Anh bỏ phiếu rời EU có thể không báo hiệu một sự tan rã sớm mà lại giúp liên minh này củng cố chặt chẽ hơn.

Một lá cờ của Liên minh châu Âu với lỗ thủng ở giữa, treo rủ bên ngoài một ngôi nhà ở Knutsford Cheshire sau cuộc trưng cầu dân ý lịch sử 23/6 diễn ra ở Knutsford, Anh, vào ngày 24/06/2016. (Ảnh: Christopher Furlong/Getty Images)
Một lá cờ của Liên minh châu Âu với lỗ thủng ở giữa, treo rủ bên ngoài một ngôi nhà ở Knutsford Cheshire sau cuộc trưng cầu dân ý lịch sử 23/6 diễn ra ở Knutsford, Anh, vào ngày 24/06/2016. (Ảnh: Christopher Furlong/Getty Images)

Liên minh châu Âu đang sát lại bên nhau và ngày càng giành được sự ủng hộ mới khi các cử tri nhận thức được rằng Brexit phải trả cái giá rất đắt.

Những sự kiện diễn ra sau cuộc bỏ phiếu Brexit (Anh rút khỏi liên minh châu Âu) cho thấy cuộc trưng cầu dân ý của Vương quốc Anh không những không dẫn đến sự tan rã của Liên minh châu Âu, mà còn có thể giúp tăng cường sự gắn kết của Liên minh này.

Có ba lý do giải thích cho việc này. Đầu tiên, Anh gần như chắc chắn phải chịu tổn thất kinh tế ở mức độ lớn do kết quả của cuộc trưng cầu dân ý này. Việc này gửi thông điệp đến các cử tri nước khác về giá trị kinh tế của EU. Thứ hai, các lãnh đạo EU sẽ o ép điều kiện thương thảo khó khăn cho London, một mặt để “trừng phạt vì tội dám dứt áo ra đi”, mặt khác để “dọa các quốc gia khác” chớ có noi gương dân Anh. Thứ ba, có lẽ là quan trọng nhất, EU vẫn là một vũ đài không thể thiếu để giải quyết các vấn đề châu Âu.

Sau cuộc bỏ phiếu Brexit, Liên minh châu Âu, một nhóm gồm 28 quốc gia hợp tác về các vấn đề như thương mại, luật pháp, và giáo dục, đã bị nhìn nhận một cách rộng rãi là kẻ thua cuộc. Cuộc trưng cầu dân ý Brexit được đánh dấu là sự kiện lần đầu tiên một quốc gia bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu. Những cử tri Vương quốc Anh từ lâu đã chia rẽ trong vấn đề EU, nhưng họ không phải là những người duy nhất có tư tưởng hoài nghi liên minh này tại châu Âu.

Pháp và Hà Lan, hai thành viên sáng lập EU, đều có những đảng phái dân túy đang tìm cách tổ chức trưng cầu dân ý. Ví dụ, nhà lãnh đạo phe cực hữu của Pháp Marine Le Pen, tuyên bố rằng cuộc bỏ phiếu Brexit cho thấy rằng EU “một thất bại toàn diện khách quan”. Chính trị gia người Hà Lan Geert Wilders đã kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý tương tự cho Hà Lan, tuyên bố “Bây giờ đến lượt chúng tôi“.

Nhưng những sự kiện gần đây đã minh chứng việc rời đi không phải là việc dễ dàng. Bắt đầu từ chuyện Brexit đem đến vô số nỗi đau cho nước Anh. Không có mấy người còn hồ nghi việc bỏ EU sẽ có tác động kinh tế tiêu cực lên nước Anh trên bình diện rộng. Trong thời gian ngắn hạn và trung hạn, nền kinh tế nước Anh sẽ phải chịu đựng nhiều tổn thất rõ ràng từ cuộc bỏ phiếu Brexit. Hầu hết các nhà kinh tế đều dự đoán tăng trưởng GDP năm tới của nước Anh sẽ giảm mạnh. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cắt dự đoán tăng trưởng GDP của Anh đi 1,4 %.

