Tân Hoa Xã của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tại Phnom Penh đưa tin, Thủ tướng Campuchia Hun Manet ngày 28/5 tuyên bố Chính phủ Hoàng gia Campuchia sẽ đặt tên một con đường ở thủ đô Phnom Penh là “Đại lộ Tập Cận Bình” để “cảm ơn Chủ tịch Tập Cận Bình vì cống hiến mang tính lịch sử của ông cho sự phát triển của Campuchia”.

Tap Can Binh 2
Ông Tập Cận Bình thăm Campuchia và gặp Thủ tướng Hun Sen hôm 14/10/2016. (Ảnh chụp màn hình video)

“Đại lộ Tập Cận Bình” nằm ở phía Nam của Đường vành đai 3 ở Phnom Penh. Nó bao gồm 4 cầu vượt và 8 cây cầu, đi qua 15km ở Phnom Penh và 38km ở tỉnh Kandal. Trước đây ở Phnom Penh đã có một “Đại lộ Mao Trạch Đông”.

“Đại lộ Tập Cận Bình” được xây dựng với kinh phí 273 triệu USD bằng nguồn vốn ưu đãi từ ĐCSTQ và phần đóng góp của Campuchia, nối quốc lộ 4 ở quận Por Senchey, Phnom Penh với quận Kien Svay, tỉnh Kandal.

Công trình do Tập đoàn Xây dựng Thượng Hải của Trung Quốc thực hiện, khởi công từ tháng 1/2019, khánh thành tháng 7/2023. 

Campuchia cho hay kể từ khi khánh thành, “Đại lộ Tập Cận Bình” đã góp phần tạo thuận lợi cho giao thông, thúc đẩy thương mại, phát triển các khu vực xung quanh Phnom Penh. Theo Thủ tướng Hun Manet, ĐCSTQ đã giúp xây tổng cộng gần 4.000 km đường ở Campuchia.

Tin tức cho biết, tại lễ đặt tên đường tổ chức ngày 28/5, ông Hun Manet đã chỉ ra rằng với sự quan tâm, thúc đẩy của Chủ tịch Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo Campuchia, mối quan hệ Campuchia – Trung Quốc đã bước vào thời kỳ tốt đẹp nhất trong lịch sử. Để cảm ơn Chủ tịch Tập Cận Bình vì những cống hiến mang tính lịch sử cho sự phát triển của Campuchia, Chính phủ Campuchia đã quyết định đặt tên đoạn từ Quốc lộ 1 đến Quốc lộ 4 của Đường vành đai 3 ở Phnom Penh là “Đại lộ Tập Cận Bình”, cùng với “Đại lộ Mao Trạch Đông” hiện có ở Phnom Penh, cả 2 đại lộ sẽ làm nổi bật sự kế thừa lịch sử của tình hữu nghị truyền thống Campuchia – Trung Quốc.

Hun Manet
Ông Hun Manet, Chỉ huy Quân đội Hoàng gia Campuchia, chụp ảnh trước buổi gặp Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại phủ thủ tướng ở Tokyo vào ngày 16/2/2022. (Ảnh: FRANCK ROBICHON/POOL/AFP qua Getty Images)

Theo các phương tiện truyền thông chính thức của ĐCSTQ, Đại sứ ĐCSTQ tại Campuchia Vương Văn Thiên (Wang Wentian) cho biết tại buổi lễ rằng năm 1965 Hoàng đế Sihanouk đã đặt tên “Đại lộ Mao Trạch Đông”, ngày hôm nay gần 60 năm sau, Thủ tướng Hong Manai đặt tên “Đại lộ Tập Cận Bình”, trở thành cột mốc mới của mối quan hệ hai nước tồn tại mãi mãi và mở ra tương lai. Đại sứ ĐCSTQ cho biết, Trung Quốc sẵn sàng chung tay với Campuchia dọc theo con đường vàng nối tiếp tình hữu nghị sắt đá này và tạo ra một tương lai tươi sáng hơn cho cộng đồng Trung Quốc – Campuchia cùng chung vận mệnh trong thời đại mới.

Mao Trạch Đông và Khmer Đỏ

10 năm sau khi “Đại lộ Mao Trạch Đông” ở Phnom Penh được Quốc vương Sihanouk đặt tên, Khmer Đỏ Campuchia và lãnh đạo Pol Pot nổi lên được Mao Trạch Đông ủng hộ. Họ noi gương Mao Trạch Đông phát động “Đại nhảy vọt” (Maha lout ploh) và “Cách mạng Văn hóa“, tiến hành bức hại điên cuồng đối với người dân Campuchia, giết hại một phần tư dân số cả nước (khoảng 2 triệu người) trong vòng chưa đầy 4 năm (17/04/1975 – 01/07/1979), trong đó có nhiều người là người Hoa. Nó được biết đến với cái tên “diệt chủng Campuchia” haydiệt chủng Khmer Đỏtrong lịch sử.​

Trong khi hàng triệu người Campuchia và Trung Quốc chết vì đói và bị cưỡng bức lao động tại các trang trại tập thể thì nhiều tù nhân chính trị lại bị tra tấn đến chết tại các “trung tâm thẩm  tra” của Khmer Đỏ. Nổi tiếng nhất là Trại tập trung S-21, một tòa nhà xây theo phong cách Pháp ở ngoại ô Phnom Penh. Nơi đây từng là một trường cấp hai, hiện là bảo tàng trưng bày lịch sử tàn khốc năm đó. Vào ngày 17/11/2017, phóng viên của của Đài phát thanh Quốc tế Pháp (RFI) nhìn thấy một tấm áp phích về Cách mạng Văn hóa Trung Quốc trên cửa sổ phòng giam trong trại tập trung này, cũng như những bức ảnh chụp nhiều người bị tra tấn đến chết ở đó.

Vào năm 1997 và 2007, các tòa án đặc biệt do Campuchia, Liên Hợp Quốc và Campuchia cùng thành lập, đã kết án một số thủ lĩnh của Khmer Đỏ án tù chung thân vì các tội ác chống lại loài người và diệt chủng.

Trí Đạt (theo RFI)