Chính quyền Trump hôm thứ Ba (15/4) đã tước quyền tiếp cận tổng thống được bảo đảm hàng ngày của các phóng viên của các hãng thông tấn Associated Press (AP), Reuters, và Bloomberg. Động thái này được đưa ra sau chiến thắng của AP trong vụ kiện về việc loại hãng này khỏi nhóm báo chí tác nghiệp trong các không gia nhỏ của tổng thống tại Nhà Trắng. 

Trump trong phong Bau duc
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump phát biểu với các phóng viên tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng vào ngày 9 tháng 4 năm 2025. (Ảnh: Anna Moneymaker/Getty Images)

Theo các hướng dẫn mới do chính quyền Trump công bố vào thứ Ba (15/4), các phóng viên từ ba hãng thông tấn hàng đầu thường xuyên đưa tin về Nhà Trắng — AP, Reuters và Bloomberg — sẽ không còn được chia sẻ một vị trí luân phiên trong nhóm phóng viên tác nghiệp tại Nhà Trắng.

Cả ba tổ chức này bây giờ sẽ được đưa vào nhóm lớn hơn gồm các tổ chức truyền thông báo in đủ điều kiện tham gia nhóm tác nghiệp tại Nhà Trắng, thường là khoảng chục nhà báo có thể tham dự các sự kiện có không gian hạn chế như lễ ký các sắc lệnh hành pháp tại Phòng Bầu dục hoặc đi cùng tổng thống trên chuyên cơ Không lực Một.

Trong một tuyên bố loan báo về các quy tắc mới, văn phòng báo chí Nhà Trắng cho biết họ sẽ chọn các thành viên của nhóm báo chí tác nghiệp theo cơ chế luân phiên.

Các hãng thông tấn sẽ đủ điều kiện tham gia Nhóm, bất kể quan điểm thực chất do một hãng thông tấn thể hiện“, tuyên bố cho biết.

Việc mất vị trí đặc quyền trong nhóm nhỏ tác nghiệp Nhà Trắng có nghĩa là AP, Reuters và Bloomberg nói chung sẽ ít được tiếp cận với tổng thống hơn.

Trước động thái mới này của Nhà Trắng, từ thứ Ba tuần trước (8/4), Thẩm phán liên bang Hoa Kỳ tại DC Trevor McFadden đã ra lệnh khôi phục AP vào nhóm báo chí tác nghiệp Nhà Trắng sau nhiều tuần bị chính quyền Trump loại trừ vì hãng thông tấn này từ chối cập nhật các quy tắc báo chí của hãng gọi là “Sổ tay phong cách” để gọi tên “Vịnh Mexico” là “Vịnh Mỹ” do Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh đổi tên vào ngày nhậm chức 20 tháng 1.

Trong nội dung phán quyết của Thẩm phán McFadden có đoạn tuyên bố rằng AP “không thể bị đối xử tệ hơn các dịch vụ thông tấn ngang hàng“. Chính quyền Trump đã sử dụng nội dung phán quyết này để chấm dứt đặc quyền lâu đời tiếp cận tổng thống của các hãng thông tấn.

Đây là thay đổi lớn mới nhất đối với nhóm báo chí tác nghiêp Nhà Trắng — thành phần và quy mô của nhóm này ảnh hưởng đến các chủ đề được nêu ra trên truyền thông về Tổng thống Trump, người đàn ông quyền lực nhất thế giới vốn đã trả lời hơn 1.000 câu hỏi trong các bối cảnh chỉ dành cho nhóm nhỏ này trong tháng đầu tiên trở lại Nhà Trắng.

Thành phần của nhóm [báo chí tác nghiệp Nhà Trắng] phản ánh nhiều hơn về thói quen truyền thông của người dân Mỹ vào năm 2025. Chính sách báo chí của Nhà Trắng vẫn tiếp tục dựa trên sự công bằng cho tất cả các kênh muốn đưa tin về Nhà Trắng”, tờ New York Post dẫn lời một quan chức cấp cao của Nhà Trắng.

New York Post cho biết, trong nhiều thập kỷ qua, các hãng thông tấn AP, Reuters và Bloomberg đều được cấp quyền tiếp cận tất cả các sự kiện của tổng thống tại các địa điểm nhỏ hơn như Phòng Bầu dục — trong khi các nhà báo của các tờ báo giấy, tạp chí và trang web lớn khác được xếp vào trong nhóm luân phiên “báo in” và chỉ được phép vào tác nghiệp trong các địa điểm nhỏ khoảng một lần một tháng. Việc phân bổ lại ba kênh trên sẽ mở rộng phạm vi luân phiên của nhóm “báo in” của Nhà Trắng từ số lượng 31 vị trị hiện tại lên 34 vị trí.

