COVID-19, mối đe dọa Trung Quốc và yếu điểm của phương Tây
- Stan Grant
- •
Đây là thời khắc suy ngẫm mà chúng ta buộc phải có. Sự trỗi dậy của Trung Quốc chưa bao giờ là không kèm theo hậu họa.
Cuộc khủng hoảng virus corona đã tiết lộ cho chúng ta thấy điều đáng lẽ ra là phải rõ như ban ngày: Trung Quốc và phương Tây vốn đã bước trên một lộ trình đối đầu nhau.
Nhưng khi Trung Quốc hành quân thì Phương Tây lại ngủ quên, bị hấp dẫn bởi kho bạc của Trung Quốc và tự hoang tưởng rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ hoặc là tự sụp đổ, hoặc là sẽ từ bỏ mọi thứ thuộc về bản chất của nó mà chuyển đổi sang một nền dân chủ tự do.
Hãy nhớ những lời này của Tổng thống Bill Clinton năm 1997: Trung Quốc đang đứng ở “bên sai lầm” của lịch sử.
Tại sao ông ta lại không nghĩ thế cơ chứ? Phương Tây khi đó vẫn đang hoan hỉ trong trật tự thế giới mới: Nền dân chủ tự do vừa mới chiến thắng khối Cộng sản Soviet.
George HW Bush, Tổng thống thứ 41, khi phát biểu trước Quốc hội năm 1990 đã thể hiện tinh thần lạc quan này khi tuyên bố nay chúng ta “đã thoát khỏi mối đe dọa khủng bố, mạnh mẽ hơn trong cuộc theo đuổi chính nghĩa và an toàn hơn trong nhiệm vụ bảo vệ hòa bình”.
Bush cha nói rằng một thế giới mới đang vùng vẫy để được sinh ra, một thế giới nơi mà luật pháp hất cẳng luật rừng.
Ông ta đã thật sai lầm. Sai về chủ nghĩa khủng bố, sai về chính nghĩa và hòa bình, và mù mắt trước Trung Quốc.
“Ẩn mình chờ thời”
Trong một thời gian dài Trung Quốc ẩn mình. Họ đã học được bài học từ sai lầm của Nga: Đừng đặt cải cách chính trị lên trên thay đổi kinh tế.
Bắc Kinh đã bắt đầu nạp nhiên liệu cho động cơ của họ. Lãnh đạo Đặng Tiểu Bình nói với người dân phải làm vậy để có giàu có và vinh quang. Nhưng ông cũng cảnh báo “chúng ta sẽ phải ẩn mình chờ thời”: Hãy che giấu sức mạnh và chờ đợi khi thời cơ chín muồi đến.
Khi một số nhà Trung Quốc học như Gordon Chang táo bạo dự đoán về sự sụp đổ đến nơi của Trung Quốc thì Bắc Kinh đang bắt đầu giai đoạn phát triển kinh tế nhanh nhất, dài nhất mà thế giới từng được chứng kiến.
Họ chỉ mất 20 năm để nâng hơn nửa tỷ người thoát khỏi cảnh nghèo đói.
Họ đưa ra một cụm từ mới trong ngành địa chính trị: “Chủ nghĩa xã hội với đặc tính Trung Quốc”. Những người khác gọi đó là chủ nghĩa tư bản độc đoán.
Đảng đã tạo một khế ước với người dân Trung Quốc: Chúng ta sẽ cho phép các ngươi giàu có, nhưng không được tự do. Và người Trung Quốc, trừ những phong trào bất đồng chính kiến hạn chế, đồng ý với khế ước này.
Hơn một thập kỷ trước, nhà sử học Azar Cat, trong bài viết cho tạp chí Foreign Affairs đã xác định rằng mô hình chính trị của Trung Quốc là thách thức lớn nhất đối với trật tự thế giới tự do.
“Trong khi Trung Quốc nhanh chóng thu hẹp khoảng cách kinh tế với các quốc gia phát triển”, Gat viết, “nguy cơ lơ lửng trên đầu chúng ta là họ sẽ trở thành một siêu cường độc tài thực sự”.
Trung Quốc không hề trở nên giống phương Tây, họ đã, đang soán ngôi phương Tây. Họ không hề ở phía sai lầm của lịch sử, họ đang làm lên lịch sử. Và Phương Tây đã giúp họ làm điều đó.
Chính là sức mạnh và ý tưởng của phương Tây đã đảm bảo cho sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Trung Quốc và “mô hình tốt đẹp hơn” phương Tây?
Nhà sử học Niall Ferguson nói rằng Trung Quốc là kẻ chiến thắng của trật tự tự do mới: chủ nghĩa đa phương, thương mại tự do và biên giới mở.
