Người đứng đầu Chính phủ lưu vong Tây Tạng ở Ấn Độ cho biết tại Australia hôm thứ Tư (21/6) rằng suy thoái kinh tế gây bất ổn ở Trung Quốc đại lục có thể khiến Bắc Kinh tấn công Đài Loan hoặc Ấn Độ, và động thái này cần được theo dõi chặt chẽ.

Embed from Getty Images

Ông Penpa Tsering, được biết đến là Sikyong thuộc tổ chức Chính quyền Trung ương Tây Tạng (CTA), đã phát biểu tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia ở Canberra, và so sánh các chính sách của Trung Quốc nhằm chuyển trẻ em Tây Tạng vào trường nội trú và thu thập DNA, với chính sách bị lên án trong quá khứ của Australia về việc tách trẻ em bản địa khỏi gia đình.

Quốc hội Australia sau đó đã xin lỗi về chính sách này và cái được gọi là “Thế hệ bị đánh cắp”.

Sikyong là một vai trò lãnh đạo được tạo ra vào năm 2012 sau khi Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần 87 tuổi người Tây Tạng, từ bỏ quyền lực chính trị để ủng hộ một tổ chức có thể tồn tại lâu hơn ông.

Ông Tsering cho biết Bắc Kinh tiếp tục tạo ra căng thẳng tại các điểm nóng với Ấn Độ, Đài Loan và Biển Đông, nhưng ưu tiên của họ là nền kinh tế, vốn đang trong thời kỳ suy thoái với tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ ngày càng tăng.

“Trung Quốc ngày nay rất không an toàn, vì vậy chúng ta phải tiếp tục theo dõi động thái của họ và xem xét, bởi vì phân tích của tôi lúc này là nếu có mối đe dọa đối với sự tồn vong của Đảng Cộng sản thì họ chắc chắn sẽ tấn công một trong những nơi này,” ông nói với các phóng viên.

Bắc Kinh đã cáo buộc Đức Đạt Lai Lạt Ma kích động chủ nghĩa ly khai ở Tây Tạng và họ không công nhận CTA, tổ chức đại diện cho khoảng 100.000 người Tây Tạng lưu vong sống ở khoảng 30 quốc gia bao gồm Ấn Độ, Nepal, Canada và Hoa Kỳ. Trung Quốc cai trị Tây Tạng từ năm 1951.

Nhật Minh (theo Reuters)