ đỏ.
- Vào năm 2016, California trở thành một trong những tiểu bang đầu tiên tại Hoa Kỳ thông qua luật cờ đỏ (red-flag law) còn được gọi là luật Trật tự Bảo vệ Rủi ro Cực đoan, cho phép các nhà chức trách tước vũ khí của những người có nguy cơ gây nguy hiểm cho chính bản thân hoặc người khác.
“Chúng ta, những người tin vào quyền tự do được sống an toàn trước bạo lực súng đạn, cuối cùng sẽ thông qua đạo luật kiểm tra lý lịch toàn diện và sắc lệnh cấm vũ khí tấn công”, bà Harris nói tại một cuộc vận động vào tháng Bảy.
“Tim Walz và tôi đều là những người sở hữu súng. Chúng tôi không có ý định tước đoạt súng của bất kỳ ai”, bà Harris nhấn mạnh rõ ràng trong cuộc tranh biện trên đài ABC với ông Trump sau khi cựu tổng thống cáo buộc bà “có kế hoạch tịch thu súng của mọi người”.
The Epoch Times đã liên hệ với chiến dịch tranh cử của bà Harris để yêu cầu bình luận, nhưng không nhận được bất kỳ phản hồi nào.
“Nếu bất kỳ cử tri ôn hòa dao động nào đang chú ý đến Harris, việc bà sẵn sàng cho phép khai thác dầu đá phiến và sở hữu súng đạn có thể gửi đi những tín hiệu tích cực đến họ”, ông Shapiro nhận định.
Lập trường của ông Trump về vấn đề phá thai
Ngay trước khi cân nhắc tham gia tranh cử tổng thống dưới danh nghĩa đảng Cải cách (Reform Party) vào năm 1999, ông Trump từng tuyên bố trên chương trình “Meet the Press” của đài NBC rằng: “Tôi rất ủng hộ quyền lựa chọn phá thai [của phụ nữ]”.
Khi tham gia tranh cử cho vị trí tổng thống vào năm 2016, ông Trump lại tự nhận mình là một người ủng hộ sự sống.
Ông Trump đã ghi dấu ấn trong lịch sử sau khi bổ nhiệm thành công ba thẩm phán Tối cao Pháp viện, những thẩm phán đã bầu phiếu lật ngược phán quyết Roe v. Wade trong quyết định xử vụ Dobbs kiện Tổ chức Sức khỏe Phụ nữ Jackson vào năm 2022, mở đường cho các sắc lệnh cấm phá thai ở cấp tiểu bang và thậm chí sửa đổi hiến pháp để đảm bảo quyền tiếp cận phá thai ở nhiều tiểu bang khác.
Ông Trump tuyên bố rõ ràng rằng ông sẽ từ chối ký kết một sắc lệnh ngăn cấm phá thai cấp liên bang, dù trước đó khi vẫn còn giữ vị trí tổng thống, ông đã ủng hộ sắc lệnh cấm phá thai sau 20 tuần thai kỳ.
Dạo gần đây, ông Trump đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ sắc lệnh cấm phá thai sau sáu tuần thai kỳ của tiểu bang Florida, nhận xét rằng sắc lệnh này quá khắt khe. Trong khi ban đầu ông có vẻ đồng thuận với sáng kiến sửa đổi hiến pháp sắp tới của tiểu bang nhằm phục hồi quyền tiếp cận phá thai dưới dạng tu chánh án, nhưng sau đó ông Trump lại tuyên bố rằng ông sẽ bỏ phiếu chống lại đề xuất này.
Lập trường của ông Trump về vấn đề cần sa
Vào năm 2018, ông Jeff Sessions, cựu Bộ trưởng Tư pháp trong chính quyền Trump, đã hủy bỏ Bản Ghi nhớ Cole từ thời chính quyền Obama, vốn chỉ đạo các công tố viên liên bang từ chối tiến hành truy tố các hành vi phạm tội liên quan đến cần sa ở những tiểu bang đã hợp pháp hóa cần sa.
Vào tháng 2 năm 2017, ông Sean Spicer, Thư ký Báo chí Nhà Trắng, đã tuyên bố rằng Bộ Tư pháp sẽ “tăng cường thực thi” các đạo luật liên bang về cần sa giải trí, khác với cần sa y tế.
Ông Spicer nhấn mạnh rằng có “sự khác biệt lớn giữa việc sử dụng cần sa y tế… [và] việc sử dụng cần sa giải trí, điều mà tôi nghĩ Bộ Tư pháp sẽ xem xét kỹ hơn”. Ông Spicer cũng nhắc nhở mối liên hệ khăng khít giữa việc sử dụng cần sa giải trí với lạm dụng thuốc giảm đau nhóm opioid.