Ông chỉ ra rằng trong năm 1980, Trung Quốc chỉ chiếm 2% giá trị nền kinh tế thế giới, nay họ chiếm tới gần 20%.
Khi người Mỹ lao đầu và các cuộc chiến tranh và sụp đổ tài chính, Đảng CSTQ tuyên bố họ có một mô hình tốt đẹp hơn.
Quả thực họ đã biết giấu mình và chờ đợi thời cơ, trong khi phương Tây ngủ đông trong sự kiêu căng tự mãn của chính mình.
Phương Tây đã đi ngủ chính vào lúc sức mạnh của họ đạt tới đỉnh cao nhất. Sự sụp đổ của Bức tường Berlin và đế chế Soviet đã khiến phương Tây tin tưởng vào “sự kết thúc của lịch sử”.
Nhà khoa học chính trị Joseph Nye, người được coi là tác giả của cụm từ “quyền lực mềm”, đã cảnh báo sự nguy hiểm của tính tự mãn của người Mỹ trong cuốn sách “Nghịch lý của sức mạnh Mỹ”.
Khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, ông nói, Mỹ đã ngừng chú ý tới thế giới và thu mình vào bên trong.
Thậm chí những ai nhìn được xa khỏi biên giới Hoa Kỳ, ông viết, “lại trở nên ngạo mạn về sức mạnh của chúng ta, tuyên bố rằng ta không cần phải lo sợ bất kỳ quốc gia nào. Chúng ta vừa bất khả chiến bại, vừa bất khả đả thương”.
Nhà khoa học chính trị và cựu đại sứ Singapore tại Liên Hiệp Quốc Kishore Mahbubani, trong quyển sách gần đây đã đặt câu hỏi: “Có phải phương Tây đã thua?”
Câu trả lời ngắn gọn là, vẫn chưa.
Phương Tây bừng tỉnh
Nhưng lịch sử đang thay đổi. Mahbubani nói phương Tây đã đứng ở mũi giáo của lịch sử trong suốt 200 năm, nay họ phải thích nghi mới một thế giới mà họ không còn thống trị. Câu kệ “Kết thúc của lịch sử”, ông nói, đã gây chết não khá nhiều.
Chiến thắng Chiến tranh Lạnh khiến phương Tây lười biếng đặt chế độ “tự hành”.
Cuộc tấn công khủng bố 11/9/2001, các cuộc chiến ở Afghanistan, Iraq và cuộc khủng hoảng tài chính 2008 đã dội một gáo nước lạnh cho phương Tây tỉnh ngủ.
Nhưng về mặt Trung Quốc, họ vẫn là kẻ tự mãn mù tịt.
Khi Trung Quốc thao túng tiền tệ, độc quyền hóa các chuỗi cung ứng, thu gom các khoản thặng dư mậu dịch khổng lồ, mở rộng ảnh hưởng kinh tế và chính trị bên sâu trong Thái Bình Dương, Trung Á, Châu Phi và khởi động sáng kiến Vành đai, Con đường đầy tham vọng – Dự án Con đường tơ lụa thế kỷ 21, đầu tư và mở rộng cơ sở hạ tầng tại 70 quốc gia – chúng ta tại phương Tây vẫn tin tưởng rằng Trung Quốc rồi một ngày sẽ trở thành giống như chúng ta, đây là điều không thể tránh được.
Chúng ta không chịu lắng nghe.
Hoàng tử bé xuất hiện
Sự xuất hiện của một lãnh đạo mới, trẻ, mạnh mẽ tại Trung Quốc đã đánh dấu một bước ngoặt.
Tập Cận Bình là một thái tử Đảng, con của một anh hùng thời cách mạng cộng sản, người nay đã tự phong cho mình thành “Chủ tịch trọn đời”.
Trung Quốc không còn phải ẩn mình chờ thời nữa, Tập tuyên bố khi vẽ ra Trung Hoa mộng. Ông ta muốn Trung Quốc trở lại địa vị đỉnh cao, là trung tâm của thế giới.
Người Trung Quốc có câu: “Muốn biết hắn nghĩ gì thì nghe kỹ hắn nói”. Thay vì chìm trong ảo mộng về một Trung quốc dân chủ tự do, chúng ta nên lắng nghe Tập thực sự đã nói những gì.
Trong một bài phát biểu trước đại hội Đảng năm 2013, ngay sau khi lên nắm quyền, Tập cảnh báo rằng không có chủ nghĩa cộng sản, Trung Quốc sẽ rơi vào hỗn loạn.
