Chính phủ Biden chú trọng và ký lệnh quản lý AI
- Nhật Tân
- •
Tổng thống Mỹ Joe Biden ký lệnh hành pháp quản lý AI, quan ngại về an ninh, cạnh tranh, phân biệt đối xử, phát triển công nghệ v.v, đặc biệt sau khi xem bộ phim về AI gần đây.
Lệnh hành pháp dài lê thê nhiều hạng mục, tiêu đề “Lệnh hành pháp về An toàn, An ninh, và Đáng tin trong Phát triển và Ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI”, đã được Tổng thống Mỹ Joe Biden ký hôm Thứ Hai.
Nó lập tức thu hút quan tâm của cả giới công nghệ thông tin và giới bình luận. Bản thân nó cũng phản ánh sự chú trọng và nỗ lực của Nhà Trắng trong vấn đề này, vấn đề vốn đã trở nên nhạy cảm ở Washington cũng như trong nội bộ Đảng Dân chủ.
Bruce Reed, phó quản lý nhân viên Tòa Bạch Ốc, đã nói với AP rằng Tổng thống Biden trở nên đặc biệt chú trọng về vấn đề AI sau khi xem bộ phim “Nhiệm vụ Bất khả thi — Nghiệp báo Phần 1”, một bộ phim mới ra mắt năm nay, với diễn viên gạo cội Tom Cruise thủ vai chính.
“Nếu ông [Biden] chưa đủ chú trọng những sai lầm nguy hiểm có thể xảy ra bởi AI trước khi xem bộ phim này,” ông Reed kể, nói rằng ông Biden đã xem phim này vào dịp nghỉ cuối tuần ở Trại David, “giờ ông ấy đã nhận ra rất nhiều vấn đề đáng lo.”
Trong bộ phim bom tấn ấy, Tom Cruise (trong vai Ethan Hunt) cùng đồng đội của mình phải đối mặt với một bot AI tội phạm mạnh mẽ mang tên “the Entity” do phe Nga triển khai từ Sevastopol. Nó là thủ phạm đứng sau vụ đánh đắm một chiếc tàu ngầm cùng cái chết của thủy thủ đoàn. Nó là một “ký sinh trùng số hóa, cắn nuốt sự thật, và có khả năng tự học,” theo một miêu tả trong phim.
Trí tuệ nhân tạo AI, bằng vào năng lực trợ giúp con người trong công việc, đang được phát triển vũ bão với xu thế không gì cản nổi. Tuy nhiên, nó đồng thời mang theo những mối nguy hiểm đáng lo ngại.
Theo một phân tích đăng trên New York Times hồi tháng 9, các nhà bình luận cho rằng có ba phương diện đáng ngại như sau:
Thuyết “tận thế” của những “người theo chủ nghĩa dài hạn” chỉ ra rằng công nghệ này sẽ đem đến vũ khí tự hành được điều khiển hàng loạt bởi AI quân sự, tạo ra vũ khí sinh học, cộng với trào lưu leo thang và cạnh tranh chiến tranh sẽ dẫn đến tàn sát lượng lớn nhân loại hoặc thậm chí hủy diệt loài người.
Thuyết “cải cách” của những người cấp tiến khẳng định AI sẽ là mối đe dọa đối với người Mỹ: Lấy đi nhiều phần công ăn việc làm, truyền bá tư tưởng chính trị thiên lệch, phân biệt đối xử và thành kiến chủng tộc, quảng bá chủ nghĩa vô thần.
Thuyết “cạnh tranh” của những người phe hiếu chiến cho rằng công nghệ mới này có thể làm suy yếu quyền bá chủ địa chính trị và an ninh quốc gia của Mỹ. Đặc biệt trong cuộc đua với Trung Quốc. Thời gian qua, bất chấp sự cản trở công nghệ của Mỹ —cả về phần cứng và phần mềm của ngàng công nghệ thông tin— ngành AI nói riêng và ngành công nghệ thông tin nói chung của Trung Quốc đang phát triển với tốc độ cực nhanh.
Tờ báo ví nó như Chiến tranh Lạnh tập 2.
Trong phần dẫn nhập của lệnh hành pháp, có đoạn ông Biden viết: “Chính phủ của tôi đặt vấn đề quản lý việc phát triển và ứng dụng AI ở vị trí khẩn cấp cao nhất… Rốt cuộc, AI là phản ánh các giá trị nguyên lý của những người tạo ra nó, những người sử dụng nó, và số liệu mà nó lấy làm nền tảng.”
“Tôi tin tưởng vững chắc vào sức mạnh của tư tưởng cùng các nền tảng của xã hội chúng ta, vào sự sáng tạo, đa dạng, và đúng đắn của người Mỹ chúng ta. Và đó chính là nguyên nhân nước Mỹ đã vượt lên từ thời đại đầy biến động trong quá khứ. Và đó cũng là nguyên nhân để chúng ta một lần nữa lại thành công vào thời khắc này,” ông viết tiếp.
