Trong bối cảnh tình hình Biển Đông ngày càng căng thẳng, Hoa Kỳ sẽ triển khai khoảng 9.000 binh sĩ tới Philippines để tham gia cuộc tập trận chung thường niên “Balikatan” (hoặc “Vai kề vai” – “shoulder-to-shoulder”) với 5.000 binh sĩ Philippines và 200 binh sĩ Lực lượng Phòng vệ Úc. Hoa Kỳ và Philippines đang tăng cường quan hệ quân sự để ứng phó với động thái bành trướng của Trung Quốc (ĐCSTQ) trong khu vực.

Michael Logico
Người phát ngôn quân đội Philippines, Chuẩn tướng Michael Logico, phát biểu tại cuộc họp báo. (Ảnh: Chụp màn hình video)

Theo Reuters, quân đội Philippines đã tuyên bố rõ vào thứ Ba (ngày 15/4) rằng cuộc tập trận thường niên này có thể được coi là một “cuộc diễn tập phòng thủ quốc gia”. Cuộc tập trận sẽ có sự tham gia của 5.000 quân Philippines, 200 quân nhân Lực lượng Phòng vệ Úc và các quan sát viên từ Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.

Người phát ngôn quân đội Philippines, Chuẩn tướng Michael Logico cho biết cuộc tập trận quân sự này gần giống với “cuộc kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu toàn diện”, bao gồm các cuộc tập trận phối hợp trên biển và trên không cũng như phòng thủ, kéo dài từ Palawan hướng ra Biển Đông đến các đảo Luzon ở phía bắc gần Đài Loan.

“Cuộc tập trận này gần giống như một cuộc kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu hoàn chỉnh, có nghĩa là chúng tôi hiện đang coi đây là một cuộc diễn tập phòng thủ quốc gia thực sự.” Ông Logico nhấn mạnh tại một cuộc họp báo rằng những khu vực này không phải là được lựa chọn một cách tùy tiện, và các cuộc tập trận quân sự cũng sẽ giúp chống lại sự xâm nhập từ ảnh hưởng của nước ngoài.

Cuộc tập trận chung “Vai kề vai” sẽ diễn ra từ ngày 21/4 đến ngày 9/5. Điều đáng chú ý là các quan sát viên từ các quốc gia như Ba Lan và Cộng hòa Séc cũng lần đầu tiên tham gia.

Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hung hăng ở Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Pete Hegseth đã nhắc lại trong chuyến thăm Philippines vào tháng Ba rằng Hiệp ước Phòng thủ chung Hoa Kỳ-Philippines là “vững như bàn thạch” và cam kết triển khai các hệ thống vũ khí tiên tiến, bao gồm tên lửa chống hạm NMESIS, hiện đang có mặt tại Philippines. Năm ngoái, quân đội Hoa Kỳ cũng đã triển khai hệ thống tấn công tầm trung Typhon có khả năng phóng tên lửa Tomahawk trong một cuộc tập trận quân sự lần đầu tiên, khiến Đảng Cộng sản Trung Quốc nhảy cẫng lên.

“Bất kể một quốc gia lớn hay nhỏ, họ đều có quyền tự vệ bất khả xâm phạm và quyền thực hiện năng lực phòng thủ cùng với các đồng minh của mình”, ông Logico nhấn mạnh.

Trong khi đó, Trung Quốc và Philippines một lần nữa đụng độ trên biển gần bãi cạn Scarborough đang tranh chấp ở Biển Đông vào thứ Ba, cáo buộc nhau có hành động nguy hiểm.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines cáo buộc tàu của Lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc đã cố gắng chặn đường đi của một tàu của Chính phủ Philippines, “hoàn toàn coi thường sự an toàn của hàng hải quốc tế”. Hãng thông tấn chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tân Hoa Xã, đã trích lời phản bác của lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc rằng tàu Philippines “đang tiếp cận một cách nguy hiểm” và cố gắng tạo ra một vụ va chạm giả.

Ngoài ra, Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines cũng đã điều động máy bay tuần tra vào cùng ngày để xua đuổi tàu “Đại học Trung Sơn”, tàu nghiên cứu khoa học lớn nhất của Trung Quốc đang hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế phía bắc Philippines gần Đài Loan. Con tàu này cách quần đảo Batanes khoảng 78 hải lý về phía bắc và phớt lờ các cuộc gọi vô tuyến của Philippines. Nó có chiều dài 114,3 m, chiều rộng 19,4 m, lượng giãn nước 6.880 tấn và có thể chở 100 thành viên thủy thủ đoàn, theo CGTN. Với các phòng thí nghiệm có tổng diện tích 720 m2, tàu mang tên Đại học Trung Sơn này có khả năng nghiên cứu khoa học toàn diện. Philippines tuyên bố rằng Trung Quốc “không có thẩm quyền và quyền tiến hành nghiên cứu biển ở đây”.

Tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông đã leo thang trong những năm gần đây. Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, Brunei, Việt Nam, Malaysia và Indonesia. Năm 2016, một tòa án quốc tế tại The Hague đã phán quyết rằng các yêu sách chủ quyền rộng lớn của Trung Quốc ở Biển Đông là không hợp lệ, nhưng Bắc Kinh đã bác bỏ phán quyết này.

Bảo Minh (t/h)