Tuy nhiên, vào năm 2019, ông Trump đã ký kết một dự luật phân bổ ngân sách, trong đó bao gồm điều khoản ngăn cản Bộ Tư pháp sử dụng ngân sách để cản trở các tiểu bang thực thi luật cần sa y tế tại tiểu bang. Trong một tuyên bố, ông Trump nói rằng: “Chính quyền của tôi sẽ thực hiện điều khoản này một cách phù hợp với trách nhiệm của tổng thống trong việc thi hành các luật của Hoa Kỳ”.
Những nhà hoạt động ủng hộ cần sa xem tuyên bố này như là một sự ưu tiên luật pháp liên bang hơn luật pháp tiểu bang.
Đến năm 2024, ông Trump đã công khai ủng hộ Dự luật Sửa đổi Tu chính án thứ 3 của tiểu bang Florida, một biện pháp sẽ hợp pháp hóa cần sa giải trí cho tất cả những công dân trưởng thành trên 21 tuổi. Ông Trump cũng công khai ủng hộ những nỗ lực của ông Biden trong việc phân loại lại cần sa từ một chất nằm trong loại I (những chất không có giá trị y tế như heroin) xuống loại III, một chất ít nguy hiểm hơn và có tiềm năng y tế.
Lập trường của ông Trump về vấn đề phúc lợi an sinh xã hội
Trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình “Meet the Press” vào năm 1999, ông Trump từng tuyên bố ông sẽ cân nhắc việc tư nhân hóa chương trình phúc lợi An sinh Xã hội, mặc dù ông không “thích ý tưởng này”.
Một năm sau đó, trong cuốn sách với tựa đề tạm dịch “Hoa Kỳ Mà Chúng Ta Xứng Đáng Có Được” của mình, ông Trump đã kêu gọi tăng tuổi nghỉ hưu lên 70 đồng thời gọi chương trình phúc lợi An sinh Xã hội là “một mô hình Ponzi”.
- Mô hình Ponzi là một hình thức lừa đảo thu hút các nhà đầu tư và trả lợi nhuận cho các nhà đầu tư trước đó bằng tiền từ các nhà đầu tư gần đây hơn. Mô hình này khiến nạn nhân tin rằng lợi nhuận đến từ việc bán sản phẩm hoặc các phương tiện khác, và họ vẫn không biết rằng các nhà đầu tư khác là nguồn tiền.
Trong một cuộc phỏng vấn với đài CNBC vào năm 2020, ông Trump nói: “Sẽ đến lúc, những chương trình phúc lợi đó [An sinh Xã hội và Medicare] sẽ được đưa ra xem xét”. Trong một cuộc phỏng vấn khác cùng năm, ông Trump tuyên bố: “Ồ, chúng ta sẽ cắt giảm [những chương trình phúc lợi]”.
Tuy nhiên, sau đó, bà Stephanie Grisham, Thư ký Báo chí Nhà Trắng đã giải thích trên mạng xã hội X rằng ông Trump đang nhắc đến việc “cắt giảm thâm hụt ngân sách, KHÔNG phải cắt giảm phúc lợi xã hội”.
Chiến dịch tranh cử năm 2024 của ông Trump đã cam kết nhiều lần rằng ông Trump không có ý định cắt giảm chương trình phúc lợi An sinh Xã hội hoặc Medicare, cũng như không nâng tuổi nghỉ hưu.
Lập trường của ông Trump về khấu trừ thuế tiểu bang và địa phương (SALT)
Trong nhiệm kỳ của mình, chính sách thuế của ông Trump đã áp đặt giới hạn khấu trừ thuế tiểu bang và địa phương (SALT) ở mức 10.000 USD cho mỗi hồ sơ khai thuế, và quy định này dự kiến sẽ hết hạn vào cuối năm 2025. Chính sách giới hạn khấu trừ thuế không được các tiểu bang có mức thuế cao ưa chuộng, nơi các cuộc bầu cử khốc liệt quyết định đảng nào sẽ kiểm soát Hạ viện vào năm 2025.
Ngay trước chuyến đi vận động tranh cử tại Long Island, thành phố New York, ông Trump đã thay đổi lập trường về SALT.
“Tôi sẽ đưa [New York] trở lại thời kỳ thịnh vượng, khôi phục lại SALT, cắt giảm thuế của các bạn, và còn nhiều điều hơn thế nữa. Tôi sẽ hợp tác với thống đốc và thị trưởng Đảng Dân chủ, và bảo đảm rằng ngân sách tài trợ sẽ đưa New York trở lại thời kỳ thịnh vượng mà bang này đã không còn thấy trong 50 năm qua”, ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social vào ngày 17 tháng 9.
The Epoch Times đã liên hệ với chiến dịch tranh cử của ông Trump để yêu cầu bình luận, nhưng không nhận được bất kỳ phản hồi nào.
Thiên Vân biên dịch
Từ khóa Donald Trump Recommend Kamala Harris Bầu cử Mỹ 2024