Cuộc đối đầu cứng và mềm giữa Mỹ và TQ qua chuyến thăm của bà Raimondo
- Vương Hách
- •
Chuyến thăm Trung Quốc kéo dài 3 ngày của Bộ trưởng Thương mại Mỹ Raimondo đã thể hiện rõ sự phức tạp của quan hệ Mỹ-Trung. Với tư cách là quan chức cấp cao, bà Raimondo đại diện cho cả Bộ Thương mại và Chính phủ Mỹ (trước chuyến thăm, thậm chí Tổng thống Biden đã có cuộc gặp riêng bà Raimondo), do đó đã hội đàm trên phạm vi vấn đề bao quát, cứng hay mềm đều có, nhưng tình hình cho thấy xung khắc không dễ bình lặng.
Trước chuyến thăm Trung Quốc của bà Raimondo, cả Mỹ và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đều đưa ra tín hiệu xoa dịu. Ví dụ:
(1) Ngày 23/8, Mỹ tuyên bố sẽ gia hạn thêm 6 tháng thời hạn hiệu lực của Thỏa thuận hợp tác khoa học và công nghệ Mỹ-Trung (khi đó còn 4 ngày là hết hạn), để Mỹ và Trung Quốc có thể đàm phán và sửa lại thỏa thuận. Thỏa thuận này được gia hạn 5 năm một lần kể từ khi được ký vào năm 1979, nhưng hiện tại đang có xu thế lớn ở Mỹ phản đối việc gia hạn.
(2) Ngày 10/8, Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc có đợt thứ 3 công bố danh sách nơi du lịch nước ngoài được nối lại, trong đó có Mỹ. Bà Raimondo gọi đây là “thành quả của nhiều tháng nỗ lực hòa giải” giữa Mỹ và Trung Quốc. Trước khi nổ ra đại dịch COVID-19, mỗi năm có tới 3 triệu khách du lịch Trung Quốc đến thăm Mỹ, đóng góp hơn 30 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ.
(3) Năm ngoái Mỹ đã tăng cường kiểm soát xuất khẩu chất bán dẫn tiên tiến sang Trung Quốc ở mức độ chưa từng thấy, nhưng lại miễn trừ một năm cho các công ty Hàn Quốc và Đài Loan. Thời gian miễn trừ sẽ hết hạn vào tháng 10 năm nay, nhưng phía Mỹ đã bóng gió xác nhận chính sách gia hạn thời gian miễn trừ.
(4) Việc nối lại các chuyến bay Mỹ-Trung đã đạt được tiến triển, Bộ Giao thông Vận tải Mỹ đã đồng ý, từ ngày 29/10 cho tăng gấp đôi (lên 24 chuyến) số chuyến bay thẳng hàng tuần giữa Trung Quốc và Mỹ do các hãng hàng không Trung Quốc khai thác (một chuyến bay được xác định là chuyến khứ hồi. Đây vẫn chỉ là số lẻ của số chuyến bay trong năm 2019).
Tín hiệu nới lỏng này phản ánh thành quả chuyến thăm Trung Quốc của bà Raimondo. Ngoài ra Mỹ và Trung Quốc đã đạt được sự đồng thuận về việc bộ trưởng thương mại của hai nước sẽ gặp nhau ít nhất mỗi năm một lần; Mỹ và Trung Quốc cũng thành lập mới hai nhóm đối thoại khác nhau.
– Một là nhóm công tác vấn đề thương mại, nhóm gồm đại diện là quan chức Mỹ và Trung Quốc kết hợp đại diện doanh nghiệp tư nhân, một năm 2 lần tổ chức họp cấp thứ trưởng, cuộc họp đầu tiên do Mỹ đăng cai tổ chức sẽ được tổ chức vào đầu năm 2024. Bà Raimondo cho hay, công việc của nhóm này là trả lời trực tiếp các câu hỏi mà các doanh nghiệp Mỹ đưa ra. Đây có thể coi là sự nhượng bộ của Trung Quốc đối với Mỹ.
