Con đường tơ lụa mới của Trung Quốc đe dọa vị thế lãnh đạo của Mỹ
Chủ Nhật (14/5) vừa rồi, trong khi Mỹ đang nhốn nháo vì các sự cố trong chính quyền, thì Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã mời nguyên thủ cũng như lãnh đạo hơn 30 quốc gia và tổ chức quốc tế tới dự hội nghị thảo luận dự án “Một vành đai, Một con đường“, tham vọng tái lập con đường tơ lụa của Trung Quốc thời hiện đại.
Đây là dự án trị giá 1 nghìn tỷ USD mà ông Tập khởi xướng từ năm 2013, xây dựng hệ thống đường bộ, sân bay, cầu cảng hiện đại để nối Trung Quốc với 110 quốc gia trên thế giới, biến Bắc Kinh thành trung tâm của thương mại thế giới trong nhiều thập kỷ tới.
“Chúng ta phải xây dựng một nền tảng hợp tác mở cửa, duy trì và phát triển một nền kinh tế mở của thế giới“, ông Tập nói trong hội nghị kéo dài 2 ngày ở Bắc Kinh. Trong các phát ngôn khoa trương của ông ta, người ta thấy rằng Trung Quốc đang với lên vị thế mới, là nơi sẽ vạch ra luật chơi cho nền kinh tế toàn cầu:
“Trong việc thúc đẩy dự án Vành đai, Con đường, chúng tôi sẽ không giẫm lại vết xe cũ của trò chơi thù hằn ta – địch. Thay vào đó, chúng tôi sẽ tạo ra một công thức hợp tác và lợi ích chung mới“.
“Trung Quốc sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển của mình với tất cả các quốc gia. Chúng tôi sẽ không can thiệp vào công việc nội bộ của ai, chúng tôi cũng không áp đặt hệ thống xã hội và mô hình phát triển của mình lên bất cứ ai, và càng không áp đặt quan điểm của mình lên người khác“.
“Bất kể quý vị đến từ châu Á, châu Âu, hay châu Phi, châu Mỹ, quý vị đều là đối tác trong việc xây dựng Vành đai, Con đường“.
Cuộc họp này không phải mang ý nghĩa tầm thường, Tổng thống Nga Vladimir Putin đích thân có mặt. Lãnh đạo của Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Philippines và 25 quốc gia khác cũng tới dự. Mỹ, đang bối rối với những vấn đề của tân chính quyền vẫn còn bấp bênh, chỉ gửi đi 1 cố vấn Tổng thống.
Đối với Tập mà nói, dự án này là một quyết tâm rõ ràng cho thấy tham vọng thay thế vị trí lãnh đạo kinh tế toàn cầu của Mỹ. Ông Trump đắc cử với tuyên bố “nước Mỹ trước tiên” khiến phe toàn cầu hóa lo ngại, ông Tập đã thấy đó là cơ hội để thâu tóm các đối tác thương mại trên thế giới, bằng cách chìa cho họ cánh cửa dẫn tới thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới.
Sourabh Gupta, nghiên cứu gia tại Viện Trung-Mỹ nhận định: “Ông Tập đang đầu tư rất nhiều tiền và xây dưng cơ sở hạ tầng ở nhiều quốc qua khác, những nước có nhu cầu bức thiết phải hiện đại hóa nền kinh tế. Có các mục tiêu chính trị, kinh tế và chiến lược đang bị đưa lên bàn cân. Trung Quốc đang áp đặt quyền lực mềm của họ một cách rất hiệu quả và rất rõ ràng. Đó là ngồi vào vị trí mà Mỹ đã ở đó bấy lâu nay – lãnh đạo nền kinh tế thế giới“.
Tất nhiên, những phi vụ đầu tư này phải có giá của nó: Tập sẽ yêu cầu nguyên thủ các quốc gia đang săn đón dòng tiền của Trung Quốc, ký vào các bản cam kết chung khéo léo nào đó, công nhận Đài Loan là một tỉnh của Trung Quốc và biển Đông là vùng biển của Trung Quốc. Ông ta đã thành công trong việc thuyết phục những nước Đông Nam Á như Lào, Campuchia, Philippines đứng về phe của mình. Hội nghị gần đây của ASEAN đã gần như phớt lờ các hoạt động trên biển Đông của Trung Quốc, và các quốc gia Á, Âu khác cũng ‘đang nhấp nhổm’ trước lợi ích mà Bắc Kinh chìa tay ra.
Bộ trưởng Tài chính Anh, tại hội nghị tuyên bố Anh là “đối tác tự nhiên” trong dự án con đường tơ lụa mới, còn Thủ tướng Pakistan, Nawaz Sharif thì tung hô “tầm nhìn và tài năng” của ông Tập.
“Việc đầu tư và thành lập các mối quan hệ kinh tế chặt chẽ, với quy mô và mức độ nhanh chóng rộng khắp như thế là chưa từng có trong lịch sử“, ông Sharif nói.
Trong số các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng mà ông Tập muốn thực hiện tại các nước đối tác tiềm năng, Trung Quốc muốn xây một cảng ở Pakistan, hoàn tất đường ống dẫn dầu qua Miến Điện để tiếp cận các mỏ dầu ở Trung Đông, và mở rộng cảng Piracus tại Hy Lạp.
Đối với ông Tập, tuyên bố trong thượng đỉnh 29 nước này cũng là một chiến lược “chấn ngoại để an nội” trước thềm Đại hội Đảng 19, với tình hình tăng trưởng kinh tế chững lại, đấu đá chính trị trong nước liên miên và Mỹ đang quay lại lãnh đạo tình hình tại bán đảo Triều Tiên.
Tất nhiên, tham vọng thay thế Mỹ của Tập không dễ thực hiện. Ngoài các vấn đề nội tại trong hệ thống chính trị cũng như xã hội của Trung Quốc, một số quốc gia Tây Âu biểu thị sự cẩn trọng dè dặt trước lời mời gọi hợp tác với Trung Quốc.
Đức, tại cuộc họp đã từ chối ký vào cam kết chung quy định các quy tắc chỉ đạo việc cung cấp tài chính cho dự án này, phát biểu rằng họ sẵn sàng hỗ trợ, nhưng dự án cần phải minh bạch hơn.
Truyền thông Trung Quốc không bỏ qua cơ hội tuyên truyền vị thế mới của mình trong hội nghị. Theo Reuters, đài truyền hình Trung Quốc đã phát đi một video bài hát bằng tiếng Anh với tựa đề ghi ‘sai chính tả’: “The Belt and Road is How” (Tạm dịch: Một vành đai, Một con đường là như thế nào), do trẻ em nhiều quốc gia dọc con đường Tơ lụa mới thể hiện.
Trọng Đức
Xem thêm:
Từ khóa Tập Cận Bình Donald Trump Quan hệ Mỹ - Trung