Phát biểu tại một hội nghị quốc tế tổ chức ở châu Âu hôm 27/8, luật sư nổi tiếng quốc tế David Matas cho biết, ông hoài nghi số người đăng ký hiến tạng tự nguyện gần 4,5 triệu như báo cáo của truyền thông nhà nước dẫn lời các quan chức Trung Quốc hồi tháng Sáu.

id13814141 A01
Ông David Matas, Luật sư nhân quyền quốc tế nổi tiếng người Canada, từng được trao Huân chương Canada, và được đề cử giải Nobel Hòa bình. (Ảnh: Trần Bách Châu / Epoch Times)

Ông Matas nói với Epoch Times rằng toàn bộ số lượng nội tạng tự nguyện hiến tặng của ĐCSTQ là “bịa đặt” và nhằm mục đích “biểu diễn chính trị”.

Tháng 6/2022, ấn bản nước ngoài của “China Daily” (Nhật báo Trung Quốc), kênh truyền thông chính thức của ĐCSTQ, đưa tin “(Trung Quốc) đã đăng ký gần 4,5 triệu người tự nguyện hiến nội tạng của bản thân.” Báo cáo cũng cho biết, từ năm 2010 đến tháng 5/2020, đã có hơn 43.000 người đã hiến tạng sau khi mất, cung cấp khoảng 116.000 nội tạng cho cấy ghép.

Ngày 27/8, ông Matas đã chất vấn báo cáo của “China Daily” (Trung Quốc Nhật báo) trong bài phát biểu của mình tại Hội nghị Châu Âu về Triết học Y học và Chăm sóc Sức khỏe tổ chức ở thủ đô Warsaw, Ba Lan.

Ông cho biết: “Các nhà điều tra đã xác nhận rằng số lượng nội tạng thực tế do các trung tâm hiến tạng hiến tặng là rất ít. Ngoài ra, gia đình các bệnh nhân tử vong do tai nạn được trả tiền, để được phép lấy nội tạng từ người thân của họ.”

Số lượng đăng ký hiến tạng tự nguyện ở Trung Quốc đang bị ngoại giới nghi ngờ.

Ngày 6/12/2015, nhân viên trực của Hiệp hội Chữ thập đỏ Bắc Kinh nói với “Tổ chức Quốc tế về Điều tra Cuộc bức hại Pháp Luân Công” (WOIPFG), rằng việc hiến tặng của Hiệp hội Chữ thập Đỏ đang được chuẩn bị và chưa bắt đầu.

Tuy nhiên, từ năm 1999 đến nay, Bắc Kinh đã hoàn thành một lượng lớn các ca cấy ghép nội tạng. Bắc Kinh là thành phố có số lượng ca ghép tạng lớn nhất Trung Quốc. Chỉ có 20 bệnh viện được Bộ Y tế cấp chứng chỉ về ghép tạng, nhưng con số các ca cấy ghép thực tế lại nhiều đến mức đáng kinh ngạc.

Ví dụ, ông Chu Kế Nghiệp, giám đốc Khoa Tiết niệu của Bệnh viện Nhân dân Đại học Bắc Kinh, nói với “Tuần báo Kinh tế Trung Quốc” rằng bệnh viện “đã thực hiện 4.000 ca ghép gan và thận trong vòng 1 năm.”

Tháng 3/2015, ông Lưu Trung Hoa, bác sĩ trưởng Khoa Tiết niệu của Bệnh viện Nhân dân tỉnh Hà Nam, nói với WOIPFG rằng: “Chuyện người Trung Quốc hiến tạng hầu như là điều không thể, không tìm được, rất khó tìm được. Nếu không phải là người thân, thì ai nguyện ý cho bạn?!”

Nam Kinh là một trong 10 thành phố thí điểm về hiến tạng người ở Trung Quốc. Tháng 2/2011, truyền thông Đại Lục đưa tin, trong năm thí điểm, Nam Kinh không có một trường hợp nào tự nguyện hiến tạng. Trong 20 năm qua, chỉ có 3 người ở Nam Kinh hiến tạng và mô.

Mặc dù ĐCSTQ tuyên bố, hiến tạng là do công dân hiến tặng miễn phí, nhưng việc hiến tặng có trả tiền và hiến tặng giả không phải là hiếm, thậm chí còn hình thành một chuỗi công nghiệp “hiến tạng giả”.