Mặc dù các trận doanh khác nhau có các mối lo lắng khác nhau về AI, nhưng dường như tất cả đều hoan nghênh lệnh hành pháp của Tổng thống Biden, nhìn chung là vậy.
“Tôi nhìn thấy rằng nó [lệnh hành pháp] đang cố gắng làm tất cả các thứ,” theo Bruce Schneier, giáo sư về công nghệ bảo mật của trường Harvard Kennedy, nói rằng lệnh hành pháp khá đầy đủ. “Nó có nhiều phương diện. Tôi nghĩ rằng họ đang muốn xử lý tất cả các phương diện đồng thời.”
Tuy lệnh hành pháp theo phong cách tiếp cận từ mọi phương diện như vậy là được hoan nghênh, nhưng nó lại có thể gặp vấn đề từ các nhóm khác nhau — có thể là nhóm những cử tri cấp tiến cánh tả như những người đứng đầu hãng công nghệ như OpenAI, hoặc những tiếng nói của phe hiếu chiến (hawk) như Thượng nghị sỹ Mark Warner, hoặc những tiếng nói có uy tín như cựu giám đốc điều hành Google Eric Schmidt, hoặc quảng đại cử tri thông thường của Đảng Dân chủ.
Nathan Sanders, một nhà khoa học số liệu liên kết với Trung tâm Berkman Klein tại Đại học Harvard, cho biết cuộc tranh luận về AI chủ yếu diễn ra trong giới chính sách, nhưng “thật đáng buồn là vấn đề này đã bị chính trị hóa”.
Có những đổ lỗi là do Elon Musk cùng một số nhân vật phân cực khác trong các cuộc tranh luận về AI. Nhưng ông Sanders cho rằng cũng có “những tác động chính trị rõ ràng đối với chính các phe phái” hiện đang tranh giành quyền thống trị ở Washington – những người cấp tiến, diều hâu và những người lo lắng về rủi ro dài hạn được tài trợ bởi công nghệ.
Chandler Morse, phó chủ tịch phụ trách các vấn đề doanh nghiệp của ‘gã khổng lồ’ phần mềm Workday, chia sẻ rằng “Mối quan tâm duy nhất của chúng tôi —và có lẽ còn nhiều người khác cũng nghĩ thế— đó là rất nhiều việc phải làm,” đặc biệt khi bước vào năm bầu cử, ông Morse lo lắng các cơ quan có thể bị choáng ngợp trước làn sóng chỉ thị AI đến mức Nhà Trắng có thể “bỏ [lệnh điều hành] và không có gì xảy ra”.
Daniel Ho, phó giám đốc Viện Trí tuệ nhân tạo lấy con người làm trung tâm Stanford, lưu ý rằng Washington trước đây đã gặp khó khăn trong việc thực thi các mệnh lệnh hành pháp trước đây liên quan đến AI.
Ba mục tiêu cùng một lúc
Các điều khoản chính trong sắc lệnh hôm Thứ Hai dường như được thiết kế kèm nhân tố xoa dịu các phe phái khác nhau trong bối cảnh AI.
Nhiều trang trong lệnh hành pháp viết chi tiết cách các cơ quan liên bang có thể thực hiện các bước để giảm thiểu các vấn đề trong thế giới thực mà AI gây ảnh hưởng tới được. Ví như chỉ đạo Bộ Lao động tính đến khả năng AI gây mất việc làm tràn lan; giao nhiệm vụ cho Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng và Bộ Phát triển Nhà ở và Đô thị để giải quyết cách AI có thể làm trầm trọng thêm sự phân biệt đối xử trong lĩnh vực ngân hàng và nhà ở; và yêu cầu Văn phòng Quản lý và Ngân sách cũng như các cơ quan khác xác định cách chính phủ có thể sử dụng AI mà không làm ảnh hưởng đến quyền riêng tư số liệu.
Trong một tuyên bố hôm thứ Hai, Dân biểu Yvette Clarke, một người có tiếng nói tiến bộ hàng đầu về AI, ca ngợi lệnh hành pháp “nhấn mạnh các tiêu chuẩn mới về công bằng và dân quyền.” Người đại diện cho biết cô tin rằng “sự thiên vị trong AI sẽ là vấn đề dân quyền của thời đại chúng ta” và bảy tỏ rằng cô mong muốn được tiếp tục làm việc với chính quyền Biden.
Lệnh này cũng đặt ưu tiên chính cho những người lo lắng về rủi ro tồn tại của các mô hình AI tiên tiến. Nó yêu cầu các công ty phát triển hệ thống AI tiên tiến nhất phải cung cấp báo cáo thường xuyên cho Washington về tiến trình của họ, bao gồm thông tin chi tiết về cụm vi mạch mà họ đang sử dụng để đào tạo AI.
