Chính khách Anh lên án New Zealand bán linh hồn cho Trung Quốc
- Thành Dung
- •
Sau khi New Zealand từ chối lời kêu gọi của Liên minh Ngũ Nhãn (Five Eyes), hình thành lập trường ngoại giao chung chống lại ĐCSTQ, chính trị gia Nigel Farage của Anh đã lên án New Zealand “bán linh hồn cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)”.
Theo Breitbart News (Mỹ) đưa tin hôm 22/4, đất nước New Zealand ở Nam Thái Bình Dương là thành viên của mạng lưới chia sẻ thông tin tình báo Ngũ Nhãn, bên cạnh nước láng giềng Úc và các nước nói tiếng Anh lớn khác như Mỹ, Anh và Canada. Mạng lưới này có nguồn gốc từ một liên minh chặt chẽ trong thời Thế chiến II và được cho là thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo sâu sắc nhất thế giới. Để đối phó căng thẳng ngày càng tăng với khối các nước cộng sản, Ngũ Nhãn đã thảo luận về việc sửa đổi những chính sách từ nguồn gốc chiến tranh lạnh của mạng lưới, trong đó có việc tập trung vào chống lại ĐCSTQ bằng cách thúc đẩy “các giá trị chung” về nhân quyền và dân chủ.
New Zealand không hưởng ứng lập trường chung
Tờ Telegraph (Anh) có nhận định rằng Ngoại trưởng New Zealand là bà Nanaia Mahuta đã từ chối nhắm mục tiêu vào ĐCSTQ vì họ là đối tác thương mại lớn nhất của New Zealand.
Bà Mahuta nói với “Ủy ban Thúc đẩy quan hệ New Zealand – Trung Quốc” (New Zealand China Council): “Chúng tôi không thoải mái với việc mở rộng phạm vi của Ngũ Nhãn. Chúng tôi sẵn sàng tìm kiếm các cơ hội đa phương hơn để bày tỏ lợi ích của mình về một số vấn đề.”
Trước đó bà Mahuta đã tuyên bố: “New Zealand luôn rất rõ ràng… không coi Ngũ Nhãn là điểm liên hệ đầu tiên trong phổ biến thông tin về một loạt vấn đề. Chúng tôi không tán thành kiểu tiếp cận này và đã thông tin cho các đối tác Ngũ Nhãn.”
Những năm qua, ĐCSTQ đã phải chịu áp lực quốc tế tăng lên do chính sách bạo lực của họ đối với các nhóm dân sự và người dân tộc thiểu số, chẳng hạn như những người theo đạo Thiên chúa, Pháp Luân Công, người Mông Cổ, Tây Tạng và Duy Ngô Nhĩ, phong trào dân chủ Hồng Kông, tuyên bố chủ quyền gây căng thẳng leo thang ở Biển Đông, bao gồm tập trận quân sự gần Đài Loan.
Nhưng New Zealand vẫn không sẵn lòng tham gia cùng các đối tác khác của Ngũ Nhãn trong việc lên án các hành động đàn áp của ĐCSTQ. Người ta suy đoán rằng với 29% kim ngạch xuất khẩu của New Zealand sang Trung Quốc, có thể nước này sợ Bắc Kinh tức giận, vì bài học từ Úc bị Bắc Kinh áp đặt thuế quan và cấm vận đối với các sản phẩm như thịt bò, lúa mạch và rượu vang (sau khi Úc kêu gọi điều tra độc lập về việc Bắc Kinh xử lý dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán). Nhưng Úc không bị bắt nạt, mặc dù ĐCSTQ đe dọa Úc sẽ gánh chịu hậu quả, thậm chí gần đây Úc còn rút khỏi “Vành đai và Con đường” của ĐCSTQ.
Farage: New Zealand đã bán linh hồn
Trong khi rút lui khỏi đấu trường chính trị tiền tuyến, lãnh đạo của phe Brexit là Farage đã tập trung vào việc thách thức ảnh hưởng ngày càng tăng của ĐCSTQ trên thế giới. Ông lên án vào ngày 22/4, “New Zealand bán linh hồn của họ cho ĐCSTQ là điều thực sự gây sốc. Họ sẽ hối hận về điều đó”.