Tháng 8/2019, The Paper, The Beijing News và Southern Weekly đã đưa tin về trường hợp “hiến tạng giả” ở quận Hoài Viễn, thành phố Bạng Phụ, tỉnh An Huy. Bác sĩ liên quan đến vụ án đã cung cấp “trợ cấp nhà nước” 200.000 Nhân dân tệ (NDT, khoảng 28.969USD) cho gia đình của bệnh nhân “chết não” Lê Bình.

Trong bài phát biểu của mình, luật sư Matas cũng cho biết, số người tình nguyện hiến tạng ở Trung Quốc nhiều lần xuất hiện bất thường.

Ông nói: “Nếu chúng ta nhìn vào dữ liệu báo cáo cấy ghép chính thức của Trung Quốc từ cơ sở dữ liệu của “Trung tâm quan sát toàn cầu về hiến tặng và cấy ghép”, từ năm 2010 đến tháng 5/2020, tổng số ca cấy ghép nội tạng là 126.469 người, nhiều hơn 116.000 người so với China Daily đưa tin.”

“Trung tâm quan sát toàn cầu về hiến tặng và ghép tạng” là một cơ sở dữ liệu toàn cầu, về hiến tặng và ghép tạng được công nhận và hợp tác với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Ông Matas nói: “Điều kỳ lạ hơn nữa là, từ năm 2010 – 2014, trong 5 năm liên tiếp, số ca cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc giống hệt nhau, đều là 7.864 ca. Điều này là không thể”. (Con số này đến từ “Trung tâm quan sát toàn cầu về hiến tặng và ghép tạng”).

“Từ năm 2014 – 2018, số lượng nội tạng được cấy ghép gia tăng theo một công thức toán học phương trình bậc 2, cũng như vậy, đây là điều không thể.”

Trong bài phát biểu của mình, ông Matas cũng cho biết: “Mỗi năm, hàng chục ngàn tù nhân lương tâm ở Trung Quốc bị giết để lấy nội tạng. Kết luận này không chỉ dựa trên nguồn nội tạng cấy ghép không thể giải thích được. Ngược lại, kết luận này dựa trên trên cơ sở của dòng chứng cứ, trên cơ sở xem xét toàn diện tất cả các bằng chứng.”

Tháng 7/2006, ông David Matas và ông David Kilgour – cố cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền của Quốc hội Canada, kiêm cựu quốc vụ khanh Canada phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao, đã công bố báo cáo điều tra đầu tiên. Báo cáo sử dụng 18 loại bằng chứng để chứng minh ĐCSTQ mổ cướp nội tạng các học viên Pháp Luân Công còn sống. Ông Matas nói hành động này là “sự tà ác chưa từng có trên hành tinh này”.

Pháp Luân Công là một môn tu luyện Phật gia, dựa trên các nguyên lý “Chân, Thiện, Nhẫn”. Vì ghen tị và lo sợ các học viên Pháp Luân Công đông hơn số đảng viên ĐCSTQ, lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân đã ra lệnh bức hại Pháp Luân Công vào ngày 20/7/1999 và thực hiện chính sách bức hại “hủy hoại danh tiếng, vắt kiệt tài chính và tiêu diệt thân thể”.

Đến nay, Pháp Luân Công đã có mặt tại hơn 100 quốc gia và giành được hơn 3.000 giải thưởng quốc tế. Nhưng cuộc bức hại này vẫn kéo dài suốt 23 năm qua.

Trong bài phát biểu của mình vào ngày 27/8, ông Matas cũng cho biết: “Nghị viện châu Âu, Hạ viện Hoa Kỳ, Thượng viện Séc và Nhóm Nhân quyền Quốc tế thuộc Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Canada đều đã thông qua các nghị quyết, bày tỏ sự quan ngại về các báo cáo liên tục và đáng tin cậy, về việc các tù nhân lương tâm ở Trung Quốc bị mổ cướp nội tạng, mà nạn nhân chính là các học viên Pháp Luân Công – những ngươi tu luyện tinh thần.”