– Nhóm còn lại là “Nhóm Đối thoại Thông tin Kiểm soát Xuất khẩu Công nghệ”, cuộc họp trao đổi được tổ chức ít nhất mỗi năm một lần, cuộc họp đầu tiên được tổ chức tại Bắc Kinh vào ngày 29/8 (ngay sau chuyến thăm Trung Quốc của bà Raimondo), tham gia có các quan chức cấp bộ. Một số nhà lập pháp Mỹ phản đối, nhưng bà Raimondo giải thích rằng động thái là để “giảm bớt hiểu lầm của Trung Quốc về chính sách an ninh quốc gia của Mỹ”, chứ không có nghĩa là Mỹ sẽ thỏa hiệp trong các vấn đề an ninh quốc gia. Phía Mỹ không xác định đây cuộc đối thoại chính sách mà là nỗ lực của cả hai bên nhằm trả lời các câu hỏi về cách thức hoạt động của các biện pháp kiểm soát xuất khẩu. Nhưng đó cũng có thể coi là sự nhượng bộ của Mỹ đối với Trung Quốc.
Trong chuyến thăm Trung Quốc, bà Raimondo nhắc lại rằng trong kiểm soát xuất khẩu sang Trung Quốc thì Mỹ chỉ nhắm vào các công nghệ rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia hoặc nhân quyền (việc kiểm soát xuất khẩu của Mỹ chỉ ảnh hưởng đến 1% thương mại song phương Mỹ – Trung Quốc), không hạn chế tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Cốt lõi trong chiến lược kinh tế của chính quyền Tổng thống Biden đối với Trung Quốc là “không tách rời, giảm rủi ro”. Tất nhiên, không có chỗ cho sự thỏa hiệp hay đàm phán khi liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia.
ĐCSTQ rõ ràng không chấp nhận, cho rằng cái gọi là “không tách rời, giảm rủi ro” chẳng qua là cách diễn đạt trá hình của xu thế “tách rời và phá vỡ chuỗi cung ứng”, do đó đã nhiều lần công khai yêu cầu chính quyền Tổng thống Biden “sửa chữa chính sách thương mại sai lầm” từ thời ông Trump”, theo đó đòi hỏi chấm dứt “đàn áp vô lý đối với các công ty công nghệ Trung Quốc” và “những hạn chế vô lý đối với xuất khẩu công nghệ” – biện pháp cứng rắn của ĐCSTQ như thể Mỹ là bên yếu thế này quả là nằm ngoài sức tưởng tượng của người bình thường.
Nhưng đây cũng có thể xem là mặt nạ che đậy chính sách của ĐCSTQ đối với Mỹ, một chiến thuật “lấy tiến để lùi”. Thực chất ĐCSTQ nhận thức rõ vấn đề chênh lệch quyền lực giữa Trung Quốc và Mỹ, đặc biệt là hiện nay nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn nên càng muốn Mỹ nới lỏng thuế quan và vấn đề kiểm soát xuất khẩu.
Vì vậy, gần đây thấy rõ ĐCSTQ đã không chỉ một lần bày tỏ thân thiện với bà Raimondo. Ví dụ, (1) ĐCSTQ đã nhiều lần từ chối các cuộc đàm phán giữa bộ trưởng quốc phòng hai nước nhưng lại luôn sẵn sàng cho cuộc gặp quan chức thương mại của hai nước; (2) Chuyến thăm Mỹ của ông Vương Văn Đào trước đó vào tháng 5, nhân cơ hội tham gia cuộc họp các bộ trưởng thương mại APEC để thăm Mỹ gặp bà Raimondo, đặc biệt mời bà Raimondo đến thăm Trung Quốc; chuyến thăm Trung Quốc của các quan chức Mỹ như Blinken, Yellen và Kerry (những người đã đến Trung Quốc trước bà Raimondo) đều được ĐCSTQ diễn tả là “thông qua thống nhất của 2 bên”, duy chỉ đối với bà Raimondo thì ĐCSTQ dùng từ “mời” cho thấy đối đãi khác.
