Sự sụp đổ của chính phủ Pháp vào thứ Tư (4/12) và việc không thông qua được ngân sách chi tiêu 2025 có thể khiến Paris khó tăng cường hỗ trợ cho Ukraine mặc dù Tổng thống Emmanuel Macron đã nhiều lần hứa sẽ giúp Kiev chừng nào còn cần.

deal
Emmanuel Macron chào đón Tổng thống Ukraine Volodomyr Zelensky trước cuộc gặp tại Dinh Tổng thống Elysee vào ngày 16 tháng 2 năm 2024 tại Paris, Pháp. Hai nguyên thủ quốc gia chuẩn bị ký một thỏa thuận an ninh song phương, sau các cam kết được đưa ra theo hình thức G7 bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius vào năm 2023 (Ảnh: Christian Liewig – Corbis/Getty Images)

Thủ tướng Pháp Michel Barnier đã thua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội, khi các nhà lập pháp cả cánh tả và cánh hữu đều đoàn kết để lật đổ ông.

Một động thái bất tín nhiệm cần có 288 phiếu bầu tại Quốc hội. Phiên bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Thủ tướng Barnier vào tối thứ Tư (4/12) đã nhận được 331 phiếu bầu, với hai đảng Mặt trận Bình dân Mới (NPF) cánh tả và Tập hợp Quốc gia (RN) cánh hữu đoàn kết phản đối nội các thiểu số do Tổng thống Emmanuel Macron áp đặt. Chính phủ Pháp sụp đổ khiến cho cả vấn đề đối nội và đội ngoại của Paris trong thời gian tới đều không rõ ràng, đặc biệt là việc ủng hộ Ukraine trong chiến tranh với Nga.

Vào tháng Mười Một, Pháp đã hoàn thành việc huấn luyện khoảng 2.000 người Ukraine, đồng thời cung cấp xe bọc thép để di chuyển quân và trinh sát, lựu pháo Caesar, các loại tên lửa chống tăng, tên lửa đất đối không và radar chiến trường.

Paris cũng đã gửi cho Kiev tên lửa mới trong những tuần gần đây bằng tiền lấy từ các tài sản bị đóng băng của Nga và đã có kế hoạch cung cấp máy bay chiến đấu Mirage trong quý đầu tiên của năm 2025.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu, một thủ tướng tương lai tiềm năng, đã nói vào tháng Mười rằng Pháp sẽ không đạt được cam kết viện trợ cho Ukraine 3 tỷ euro (3,16 tỷ USD) cho năm 2024.

Phát biểu trước cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vào tối thứ Tư (4/12), Bộ trưởng Lecornu nói rằng sự sụp đổ của chính phủ Pháp sẽ có tác động đến sự hỗ trợ của Paris cho Kiev.

Một phần lớn hỗ trợ cho Ukraine là chuyển giao thiết bị cũ từ quân đội Pháp sau đó được bù đáp lại bằng thiết bị mới“, ông Lecornu nói với tờ Le Parisien.

Nếu chúng ta làm chậm đơn đặt hàng thiết bị mới thì chúng ta sẽ làm chậm quá trình giao hàng cho Ukraine“, ông Lecornu nói thêm.

Bộ trưởng Lecornu nhận định rằng, nếu không thông qua được ngân sách năm 2025, thì về cơ bản có nghĩa là ngân sách năm 2024 sẽ được tiến hành lại vào năm tới, từ đó ngân sách quốc phòng sẽ không đạt được mục tiêu 50 tỷ euro và báo hiệu khoản lỗ 3,3 tỷ euro cho quân đội.

Trước khi chính phủ của Thủ tướng Barnier bị Quốc hội loại bỏ, đã có gần 150 động thái bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Pháp kể từ năm 1958, thời điểm bắt đầu Nền Cộng hoà thứ Năm. Nhưng trước thứ Tư (4/12), chỉ có một chính phủ Pháp từng bị sụp đổ sau bỏ phiếu bất tín nhiệm, đó là chính phủ của ông Georges Pompidou, vào tháng 10 năm 1962.

Ông Barnier có khả năng sẽ tiếp tục làm thủ tướng tạm quyền cho đến khi Tổng thống Macron có thể bổ nhiệm người thay thế. Tổng thống Pháp đã mất gần hai tháng để chọn thủ tướng sau cuộc bầu cử quốc hội vào tháng Bảy. Một cuộc bỏ phiếu Quốc hội sớm không phải là một lựa chọn vào thời điểm này, vì hiến pháp Pháp cấm tổ chức bầu cử Quốc hội cách nhau dưới một năm.

Hải Đăng (T/h)