Đề xuất này tương tự như đề xuất được đưa ra tại phiên điều trần quốc hội vào tháng 9 của Jeff Alstott, một nhà nghiên cứu tại Tập đoàn RAND. Cả Alstott và RAND đều có mối liên hệ chặt chẽ với cách tiếp cận “rủi ro hiện hữu” đối với quản trị AI.
Lệnh hành pháp cũng mang lại nhiều lợi ích cho lực lượng an ninh quốc gia. Ngoài một loạt chỉ thị an ninh mạng mới, nó giao nhiệm vụ cho Bộ Ngoại giao, Bộ An ninh Nội địa và các cơ quan liên bang khác tăng cường số lượng người nhập cư có kỹ năng khoa học và công nghệ tiên tiến. Lệnh này cũng thực hiện các bước bổ sung để nâng cao khả năng cạnh tranh toàn cầu của Mỹ về AI, đặc biệt lưu ý đến sự cạnh tranh công nghệ cao ngày càng tăng với Trung Quốc.
Trong khi chính quyền Biden xem xét rõ ràng tất cả các phe phái khi xây dựng lệnh này, thì các quan chức thú nhận rằng họ bị thúc đẩy hành động một phần bởi tính chính trị do AI đang là ngành phát triển hàng đầu, cũng như lĩnh vực mạng xã hội.
Người Mỹ đã rút kinh nghiệm sau nhiều cơ hội bị bỏ lỡ trong việc quản lý các nền tảng công nghệ hàng đầu như Facebook hay YouTube, giờ đây Nhà Trắng coi AI là cơ hội để nhà nước đứng ra định hướng bước nhảy vọt công nghệ lớn tiếp theo của thế giới khi ngành AI vẫn còn ở giai đoạn sơ khai.
Một người tham gia vào các cuộc trò chuyện của chính quyền (giấu tên) đã nói, “Nếu [những năm trước] chúng ta có nhiều cuộc trò chuyện như vậy về vấn đề nền tảng mạng xã hội và chính sách mạng xã hội, trước nó trở thành một vấn đề lớn, thì tình hình chúng ta đã tốt hơn rất nhiều.”
Các quan chức nhìn nhận rằng cốt lõi của nỗ lực quản lý AI của ông Biden là muốn nó có thể trở thành một trong những thông điệp tái tranh cử của ông: Nhu cầu duy trì niềm tin vào nền dân chủ, và đồng thời bảo vệ quyền cá nhân của người dân.
Trên thực tế, phạm vi của lệnh đã vượt xa những vấn đề đó. Nguyên nhân, theo các quan chức nói, ấy là do ảnh hưởng của công nghệ AI quá rộng. Điều này cũng là một thách thức.
“Mỹ cần hành động dựa trên một loạt các ưu tiên liên quan đến AI vì sự đổi mới của AI đã vượt xa hành động chiến lược về AI,” họ nói. “Tôi không thấy lệnh hành pháp đang cố gắng làm hài lòng tất cả các bên, mà thay vào đó hãy thực hiện những công việc cần thiết để bắt đầu giải quyết các vấn đề nhiều mặt.”
Ngoài ra, ông Sanders nói rằng chính trị có thể đóng một số vai trò trong các chỉ thị của chính quyền, khi nhiều điều khoản được ủng hộ bởi không ít các nhóm trong cuộc chiến AI.
“Tôi đã từng rất ngạc nhiên với một số quy định liên quan đến vấn đề nhập cư, mà bấy giờ tôi nghĩ nhiều người sẽ hoan nghênh vì lý do công bằng và cơ hội cho những người đang di cư đến Hoa Kỳ, thêm vào đó có những lợi ích mà tôi nghĩ rõ ràng là chúng mang lại cho tôi, các công ty lớn đang cố gắng giảm chi phí tuyển dụng nhân tài,” ông Sanders nói.
“[Hiện nay] có những lĩnh vực chồng chéo tự nhiên giữa các nhóm cộng đồng này, và việc đưa ra để thực hiện giải pháp mà ảnh hưởng đến cả ba cộng đồng này có thể mang lại hiệu quả.”
Nhưng bất chấp sự nhiệt tình của ba phe AI, không ai trong số họ dường như coi lệnh hành pháp hôm Thứ Hai là sự thay thế cho hành động của quốc hội.
“Tôi hoan nghênh những nỗ lực sử dụng phạm vi quyền hành pháp của để hành động khi Quốc hội chưa bắt kịp tiến triển về vấn đề này,” ông Sanders nói. “Tôi nghĩ nó sẽ nhắc nhở tất cả chúng ta rằng chúng ta cần một Quốc hội hoạt động có thể tích cực hơn trong lĩnh vực này.”
Từ khóa AI trí tuệ nhân tạo Joe Biden