Việc rút khỏi Liên minh châu Âu và các tổ chức cấu thành Liên minh này đồng nghĩa với việc London phải cắt giảm chi tiêu và việc làm giảm sút. Ví dụ, nông dân và các trường Đại học của Anh, có thể mất những trợ cấp có giá trị của EU trừ khi chính phủ Anh ra tay lấp đầy khoảng trống này. Tương tự, cơ quan y tế châu Âu có trụ sở tại London, chịu trách nhiệm đánh giá an toàn thuốc trong EU, có thể sẽ chuyển đến quốc gia khác khi Vương quốc Anh rời đi.

IMF đã giảm dự đoán tăng trưởng GDP của Anh đi 1,4%.

Rõ ràng hơn là suy giảm đầu tư thương mại, khả năng này có thể nhìn thấy ngay trong dữ liệu chính thức vào cuối năm nay. Nhiều công ty đa quốc gia, từ hàng không easyJet đến Burberry, có trụ sở tại London nhưng kinh doanh trên toàn châu Âu. Sự chú ý đang dồn vào lĩnh vực tài chính của thủ đô Anh, nhưng thương mại miễn thuế và quy định hài hòa là điều cần thiết trong các ngành công nghiệp từ dược phẩm đến các dịch vụ chuyên nghiệp. Ví dụ, công ty viễn thông Vodafone thông báo rằng họ sẽ xem xét việc di chuyển trụ sở chính của mình ra khỏi Luân Đôn trong khi chờ dợi kết quả của cuộc đàm phán Brexit với EU.

Lý do thứ hai khiến Brexit có thể tăng cường sự gắn kết của EU đó là kinh nghiệm cay đắng của dân Anh rút ra từ sau cuộc trưng cầu dân ý. Lập luận cốt lõi của những người ủng hộ Brexit đã được minh chứng là sai lầm. Những người này dự đoán rằng dù có bước ra khỏi EU thì khối này vẫn sẽ đồng ý để cho Vương quốc Anh tiếp cận thị trường chung châu Âu, vốn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế đất nước, mà không đòi hỏi phải mở toang cửa biên giới cho lao động tự do.

Dấu hiệu ban đầu từ các lãnh đạo châu Âu khác cho thấy việc họ thỏa hiệp các điều kiện làm vừa lòng Anh quốc khó có khả năng xảy ra. Brexit sẽ là một bài học “cho những người tìm kiếm sự kết thúc của EU”, Tổng thống Pháp François Hollande cảnh báo: “Ở ngoài (EU) có tốt không?”

Nếu Vương quốc Anh muốn tự do lưu thông hàng hóa và tư bản, họ phải chấp nhận sự tự do di chuyển. Pháp, Hà Lan và các nước khác có tồn tại đảng phái bài xích EU càng không có lý do gì để cung cấp cho Anh một thỏa thuận tốt.

Thêm nữa, số quốc gia hùng mạnh nhất châu Âu, trong đó có Pháp, đang xem Brexit là một cơ hội để gia tăng trọng lượng của mình trong các đàm phán EU. Paris không những không có động lực để ký những thỏa thuận tốt cho người hàng xóm Anh mà một số chính khách Pháp còn Brexit là một cơ hội từ trên trời rơi xuống. Đối với nhiều nước khác, thất bại của Anh sẽ giúp EU nhận ra rằng bỏ phiếu rời đi không phải là một chiến thuật đàm phán hữu ích. Điều này sẽ làm việc tổ chức trưng cầu dân ý trong tương lai ít hấp dẫn hơn nhiều.

miller0809-table1
Thị trường chung: Sự quan trọng của thương mại giữa các nước châu Âu giúp củng cố ủng hộ sự hội nhập. Thương mại nội bộ giữa 28 nước EU trong năm 2013 giảm 6,3 % so với năm 2002, các thanh màu hồng biểu thị nước có sự sụt giảm lớn hơn. Chỉ có Anh, Hy Lạp, Malta là có trao đổi thương mại nhiều hơn với các nước khác ngoài EU. (Ảnh: Eurostat data)

