Covid19: Chuyên gia Trung Quốc hy vọng dịch sẽ hết vào tháng 4
- Trọng Đức
- •
Sự bùng phát dịch viêm phổi virus corona mới, nay được đặt tên chính thức là Covid-19, có thể sẽ được kiểm soát vào tháng 4 này, ông Zhong Nanshan (Chung Nam Sơn), cố vấn y tế Trung Quốc hy vọng. Các số liệu thống kê mới nhất về dịch bệnh cũng có thể củng cố thêm kỳ vọng tích cực này.
Hội đồng Y tế Quốc gia Trung Quốc hôm thứ Ba 11/2 cho hay toàn quốc có 108 người chết vì nhiễm nCoV trong ngày – lần đầu tiên ghi nhận trên 100 người tử vong vì dịch bệnh này trong một ngày. Tổng cộng, Covid-19 đã giết chết 1.115 người, phần lớn là ở Trung Quốc đại lục, chỉ có 2 người nằm ngoài đại lục là ở Hồng Kông và Philippines.
Tuy nhiên ông Zhong Nanshan, chuyên gia hàng đầu về bệnh hô hấp của Trung Quốc, dự đoán rằng dịch bệnh sẽ lên đỉnh vào tháng này và kết thúc vào tháng 4.
“Bây giờ chúng ta có thể thấy xu hướng rằng số lượng các ca nhiễm bệnh mới đang dần dần giảm xuống”, ông Zhong nói. “Thông qua phương pháp mô hình toán học, chúng ta có thể nói rằng số lượng ca nhiễm bệnh sẽ đạt đỉnh vào giữa hoặc cuối tháng này ở miền nam Trung Quốc”.
“Tôi hy vọng dịch bệnh này có thể kết thúc vào khoảng tháng Tư”, ông Zhong nói với Reuters.
Ông Zhong, 84 tuổi, nổi tiếng toàn cầu với vai trò là người phát hiện và kiểm soát chủng virus corona gây ra dịch Sars năm 2003, cũng là người đã mạnh mẽ phản đối lại giọng điệu của các quan chức Bắc Kinh muốn thu nhỏ tầm nghiêm trọng của dịch bệnh này. Trong dịch bệnh Covid19 do chủng virus corona mới gây ra lần này, ông lại được bổ nhiệm làm cố vấn y tế hàng đầu để giúp ngăn dịch.
Tuy nhiên chính chuyên gia này cũng thừa nhận rằng không thể dự đoán chính xác khi nào thì số ca nhiễm mới sẽ giảm xuống, bởi nó “phụ thuộc phần lớn vào hiệu quả của các biện pháp phòng chống, kiểm soát dịch bệnh của Trung Quốc, trong khi ngày càng nhiều người quay trở lại nơi làm việc sau kỳ nghỉ Tết”.
Theo SCMP, một quan chức bộ Giao Thông tên Xu Yahua nói trong buổi họp báo tại Bắc Kinh rằng ước tính 160 triệu người sẽ sớm trở lại các thành phố lớn để làm việc vào tuần sau. “Cuộc di cư khổng lồ” này có thể gây ra lo ngại rằng những người đã nhiễm virus – có thể không có triệu chứng hoặc có rất ít – có thể khiến dịch bệnh bùng phát khủng khiếp hơn.
Tại tỉnh Hồ Bắc, trung tâm của dịch bệnh, báo cáo số ca nhiễm mới là 1.068 ca vào thứ Ba, con số thấp nhất kể từ ngày 31/1 và thấp hơn nhiều số lượng trên 3.000 người nhiễm mới báo cáo hôm 4/2. Bên ngoài tỉnh này, Trung Quốc báo cáo 381 ca nhiễm mới, giảm 57% so với kỷ lục 890 ca nhiễm hôm 3/2.
