Chuyên gia Mỹ: Số người lây nhiễm COVID-19 nhiều hơn chính quyền công bố
- Trí Đạt
- •
Từ khi dịch viêm phổi do virus corona mới (COVID-19) bùng phát đến nay, ngoại giới vẫn luôn tỏ thái độ nghi ngờ đối với số trường hợp lây nhiễm mà phía chính quyền Trung Quốc công bố. Hôm 11/2, tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Anne Schuchat nói với truyền thông rằng, “Chúng tôi chắc chắn rằng, con số thực tế lớn hơn rất nhiều so với những gì được công bố”.
Tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia (National Press Club) ở Washington, bà Anne Schuchat đã chia sẻ với phóng viên rằng, khi tình hình dịch bệnh mới bùng phát, đã có nhà khoa học thông qua số trường hợp lây bệnh xuất khẩu từ Vũ Hán ra nước ngoài, dùng mô hình toán học để suy đoán ra số người lây nhiễm.
Tạp chí Y học nổi tiếng The Lancet hồi cuối tháng 1 có xuất bản một bài luận văn phân tích mô hình toán học chỉ ra, tính đến ngày 25/1, số trường hợp lây nhiễm virus COVID-19 là 75.815 người, khi đó, chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) công bố số trường hợp lây nhiễm chỉ có 1.085 người, mô hình dự đoán số người lây nhiễm gấp 72 lần con số mà ĐCSTQ công bố.
Bà Anne Schuchat cho biết, các yếu tố như người bị lây nhiễm nhẹ liệu có phải điều trị và năng lực hạn chế khi kiểm tra các trường hợp nhiễm bệnh trong phòng thí nghiệm, đều sẽ ảnh hưởng đến tính chính xác của số liệu thống kê.
Khi dịch SARS bùng phát vào năm 2003, bà Anne Schuchat từng là chuyên gia của phía Mỹ, đi cùng đoàn chuyên gia của WHO đến Trung Quốc cứu trợ. Bà cho rằng, tốc độ lây nhiễm của virus COVID-19 nhanh hơn so với SARS, nhưng tình hình hiện nay, tỉ lệ tử vong của khi nhiễm virus COVID-19 (2%) tương đối thấp so với SARS (10%).
Tuy nhiên, bà giữ thái độ nghi ngờ đối với con số này, cho rằng nghiên cứu đối với những người có triệu chứng nhẹ chưa được điều trị có khả năng vẫn chưa đủ, hơn nữa tình hình hiện nay vẫn đang thay đổi.
Tính đến ngày 11/2, số trường hợp xác nhận lây nhiễm virus COVID-19 ở bên ngoài Trung Quốc là khoảng 478 trường hợp, trong đó có 2 người tử vong. Bà Anne Schuchat phân tích, một trong những nguyên nhân mà số người bệnh tử vong ở ngoài Trung Quốc thấp là các nước đã kịp thời khởi động dự phòng và cảnh báo trước, chủ động sàng lọc người bệnh, thời kỳ đầu phát bệnh được điều trị nên đã ngăn chặn bệnh tình xấu đi.
Từ tuần trước, thành phố Vũ Hán đã đưa những người nghi mắc bệnh đến cách ly tập trung vào “bệnh viện container”, những người sốt và tiếp xúc gần đều thực thi cách ly tập trung, điều này khiến ngoại giới lo lắng khả năng lây nhiễm chéo.
Về vấn đề này, bà Anne Schuchat cho biết, “trung tâm cách ly”cần nhắm vào các nhóm nguy cơ cao, không có triệu chứng nhưng đã tiếp xúc với bệnh nhân, nhưng họ lại để những người tiềm ẩn khả năng bị bệnh và nhóm người có rủi ro lây nhiễm cao ở cùng với nhau, “có thể là một vấn đề”.
Mỹ đề xuất yêu cầu cử chuyên gia đến Trung Quốc đã hơn 1 tháng
Từ tháng 1/2020 đến nay, Mỹ vẫn luôn đề xuất mong muốn cử chuyên gia đến Trung Quốc để giúp đỡ ứng phó với dịch virus COVID-19.
Hôm 6/1, CDC lần đầu tiên đều xuất mong muốn cử một nhóm chuyên gia Mỹ đến Trung Quốc. Ngày 27/1, Bộ trưởng Bộ Y tế và Nhân sinh Mỹ Alex Azar đã nhắc lại với Chủ nhiệm Ủy ban Y tế Sức khỏe Trung Quốc Mã Hiểu Vĩ về việc Mỹ muốn cử chuyên gia đến Trung Quốc.
Ngày 28/1, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesu đã có cuộc hội kiến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Tập Cận Bình đồng ý tiếp nhận đội ngũ chuyên gia quốc tế. Sau đó, quan chức Mỹ đã bắt tay vào giúp một nhóm chuyên gia Mỹ tham gia vào đoàn chuyên gia của WHO tới Trung Quốc.
Bà Anne Schuchat nói, theo tìm hiểu của bà, trong cuộc thảo luận gần đây, phía Trung Quốc cho biết có thể tiếp nhận ý tưởng này.
Tiến sĩ Daniel Chertow, Giám đốc Khoa mầm bệnh mới nổi thuộc Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), cũng nhấn mạnh tại một hội nghị của Viện Hudson về virus COVID-19 hôm thứ Hai rằng, Mỹ muốn cử các chuyên gia đến Trung Quốc.
Ông Daniel Chertow nói: “Chúng tôi đương nhiên muốn chuyên gia của chúng tôi đích thân có mặt tại hiện trường để trả lời một số vấn đề cơ bản.” Ông nhắc đến, tỷ lệ tử vong và lây truyền không có triệu chứng đều là lĩnh vực cần nghiên cứu thêm.
Ông còn chỉ ra, Mỹ và Trung Quốc có thể phối hợp nghiên cứu vắc xin và liệu pháp điều trị, “chứ không phải là làm việc lặp lại”.
Chuyên gia y tế Mỹ còn thúc giục Trung Quốc tận dụng chuyên môn về phương diện kiểm soát dịch bệnh của Mỹ.
Chia sẻ với VOA, ông Lawrence Gostin, Giáo sư Luật y tế công cộng tại Đại học Georgetown kiêm Giám đốc Trung tâm Hợp tác Luật Y tế Quốc gia và Toàn cầu của WHO, nói rằng Trung Quốc nên mời các chuyên gia CDC và cho phép họ được vào Trung Quốc một cách toàn diện.
Trí Đạt (Tổng hợp từ ET/VOA)
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện viêm phổi Vũ Hán tử vong do virus corona COVID-19