“Tháng 3/2020, một tòa án độc lập ở London, Vương quốc Anh, đã kết luận rằng không còn nghi ngờ gì nữa, loại hành vi ngược đãi này (mổ cướp nội tạng) đã xảy ra đối với các học viên Pháp Luân Công.”

“Tháng 6/2021, 11 chuyên gia nhân quyền của Liên Hợp Quốc bày tỏ sự bàng hoàng tột độ trước những báo cáo, về việc mổ cướp nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công Trung Quốc, người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, người Hồi giáo và Cơ đốc giáo.”

Về số lượng đăng ký hiến nội tạng tự nguyện của ĐCSTQ vượt quá 4 triệu người và đạt gần 5 triệu người, trong một cuộc phỏng vấn với Epoch Times vào ngày 26/8, ông Matas cho biết: “Số liệu thống kê của Bộ Y tế ĐCSTQ (về hiến tạng tự nguyện) không được sản xuất theo cách phản ánh thực tế, và không có xác minh độc lập. Điều này gây ra 2 sự việc: Một là cho thấy họ đang ‘tiến bộ’ và hai là họ đang đặt cược vào các con số.”

“Những chuyện của con người không thể xảy ra dưới dạng các công thức toán học.”

“Toàn bộ dữ liệu đều là bịa đặt. Đó chính là một vở kịch chính trị, không ngoài mục đích nào khác.”

“ĐCSTQ lúc nói thế này, lúc nói thế khác. Điều tôi muốn nói là, hãy cho các quan sát viên độc lập bên ngoài một cơ hội, đến xác minh dữ liệu ban đầu.”

Sau khi câu chuyện mờ ám về việc mổ cướp nội tạng sống của ĐCSTQ được đưa ra ánh sáng vào năm 2006, ông Matas và ông Kilgour đã nhiều lần yêu cầu được vào Trung Quốc để điều tra độc lập, nhưng ĐCSTQ luôn từ chối.

Ngày 22/6/2016, tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia ở Washington, DC, Hoa Kỳ, hai ông Matas, Kilgour và phóng viên điều tra người Mỹ Ethan Gutmann đã công bố báo cáo điều tra mới nhất, về vụ cưỡng bức mổ cướp nội tạng của ĐCSTQ, có tựa đề “Bản cập nhật: Thu hoạch nội tạng tanh máu / đại thảm sát” (Bloody Harvest/The Slaughter: An Update.)

slaughter2
Nhà báo điều tra độc lập Ethan Gutmann và cuốn “The slaughter” (Đại thảm sát) nói về vấn đề mổ cướp nội tạng người tu Pháp Luân Công tại Trung Quốc.

Trong một cuộc họp báo, bộ 3 này cho biết, trong 15 năm qua, ước tính có khoảng 1,5 triệu ca ghép tạng đã được thực hiện tại Đại Lục, nguồn nội tạng chính là các học viên Pháp Luân Công.

Chiều ngày 28/6, Hội nghị Thượng đỉnh về Tự do Tôn giáo cũng đặc biệt tổ chức một cuộc hội thảo, về hoạt động mổ cướp nội tạng sống của ĐCSTQ. Tại hội thảo, phóng viên điều tra độc lập Ethan Gutmann của Mỹ nói rằng mục tiêu mổ cướp nội tạng sống của ĐCSTQ đang mở rộng từ các học viên Pháp Luân Công sang người dân Tân Cương.

Ông Gutmann nói: “Tôi không nghi ngờ về những gì đang xảy ra [ở Trung Quốc]. Về việc mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc, những gì đã xảy ra với các học viên Pháp Luân Công hiện cũng đang xảy ra với người Duy Ngô Nhĩ, mức độ lớn của 2 vấn đề là nó có tính chất liên tục.”

Ông nói: “2,5 – 5% người trong các trại tập trung ở Tân Cương đang biến mất.”

Ông cũng cho biết các cơ sở của ĐCSTQ như trung tâm giam giữ và nhà tù thường được xây dựng gần các trung tâm cấy ghép nội tạng, “ở tỉnh Liêu Ninh, có một số ví dụ cụ thể cho thấy gần các bệnh viện cấy ghép nội tạng có các trại và trung tâm giam giữ các học viên Pháp Luân Công.”

Bình Minh (t/h)