Ngay tại Hồ Bắc, ngoại trừ thành phố Vũ Hán nơi xuất phát của dịch bệnh, số ca nhiễm bệnh mới cũng giảm liên tiếp trong 6 ngày qua, từ 1.121 ca hôm thứ Tư tuần trước xuống 545 ca hôm thứ Hai, tức 55%.
Tuy nhiên tính tổng cộng, quy mô của dịch bệnh đã vượt qua dịch Sars hồi 2002-2003. Theo thống kê của worldometers.info, tổng số ca nhiễm bệnh trên toàn cầu đã lên tới 45.166, số ca tử vong là 1.115 và số ca phục hồi là 4.784.
Thống kê từ Trung Quốc cho thấy 2% số người nhiễm bệnh tử vong, phần lớn là người già hoặc người mắc bệnh khác từ trước.
Một mô hình dữ liệu mở công bố hôm thứ Hai bởi các nhà khoa học tại Đại học Xian Jiaotong-Liverpool tại tỉnh Giang Tô cũng dự đoán số lượng các ca nhiễm bệnh mới sẽ giảm mạnh vào tuần sau, trước khi giảm xuống đến 0 vào ngày 23/2. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu thận trọng rằng vẫn còn rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến mô hình này chưa được tính đến.
“Trong khi điều này chỉ ra rằng các ca nhiễm bệnh được xác nhận mới sẽ tương đối nhanh chóng giảm xuống đến 0, chúng ta phải nhớ rằng còn các yếu tố khác có thể thay đổi xu hướng này hoặc số lượng các ca nhiễm bệnh hiện tại có thể không được báo cáo đầy đủ, những yếu tố sẽ thay đổi cả kết quả dự đoán”, Yi Zhou, giảng viên tại đại học này nói với tờ SCMP.
“Nhưng nếu không có điều gì khác xảy ra để thay đổi xu hướng này, mô hình dự đoán cho thấy điều tồi tệ nhất của dịch bệnh này đã qua”.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới WHO tỏ ra kém lạc quan hơn về dịch bệnh và cảnh báo rằng mối nguy hiểm do dịch bệnh này gây ra còn đáng sợ hơn bất kỳ một cuộc tấn công khủng bố nào.
“Thế giới phải thức tỉnh và coi virus này là kẻ thù chung số một của chúng ta”, giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói trong cuộc họp báo hôm thứ Ba. Theo ông này, liều vaccine đầu tiên để chống nCoV cũng phải mất khoảng 18 tháng nữa để sản xuất.
“Thành thực mà nói, một con virus còn mạnh mẽ hơn bất kỳ một vụ tấn công khủng bố nào trong việc tạo ra khủng hoảng chính trị, xã hội và kinh tế. Nó là kẻ thù tồi tệ nhất mà bạn có thể tưởng tượng được”, ông Adhanom Ghebreyesus nói.
WHO đặt tên do dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng virus corona mới này gây ra là Covid-19, giải thích rằng họ không muốn tên dịch bệnh gắn với địa danh hoặc động vật.
Tác động của các lệnh cấm đi lại, phong tỏa thành phố và hàng loạt các nhà máy ngừng hoạt động để chống dịch ngày càng thấy rõ ảnh hưởng đến nền kinh tế Trung Quốc. Các nhà phân tích tại JPMorgan hạ dự đoán tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong quý này và hãng tư vấn năng lượng Rystad Energy của Na Uy dự đoán dịch bệnh sẽ làm giảm nhu cầu dầu lửa thế giới tới 25% trong năm nay.
Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ liên bang St. Louis (1 trong 12 ngân hàng dự trữ liên bang của Hoa Kỳ) James Bullard cho rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ suy giảm thấy rõ trong quý đầu năm nay và các nhà đầu tư nên cân nhắc đến “rủi ro đuôi” (tail risk) rằng dịch bệnh sẽ còn tồi tệ hơn.
Trọng Đức
Xem thêm:
Từ khóa dịch bệnh virus corona COVID-19