The Times đưa tin rằng những phát biểu của phía đối tác New Zealand đã khiến London thấy lo lắng, đã gây kinh động trong Bộ Ngoại giao Anh dù từ chối đưa ra bình luận chính thức về thông tin. Vốn dĩ Ngoại trưởng Dominic Raab đã đi đầu trong việc định hình lại mạng lưới tình báo trước Chiến tranh Lạnh này như một công cụ ngoại giao gây áp lực đối với ĐCSTQ.
Nhưng những người theo Đảng Bảo thủ khác của Anh còn đi xa hơn, đề xuất rằng liên minh này cần hình thành nền tảng của một mối quan hệ kinh tế chiến lược mới với mục tiêu phá vỡ sự phụ thuộc của phương Tây vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc.
Tom Tugendhat, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Anh, nói rằng việc New Zealand chọn rút lui khỏi một công cụ có giá trị chống lại sự xâm lược của ĐCSTQ là một sai lầm. Ông nói: “Điều quan trọng là phải tìm ra những cách thức mới để thúc đẩy lợi ích của những người tự do và bảo vệ thương mại tự do, tôi mong muốn được nghe những đề xuất của New Zealand về các mối quan hệ đối tác thay thế”.
Tobias Ellwood, Chủ tịch Ủy ban Đặc biệt về Quốc phòng tại Hạ viện Anh cũng cho biết, “Quan điểm của New Zealand cho thấy sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc trên quốc tế và việc phương Tây thiếu một đối trọng khả thi. Sức ảnh hưởng của ĐCSTQ vừa tiến một bước dài”.
Nhưng theo Telegraph, giới tình báo Anh không quá lo lắng, họ tin rằng điều đó không đồng nghĩa phản ánh “rạn nứt mối quan hệ”.
Nhật Bản muốn tham gia Ngũ Nhãn
Nhật Bản đang cố gắng tận dụng thời cơ Ngũ Nhãn đang có những lung lay về tổ chức, ngày 21/4 vừa qua Nhật Bản tuyên bố mong muốn được nâng cấp trở thành thành viên chính thức của Ngũ Nhãn. Vốn dĩ từ lâu Nhật Bản đã mong muốn được gia nhập, nhưng các chuyên gia tình báo cho rằng còn nhiều trở ngại, bao gồm cả hiến pháp thời hậu chiến của nước này. Ngoài ra họ cũng không chắc chắn liệu Nhật Bản có sẵn sàng tham gia vào khía cạnh ngoại giao của quan hệ đối tác hay không, vì trước đây Nhật Bản từng từ chối tham gia lên án hoặc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ.
Năm 2018, cựu chuyên gia của CIA Mỹ là Peter Mattis đã bày tỏ rằng “khi nói về Trung Quốc, New Zealand phủ nhận các vấn đề (nhân quyền)”.
Vào năm 2018 khi ông làm chứng trước Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ – Trung Quốc, ông Mattis đã nêu ra triển vọng loại bỏ New Zealand khỏi mạng lưới Ngũ Nhãn. Ông Mattis cho biết: “Ở New Zealand, các thế hệ Thủ tướng như Bill English và Ardern đều phủ nhận có bất kỳ vấn đề nào (về ĐCSTQ). Để nhanh chóng đưa ra các khuyến nghị, tôi nghĩ ở một mức độ nào đó, ‘cần phải thảo luận về ‘Ngũ Nhãn’ hay ‘Tứ Nhãn’, xem xét vấn đề chính trị cốt lõi này, liệu New Zealand có thể ở lại (trong liên minh) hay không”; “Cần phải dùng những thuật ngữ này để giải thích, để Chính phủ New Zealand hiểu rõ rằng hậu quả sẽ rất nghiêm trọng nếu một số vấn đề họ gặp phải không được xem xét và giải quyết”.
Thành Dung, Vision Times
Xem thêm:
Từ khóa Liên minh Ngũ nhãn Nanaia Mahuta New Zealand Nigel Farage