COVID-19 ở Triều Tiên: Số người chết có thể gấp nhiều lần công bố
- Thiên Tư
- •
Truyền thông Hàn Quốc dẫn một số nguồn tin tiết lộ, tình báo Hàn Quốc cho rằng số người chết vì COVID-19 của Triều Tiên có thể cao hơn khoảng 4 đến 5 lần con số chính thức được công bố.
Ngày 16/5, cơ quan chức năng Triều Tiên cho hay từ cuối tháng Tư đến ngày 15/5, nước này có tổng cộng 1.213.550 ca sốt và 50 ca tử vong. Dựa trên tính toán này, tỷ lệ tử vong do COVID-19 tại Triều Tiên chỉ là 0,004%, đây là con số khó tin.
Theo thống kê của cơ quan tình báo Hàn Quốc, số người chết thực tế cao nhất ở Triều Tiên có thể lên tới 300 người. Ông Choi Won-suk, giáo sư Khoa nội truyền nhiễm tại Bệnh viện Ansan thuộc Đại học Hàn Quốc cho biết, theo lẽ thường tỷ lệ tử vong 0,004% do COVID-19 của Triều Tiên là điều khó tin.
Hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) trích dẫn phân tích của chuyên gia cho biết, nhìn từ mức độ gia tăng số trường hợp được xác nhận trong vài ngày sau khi Triều Tiên lần đầu tiên thừa nhận rằng dịch bệnh xảy ra trên lãnh thổ nước này, có thể suy đoán còn nhiều người chết thực tế chưa được ghi vào thống kê. Nhà chức trách có thể đã không công bố hết vì nhiều vấn đề lo ngại.
Do Triều Tiên không có sẵn trang bị kiểm tra COVID-19 nên bùng phát thực tế sẽ tồi tệ hơn. Giáo sư Choi Won-suk cho biết, trong số các trường hợp được xác nhận nhiễm virus, có nhiều trường hợp không có triệu chứng sốt, trong khi Triều Tiên chỉ đánh giá căn cứ vào việc bị sốt để đưa vào bảng thống kê, điều này cho thấy chính quyền Bình Nhưỡng chưa thực sự nắm bắt được tình hình, đây cũng là điều rất đáng lo ngại khác.
Nhà chức trách Triều Tiên cho biết từ 6:00 chiều ngày 14/5 đến 6:00 chiều ngày 15/5, Triều Tiên có 392.920 trường hợp sốt mới và 8 trường hợp tử vong.
Nhiều thông tin chỉ ra rằng hệ thống y tế miễn phí toàn dân của Triều Tiên luôn tồn tại vấn đề không đủ kinh phí và thuốc men, hầu hết người dân Triều Tiên khi bị bệnh chỉ có thể tìm đến bác sĩ để xin đơn thuốc và sau đó đến hiệu thuốc mua thuốc theo đơn.
Ngoài ra, chính sách chống dịch cơ bản của Triều Tiên là “điều trị tại nhà”, theo đó cơ quan chức năng đã cung cấp hướng dẫn chi tiết về thuốc cho công chúng. Hiệu thuốc là một mắt xích quan trọng trong phòng chống dịch bệnh của Triều Tiên, đây là lý do của việc ông Kim Jong-un đích thân đi thị sát hiệu thuốc trước.
Các hình ảnh được công bố từ Triều Tiên cho biết, ông Kim Jong-un buộc các quan chức phải chịu trách nhiệm về việc xử lý tình trạng thiếu thuốc men.
Trong nhà thuốc mà ông Kim Jong-un kiểm tra, các loại thuốc bày trên kệ nằm ngổn ngang. Nếu ông Kim Jong-un đến để kiểm tra mà không thông báo trước, thì đây là tình trạng thực tế của hiệu thuốc; nếu nhà chức trách đã thông báo trước cho chủ cửa hàng mà tình trạng còn như vậy thì càng cho thấy bức tranh chán nản của nước này.
Truyền thông Hàn Quốc hôm 15/5 dẫn các nguồn tin cho biết, hơn 10 nhân viên y tế hàng đầu của Trung Quốc đã tới Triều Tiên, dự kiến quy mô hỗ trợ sẽ còn tiếp tục gia tăng. Nếu nguồn tin này là đúng thì đây là lần đầu tiên Triều Tiên chấp nhận người nước ngoài nhập cảnh sau hơn 2 năm kể từ khi bùng phát dịch bệnh COVID-19 vào đầu năm 2020.
Trang web của Hãng thông tấn Yonhap ngày 15/5 đưa tin, phóng viên Bắc Kinh của họ dẫn lời một nguồn tin Triều Tiên tại Bắc Kinh cho biết, người này biết rằng vào cuối tuần này Trung Quốc đã cử nhân viên y tế tới Bình Nhưỡng. Để hỗ trợ Triều Tiên ngăn chặn căn bệnh COVID-19 mới bùng phát, Trung Quốc cử khoảng 10 người đến Bình Nhưỡng với tư cách là đội tiên phong.
Có thông tin cho rằng nhà chức trách Trung Quốc hiện đang tuyển thêm nhân viên y tế cho Triều Tiên.
Hãng thông tấn Yonhap cũng dẫn một nguồn tin tại Bắc Kinh cho biết, vào ngày 13/5 Triều Tiên đã nhận được yêu cầu hỗ trợ kiểm dịch từ Trung Quốc, cùng ngày Triều Tiên hoàn thành việc thành lập một đơn vị y tế hàng đầu. Ngày 14/5 khi nghe báo cáo tại cuộc họp Bộ Chính trị, ông Kim Jong-un nói rằng ông nên tích cực học hỏi kinh nghiệm chống dịch COVID-19 của Trung Quốc. Theo phân tích của Hãng thông tấn Yonhap thì dường như vào thời điểm này Triều Tiên đã chính thức yêu cầu sự hỗ trợ từ Bắc Kinh.
Từ khóa Triều Tiên Dòng sự kiện Dịch bệnh ở Triều Tiên Kim Jong Un Bắc Hàn