Yếu tố thứ ba chính là Liên minh châu Âu đang chứng minh mình là nhân tố không thể thiếu để đối phó với nhiều thách thức của châu Âu. Ví dụ, năm ngoái, châu Âu gặp khó khăn với trong đàm phán về vấn đề gánh nặng nợ nần của Hy Lạp, có một số chuyên gia dự đoán rằng nước này sẽ rời khỏi khu vực đồng euro. Cùng lúc đó, dòng người tị nạn và di cư khổng lồ đang sang các nước Bắc Âu như Đức và Thụy Điển, và người ta nhận ra rằng các nước EU khác chưa sẵn lòng để giúp đỡ chia sẻ gánh nặng, việc này khiến các nhà phân tích kết luận rằng việc đảm bảo tự do di chuyển của EU đang bị đe dọa. Việc thiết lập kiểm tra hộ chiếu tạm thời ở một số biên giới châu Âu khiến nhiều người đặt câu hỏi về tương lai của đặc quyền tự do đi lại vốn làm nên bản sắc của EU.

Tại thời điểm hiện này, các cuộc khủng hoảng từng đe dọa EU đã ít nguy hiểm hơn. Nợ của Hy Lạp đã được tái cơ cấu theo cách mà đất nước này không phải trả khoản tiền lớn trong nhiều năm. Lượng người tị nạn và di cư đã giảm mạnh. Thật vậy, sự phối hợp toàn châu Âu thông qua cơ chế EU là chìa khóa để giải quyết cả hai vấn đề.

Do ảnh hưởng của những yếu tốtrên, nhiều cử tri và chính trị gia châu Âu ủng hộ EU hơn so với bối cảnh trước cuộc bỏ phiếu Brexit. Ví dụ, tại Áo, ứng cử viên tổng thống cực hữu Norbert Hofer đã lên tiếng khẳng định không thể rõ ràng hơn để làm vững lòng cử tri rằng ông ủng hộ EU. “Tôi không ủng hộ Áo rời khỏi EU“, Hofer tuyên bố. “Tôi đã cảm thấy khó chịu trong nhiều ngày về việc nhiều người cho rằng tôi ủng hộ“.

Theo một cuộc thăm dò, 60% người Áo phản đối một cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU. Một cuộc thăm dò khác cho thấy chỉ 23% người Áo muốn rời khỏi EU, giảm đến 8% kể từ cuộc thăm dò thực hiện trước khi Brexit diễn ra.

“Các cuộc thăm dò cho thấy sự ủng hộ EU đang dần tăng lên. Khi mà các cử tri nhận ra rằng rời khỏi Liên minh là một vấn đề thương mại nghiêm trọng”.

Áo không phải là trường hợp duy nhất mà sự kiện Brexit khiến người dân càng ủng hộ EU hơn. Trên khắp châu lục này, các cuộc thăm dò cho thấy sự ủng hộ liên minh ngày càng gia tăng. Lời giải thích phổ biến nhất là các cử tri trước đây có thái độ bài EU là để thể hiện sự không hài lòng của họ về các vấn đề diễn ra, tuy nhiên, họ đã nhận ra rằng rời đi lại tạo ra một vấn đề thương mại còn nghiêm trọng hơn. Những người Anh không hài lòng đã bỏ phiếu rời khỏi EU sẽ sớm nhận ra rằng Brexit là một phi vụ quá đắt giá.

Nhiều người trên khắp châu Âu hiện đang nói lên ý kiến của họ qua các thăm dò dư luận rằng họ ủng hộ EU nhiều hơn trước sự kiện Brexit. Theo một cuộc thăm dò của IFOP, sự ủng hộ EU đã tăng lên 18% ở Đức và 9% ở Tây Ban Nha. Bỉ và đáng kể nhất là Pháp cho thấy một tỷ lệ ủng hộ lớn tương tự.

Đây chỉ là một phản ứng ngắn hạn, nhưng khi các hậu quả của Brexit thể hiện rõ rệt hơn, thì càng nhiều người châu Âu hơn sẽ nhận ra lợi ích của việc ở lại EU.

Tác giả: Chris Miller là Phó giám đốc của Chương trình Chiến lược chính ở Yale và là một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại. Bài viết đã được công bố lần đầu trên YaleGlobal Online.