Các đảng viên, ông nói, phải nhớ rằng nhiều thế hệ người cộng sản đi trước đã sẵn sàng hy sinh và đổ máu vì quốc gia.
Ông cảnh báo về sức mạnh của chủ nghĩa tư bản và nói Trung Quốc phải chuẩn bị cho một giai đoạn xung đột lâu dài.
Tập cũng nhắc nhở các đảng viên trung thành về “các lực lượng thù địch trong, ngoài nước” đang cố gắng lật đổ Đảng Cộng sản.
Nay Trung Quốc đang phóng một cái nhìn đầy đe dọa vào phương Tây đúng vào lúc phương Tây yếu đuối nhất.
Bắc Kinh dọa trừng phạt những nước như Úc vì kêu gọi điều tra đại dịch virus corona vốn bắt đầu từ Trung Quốc.
Nay, ngay cả những người tự mãn nhất cũng phải thức tỉnh trước mối đe dọa từ Trung Quốc.
Thời cơ quan trọng
Trung Quốc và phương Tây đang đứng trước một thời điểm tối quan trọng và sẽ có các lựa chọn được đưa ra. Phương Tây phải lột vỏ thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Điều này nói dễ làm khó. Trung Quốc đã trở thành một trung tâm quan trọng đối với thế giới, về kinh tế và hòa bình của chúng ta.
Nhưng chúng ta phải nhìn vào bản chất của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Không phải như là một kẻ thù tự nhiên, nhưng cũng không giống với chúng ta.
ĐCSTQ đã lợi dụng những điểm tốt nhất của chủ nghĩa tư bản thị trường, nhưng Trung Quốc lại chưa bao giờ trở nên giống phương Tây. Nó chối bỏ tất cả những giá trị phổ quát. Dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, Trung Quốc còn bước xa hơn vào chủ nghĩa độc tài.
Tôi nói điều này từ kinh nghiệm cá nhân, từ một thập kỷ làm báo từ Trung Quốc, cả ở Hồng Kông và Bắc Kinh.
Tôi đã chịu sự giám sát liên tục. Gia đình tôi bị theo dõi. Nhà tôi bị gắn thiết bị nghe trộm. ĐCSTQ nghe lén điện thoại của tôi. Tôi và các đồng nghiệp đôi khi còn bị tấn công thân thể và bắt giữ bởi cảnh sát vì cố gắng đưa tin và tìm đến những người đủ dũng cảm để nói.
Tôi học được một điều: có những người ở Trung Quốc tin rằng phương Tây về cơ bản là yếu ớt.
Khi hệ thống tài chính của phương Tây sụp đổ, Trung Quốc vẫn phát triển. Trong khi Mỹ và đồng minh lao vào các cuộc chiến không hồi kết, Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng.
Bắc Kinh đã tuyên bố chủ quyền và quân sự hóa các đảo tranh chấp tại Biển Đông. Họ tiếp tục gây dựng quân đội và cảnh báo Đài Loan chớ có nghĩ đến độc lập. Họ nhốt một triệu người Duy Ngô Nghĩ và trại tập trung và đàn áp người bất đồng ý kiến.
Về virus corona
Bây giờ, Trung Quốc đứng bên lề mà trông niềm tin vào tự do của phương Tây dao động khi đối mặt với mối nguy từ virus corona. Chúng ta đã tự phong tỏa, di chuyển của chúng ta bị giám sát và cảnh sát được điều động để cưỡng chế giãn cách xã hội nghiêm ngặt.
Chúng ta có thể tranh luận rằng các biện pháp này là cần thiết, như Trung Quốc thấy đó là điểm yếu. Để đánh bại một virus có nguồn gốc Trung Quốc, chúng ta đã phải trở nên độc tài hơn và giống Trung Quốc hơn.
Thế thì chúng ta đang tiến đến đâu?
Những người bi quan lo sợ một cuộc chiến không tránh được với Trung Quốc. Bắc Kinh cũng đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột như vậy.
Những người lạc quan có thể vẫn tin rằng thế giới vẫn còn chỗ cho một Trung Quốc độc tài, rằng chúng ta vẫn có thể chung sống với nhau. Họ tin rằng hòa bình vẫn có thể giữ được, họ hy vọng như vậy bởi vì lựa chọn khác thì thật kinh khủng.
Nhưng cuộc khủng hoảng virus corona rõ ràng đã chỉ cho chúng ta rằng việc chung sống cùng Trung Quốc hùng mạnh phải trả cái giá đắt như thế nào.
Tác giả: Stan Grant, giáo sư Đại học Charles Sturt, Úc, và là một nhà báo.
Trọng Đức biên dịch
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện COVID-19 virus corona mới Trung Quốc Phương Tây