Chủ tịch Ủy ban Châu Âu nói phải chấm dứt bạo lực của Israel tại Bờ Tây
- Nhật Tân
- •
Hôm Thứ Sáu, quan chức EU ủng hộ Israel, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen, nói Israel phải tìm cách chấm dứt các hoạt động bạo lực hiện đang gia tăng ở Bờ Tây do Israel chiếm đóng.
Bờ Tây không có Hamas, nhưng những ‘người định cư Israel’ vẫn cứ leo thang các hoạt động bạo lực nhằm vào người Palestine ở đó, kể từ ngày 7/10.
“Chúng ta phải ngăn chặn bạo lực lan rộng, và từ đó chỉ có thể chung sống hòa bình với giải pháp hai nhà nước,” bà Von der Leyen nói trong một cuộc họp báo ở Canada cùng với Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel, theo Reuters đưa tin.
“Người dân Palestine và các nước láng giềng Ả Rập cần được đảm bảo rằng sẽ không có tình trạng di dời bắt buộc, với một nhà nước Palestine độc lập theo đúng nghĩa với Gaza và Bờ Tây thống nhất, và được cai trị bởi một chính quyền Palestine đã cải cách,” bà Von der Leyen nói. “Và vì mục đích này, bạo lực không thể chấp nhận được của những kẻ cực đoan ở Bờ Tây phải dừng lại.”
Bờ Tây sông Jordan, cùng Dải Gaza và Đông Jerusalem là lãnh địa thuộc về người Palestine, theo lập trường của Liên Hợp Quốc. Nhưng từ chiến tranh Trung Đông 1967 đến nay, Israel không ngừng dùng hình thức thiết lập và mở rộng cái gọi là nơi ở của ‘người định cư Israel’ để tiến hành chiếm đóng nơi này. Theo Al Jazeera, hiện nay 82% diện tích Bờ Tây nằm trong tầm kiểm soát hơn nửa triệu ‘người định cư Israel’. Trong khi đó, 2,8 triệu người Palestine được coi như đang sống trong một nhà tù lộ thiên ở lãnh thổ mà trên danh nghĩa là thuộc về chính họ.
Giải pháp hai nhà nước —nhà nước Israel và Palestine độc lập— đã từng được nói đến từ lâu như một lời giải của xung đột Israel-Palestine, nhưng nó chưa từng bao giờ trở thành hiện thực một cách đúng nghĩa.
Đầu tuần này, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói Mỹ sẵn sàng ban hành lệnh cấm cấp thị thực (visa) đối với những “phần tử cực đoan” tấn công dân thường ở Bờ Tây.
“Phần tử cực đoan” này là cách mà truyền thông phương Tây gọi họ, còn Israel gọi họ là “những người định cư Israel”, và trong phần còn lại của thế giới có những người gọi họ là là những kẻ chiếm đóng, có trang bị súng đạn, và được chính quyền Israel hậu thuẫn mạnh mẽ trong hoạt động lấn đất và cưỡng ép người Palestine phải di dời.
Ngoại trưởng Anh David Cameron cũng kêu gọi Israel trấn áp cái mà ông gọi là bạo lực “hoàn toàn không thể chấp nhận được” của những người định cư ở Bờ Tây.
Ông nói với BBC: Lực lượng chiếm đóng “thực sự đang nhắm mục tiêu và đôi khi giết hại thường dân Palestine. Điều đó hoàn toàn không thể chấp nhận được. Đối với những ai chịu trách nhiệm về điều đó, thì việc bắt giữ họ là chưa đủ. Họ cần phải bị bắt, bị truy tố và bỏ tù. Đây là những tội ác.”
Bối cảnh Bờ Tây
Theo một video tóm tắt về bối cảnh của Gaza, hiện nay Bờ Tây được hiểu là có 3 phần. Phần A do người của Palestine kiểm soát hoàn toàn, đứng đầu bởi Tổng thống Mahmoud Abbas. Với 18% diện tích, và bị xẻ vụn ra thành các khu rời rạc, chính quyền của ông Abbas (PA) coi như có khả năng kiểm soát rất yếu. Phần B, 22% diện tích, là do PA quản việc dân sự, nơi người Palestine sinh sống, nhưng toàn bộ kiểm soát quân sự và an ninh là nằm trong tay Israel. Phần C, lớn nhất với diện tích 60%, là do Israel kiểm soát, là các nơi ‘định cư’ của những ‘người định cư Israel’. Cộng đồng quốc tế gọi các khu định cư này là bất hợp pháp.
Tuy gọi là 3 vùng, nhưng cần lưu ý rằng toàn bộ chung quanh là do Israel kiểm soát rồi. Ngoài ra, ngay trong Bờ Tây, Israel lập ra hàng trăm các trạm kiểm soát quân sự khắp các điểm giao thông. Người Palestine muốn di chuyển giữa các ‘ốc đảo’ sinh sống của mình, là phải đi qua các nơi mà Israel kiểm soát này. Cho nên, ngay cả trong vùng mà được cho là PA có quyền kiểm soát, thì trên thực tế vẫn là Israel nắm đằng chuôi.
Kể từ khi chiến tranh nổ ra vào 7/10, bất chấp thực tế rằng Bờ Tây đã từ lâu nằm trong kiểm soát về mặt vũ lực của mình, và ở Bờ Tây cũng không có Hamas, nhưng Israel trên thực chất đã phong tỏa các điểm giao thông. Và người Palestine ở đó muốn đi đâu cũng rất khó khăn.
Từ khóa Hamas dải Gaza Dòng sự kiện Xung đột Israel - Hamas xung đột ở Dải Gaza Israel tấn công Gaza Bờ Tây Israel Palestine