Mỹ chỉ muốn gia hạn thỏa thuận khoa học, công nghệ với Trung Quốc thêm 6 tháng
- Anh Nguyễn
- •
Hoa Kỳ đang tìm cách gia hạn chỉ sáu tháng đối với thỏa thuận khoa học và công nghệ (STA) với Trung Quốc trong bối cảnh đáng lo ngại về hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ.
Thỏa thuận khoa học và công nghệ mang tính bước ngoặt này được hai nước ký kết lần đầu tiên vào năm 1979, đặt ra khuôn khổ cho Hoa Kỳ và Trung Quốc hợp tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Hiệp định phải được gia hạn 5 năm một lần này sẽ hết hạn vào ngày 27 tháng 8.
“Việc gia hạn ngắn hạn sáu tháng này sẽ giữ cho thỏa thuận có hiệu lực trong khi chúng tôi tìm kiếm thẩm quyền tiến hành các cuộc đàm phán nhằm sửa đổi và củng cố các điều khoản của thỏa thuận. Thỏa thuận này không buộc Hoa Kỳ phải gia hạn thời gian lâu hơn”, một vị phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói với Reuters.
Bộ Ngoại giao cho biết thỏa thuận này cung cấp các tiêu chuẩn nhất quán cho hợp tác khoa học của chính phủ Hoa Kỳ.
Việc gia hạn thỏa thuận STA đang bị giám sát chặt chẽ khi các nhà lập pháp Hoa Kỳ chỉ ra rằng nó có nguy cơ thúc đẩy hành vi được Bắc Kinh hậu thuẫn về trộm cắp tài sản trí tuệ.
“Chúng tôi nhận thấy rõ những thách thức mà chiến lược quốc gia về khoa học và công nghệ của [Trung Quốc], các hành động của Bắc Kinh trong không gian vũ trụ đặt ra, cũng như mối đe dọa mà họ gây ra đối với an ninh quốc gia và sở hữu trí tuệ của Hoa Kỳ. Chúng tôi cũng cam kết bảo vệ lợi ích của người dân Mỹ”, người phát ngôn nói.
Ủy ban về Trung Quốc của Hạ viện đã kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ không gia hạn STA, vì hoạt động nghiên cứu thực thi theo thỏa thuận này có thể tăng cường sự phát triển công nghiệp quân sự của Trung Quốc.
Các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa gồm các ông Andy Barr (Kentucky), ông Neal Dunn (Florida) và ông Rob Wittman (Virginia) vào ngày 23 tháng 8 đã giới thiệu ra Hạ viện một bộ luật, trong đó sẽ yêu cầu chính phủ Mỹ phải thông báo trước với quốc hội về các thỏa thuận khoa học và công nghệ. Điều khoản được đề xuất trong luật đó bao gồm việc đánh giá rủi ro kỹ lưỡng, cân nhắc về nhân quyền và cơ chế giám sát nhất quán.
Cựu giám đốc công nghệ Hoa Kỳ Michael Kratsios, người đã làm việc trong quá trình đổi mới STA gần đây nhất, tuyên bố vào ngày 22 tháng 8 rằng việc cho phép STA hết hạn sẽ “giúp tái tập trung các khoản đầu tư R&D tiên tiến của chúng ta vào những địa điểm nơi chúng không thể bị sử dụng để chống lại lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ“.
Về đề xuất gia hạn ngắn hạn STA, người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Hoa Kỳ Lưu Bằng Vũ cho biết trong một tuyên bố gửi The Epoch Times qua email: “Quan điểm và lập trường của [Bắc Kinh] về quan hệ khoa học và công nghệ Trung Quốc-Hoa Kỳ là nhất quán, nó là một ngành kinh doanh mở“.
Trong khi đó, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã dỡ bỏ các hạn chế đối với 27 công ty Trung Quốc, loại họ khỏi “danh sách chưa được xác minh”, đây là danh sách các công ty bị cấm mua sản phẩm và công nghệ của Hoa Kỳ khi không có giấy phép. Điều này được xem như “một cành ô liu” thể hiện thiện chí của Mỹ đối với Trung Quốc trước chuyến thăm Bắc Kinh của Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo trong tuần này. Chuyến thăm này là một phần trong nỗ lực của chính quyền Biden nhằm giảm bớt căng thẳng giữa hai nước.
Từ khóa Quan hệ Mỹ - Trung STA hợp tác khoa học công nghệ Mỹ Trung