Một viên chức Nhà Trắng đã chia sẻ với Fox News một bản chỉ lệnh nội bộ về tiêu chí của Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt khi lựa chọn nhóm báo chí tác nghiệp tại Nhà Trắng. Nhóm này bao gồm: một nhà báo báo in trong “nhóm báo in”, một nhà báo báo in bổ sung ngoài “nhóm báo in”, một nhóm truyền hình (ABC, CBS, CNN, FOX, NBC), một mạng lưới truyền hình thứ cấp hoặc dịch vụ phát trực tuyến, một nhà báo phát thanh, một “phương tiện truyền thông mới” hoặc nhà báo độc lập và bốn phóng viên ảnh.

  • “Phương tiện truyền thông mới” cho đến nay đã được Nhà Trắng lựa chọn trong số các trang web tin tức chính thống, các nhà báo bảo thủ và những người nổi tiếng trên mạng xã hội có lượng người theo dõi lớn.

Sau khi Nhà Trắng loan báo chính sách mới, AP và Reuters đã đưa ra những tuyên bố chỉ trích gay gắt.

Phát ngôn viên của AP Lauren Easton cho biết: “Chúng tôi vô cùng thất vọng khi chính quyền [Trump] đã chọn hạn chế quyền tiếp cận của tất cả các hãng thông tấn, những hãng có phạm vi đưa tin nhanh và chính xác về Nhà Trắng, cung cấp thông tin cho hàng tỷ người mỗi ngày, thay vì đưa AP trở lại nhóm thông tấn này”.

Các hãng thông tấn đại diện cho hàng nghìn tổ chức tin tức trên khắp Hoa Kỳ và trên toàn thế giới. Tin tức của chúng tôi được các tờ báo địa phương và các đài truyền hình ở tất cả 50 tiểu bang sử dụng để thông tin cho cộng đồng của họ. Hành động của chính quyền [Trump] tiếp tục coi thường quyền tự do cơ bản của người Mỹ là được lên tiếng mà không bị chính phủ kiểm soát hoặc trả đũa. Đây là một sự bất công nghiêm trọng đối với người dân Mỹ“, bà Easton nói thêm.

Reuters cũng lên tiếng chỉ trích gay gắt về sự thay đổi này.

Tin tức của Reuters tiếp cận hàng tỷ người mỗi ngày, chủ yếu thông qua hàng nghìn tổ chức tin tức trên khắp thế giới đăng ký dịch vụ của Reuters. Điều thiết yếu đối với nền dân chủ là công chúng có quyền tiếp cận tin tức độc lập, khách quan và chính xác về chính phủ của họ. Bất kỳ bước đi nào của chính phủ Hoa Kỳ nhằm hạn chế quyền tiếp cận Tổng thống đều đe dọa nguyên tắc đó, đối với cả công chúng và phương tiện truyền thông thế giới“, một phát ngôn viên của Reuters nói với Fox News vào thứ Tư (16/4).

Chúng tôi vẫn cam kết đưa tin về Nhà Trắng theo cách khách quan, chính xác và độc lập, theo Nguyên tắc tin cậy của Thomson Reuters“, vị phát ngôn viên này cho biết thêm.

Trong khi đó, tờ The New York Times dẫn tuyên bố của Tổng biên tập Boomberg John Micklethwait nói rằng: “Chúng tôi vô cùng lấy làm tiếc về quyết định xóa bỏ mức độ giám sát và trách nhiệm giải trình lâu đời đó“.

Tại Hoa Kỳ, vấn đề tiếp cận báo chí từ lâu đã là một cuộc chiến dai dẳng trong cả chính quyền của Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ.

Vào năm 2013, Nhà Trắng của Tổng thống Barack Obama đã phải đối mặt với cuộc nổi loạn của các nhiếp ảnh gia sau khi chính quyền cấm các nhà quay phim độc lập và thay vào đó phát những bức ảnh tâng bốc vị tổng tư lệnh tại các sự kiện.

Trong khi đó, Nhà Trắng của Tổng thống Joe Biden đã đưa ra một quy trình sàng lọc sơ bộ mới lạ đối với các nhà báo được phép vào các không gian sự kiện lớn vốn trước đây mở cửa cho tất cả các nhà báo, có thời điểm đã loại trừ cả tờ New York Post, tờ nhật báo lâu đời nhất của Hoa Kỳ vẫn đang hoạt động.

Hải Đăng, theo Fox News, New York PostPolitico