Ưu ái này cũng cho thấy “trò bợ đỡ” của ĐCSTQ. Bà Raimondo còn trẻ trung (sinh tháng 5/1971, trong khi bà Yellen năm nay 76 tuổi). Trong thời gian làm Thống đốc bang Rhode (đảo Rhode) dù không có gì nổi bật nhưng vẫn rất được ông Biden tín nhiệm, truyền thông Mỹ thường nêu vấn đề ảnh hưởng lớn của bà Raimondo đối với chính sách của Chính phủ Mỹ. Quyền lực của Bộ Thương mại Mỹ dưới trướng bà Raimondo không chỉ được mở rộng mà còn tham gia sâu vào quá trình tái công nghiệp hóa của Mỹ, hãy xem gần 100 tỷ quỹ liên bang dành cho việc xây dựng ngành công nghiệp chip và thúc đẩy xây dựng băng thông rộng trên khắp nước Mỹ đều do Bộ Thương mại xử lý – khoản tiền gấp 10 lần ngân sách phân bổ hàng năm cho Bộ Thương mại. Hơn nữa, bà Raimondo là người ôn hòa, không phải lúc nào cũng cứng rắn với ĐCSTQ. Việc ĐCSTQ thiết lập mối quan hệ thân thiết với Bộ trưởng Thương mại Mỹ này sẽ không chỉ nhằm mong quan hệ thương mại với Mỹ tiến bộ (chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc về thương mại, về hạn chế công nghệ, cho đến những hạn chế đặc biệt đối với công ty Trung Quốc…. được thực hiện thông qua Bộ Thương mại), còn là bài toán cho tương lai!
Nhưng tính toán của ĐCSTQ còn quá nhỏ nhoi trong bàn cờ lớn giữa Trung Quốc và Mỹ hiện nay. Chúng ta biết rõ, ông Trump và ông Biden có tính cách rất khác nhau và quan điểm chính trị khác nhau, nhưng sau khi ông Biden lên làm tổng thống tại sao hầu hết vẫn tiếp tục và thúc đẩy chính sách Trung Quốc của thời Trump? Bởi vì việc chống lại ĐCSTQ đã trở thành đồng thuận của giới chính trị Mỹ.
Hơn nữa, Mỹ ngày càng giành được nhiều lợi thế hơn trong tình hình cạnh tranh Mỹ – Trung. Hiện nay câu hỏi khi nào GDP của Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ hầu như không còn được đặt ra nữa. Mặc dù nền kinh tế Mỹ có vấn đề, nhưng vấn đề kinh tế của Trung Quốc còn lớn hơn nhiều, đến nỗi ông Biden đã công khai nói rằng nền kinh tế Trung Quốc là “quả bom hẹn giờ”. Ngoại giao Mỹ giỏi về chiến lược, chuyến thăm Trung Quốc của bà Raimondo khi nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn không phải để nói những lời nhẹ nhàng mà là để “đi thực tế xem xét”, qua đó có thể thay mặt chính quyền Biden yêu cầu ĐCSTQ đưa ra những nhượng bộ thực chất, nếu không Mỹ sẽ “nghẽn cổ chíp” ngày càng mạnh hơn. Về vấn đề này, Mỹ đã có kinh nghiệm phong phú từ Chiến tranh Lạnh khi thúc đẩy chiến tranh kinh tế chống Liên Xô cũ. Kinh nghiệm này hiện nay được áp dụng cho ĐCSTQ.
Sức mạnh của phía Mỹ có thể thấy qua hai dữ liệu gần đây: Thứ nhất, theo thống kê của Trung Quốc, khối lượng thương mại Mỹ-Trung trong 7 tháng đầu năm nay giảm 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái; Thứ hai, Tổng thống Biden đã ban hành lệnh hành pháp nhằm hạn chế doanh giới Mỹ đầu tư vào Trung Quốc liên quan ba lĩnh vực then chốt là chất bán dẫn, điện toán lượng tử và trí tuệ nhân tạo.
Giờ đây, ĐCSTQ thực sự đã đến đường cùng, trong tay có rất ít quân bài kinh tế, nếu dám manh động ra tay cứng rắn thì không khác nào “địch chết ba ta chết bảy”.
Từ khóa mối quan hệ Mỹ - Trung Gina Raimondo kinh tế Trung quốc Dòng sự kiện