Một cảnh sát mật thuộc Cục An ninh Chính trị, Bộ Công an Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã trốn đến Úc, lần đầu tiên công khai tiết lộ hoạt động nội bộ của Cục An ninh Trung Quốc khét tiếng, cũng như cách thức ĐCSTQ săn lùng những người bất đồng chính kiến ​​ở nước ngoài.

dac vu DCSTQ
(Ảnh minh họa: Makistock/ Shutterstock)

Theo báo cáo điều tra do “Four Corners” công bố hôm 13/5, người được phỏng vấn là một đặc vụ của ĐCSTQ đã trốn khỏi Trung Quốc sang Úc vào năm 2023, và lấy hóa danh là Eric.

Từ năm 2008 đến đầu năm 2023, ông từng công tác tại Cục An ninh Chính trị, Bộ Công an Trung Quốc. Chương trình Four Corners được phát sóng trên Đài ABC của Úc.

Trước năm 2020, Cục An ninh Chính trị của Bộ Công an Trung Quốc được gọi là Cục An ninh nội địa thuộc Bộ Công an. Cục này chuyên đàn áp những người chỉ trích ĐCSTQ, đặc biệt là lãnh đạo đảng Tập Cận Bình, trên phạm vi toàn cầu.

Ông Eric cho biết, đây là “bộ phận hắc ám nhất” trong Chính phủ Trung Quốc. Nhân viên của tổ chức này có thể làm bất cứ điều gì họ muốn đối với những người chống lại ĐCSTQ. Trong số các cơ quan an ninh của ĐCSTQ, cơ quan hợp tác hải ngoại của Bộ Công an, Bộ An ninh Nhà nước và Ban Công tác Mặt trận Thống nhất cũng khét tiếng không kém.

Ông Eric được cho là đã tiết lộ quá khứ của mình cho Tổ chức Tình báo An ninh Úc (ASIO). Eric tiết lộ rằng nhiệm vụ của ông là săn lùng những người bất đồng chính kiến ​​​​trên khắp thế giới. Ông phải che giấu danh tính của mình, giả danh thành người khác.

Có khi ông giả danh làm giám đốc điều hành bất động sản, hay người đấu tranh cho tự do chống cộng, để dụ người bất đồng chính kiến ​​​​đến những nơi mà họ có thể bị bắt cóc và bị trục xuất về Trung Quốc, như Trung Quốc, Ấn Độ, Campuchia, Thái Lan, Canada và Úc.

Năm 2023, Cảnh sát Liên bang Úc đã phát hiện một hoạt động đặc vụ của ĐCSTQ nhắm vào người dân Úc ở Sydney. Một trong những mục tiêu mà chiến dịch này nhắm đến là ông Edwin Yin, người nổi tiếng chống ĐCSTQ trên mạng internet, có video nhắm vào Tập Cận Bình và con gái ông Tập.

Năm 2021, ông Edwin Yin bị tấn công ở Melbourne và bị gãy xương mũi. Ông cho biết, hai người tấn công ông và một người phụ trách quay phim đều là đặc vụ của ĐCSTQ.

Theo tiết lộ của Eric, năm 2018, ông được yêu cầu dụ ông Edwin Yin, người đang ở Úc, đến Đông Nam Á.

Ông Edwin Yin có tên trực tuyến là “Tưởng Võng Chính”, từng là trợ lý cho phó chủ tịch kinh doanh bán lẻ thuộc chi nhánh Hàng Châu của Ngân hàng Ping An (Bình An), tỉnh Chiết Giang, hiện đang sống ở Úc.

Ngày 13/5, Edwin Yin xác nhận với Epoch Times vào rằng ông đã bị tấn công.

Ông Edwin Yin cho biết, tin ông Eric đào tẩu được biết đến trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 10/2023 vì Eric phụ trách vụ án của ông.

“Vụ án của tôi được gọi là vụ án 416 (ngày 16/4 là ngày sinh nhật của ông Edwin Yin). Có lẽ ông ấy (Eric) là người đứng đầu đội thực thi vụ án 416 của Úc.” Nhưng ông Edwin Yin không biết về cảnh sát mật này của ĐCSTQ “Tôi chưa từng gặp ông ấy (Eric).”

Ngày 16/4, “Safeguard Defenders“, một tổ chức nhân quyền phi lợi nhuận có trụ sở tại Tây Ban Nha, công bố một báo cáo cho biết, trong 10 năm qua, thông qua “Chiến dịch Săn Cáo” “Chiến dịch Skynet”, ĐCSTQ đã mở rộng chiến dịch “chống tham nhũng” của ông Tập Cận Bình ra quy mô toàn cầu. Điều này dẫn đến với sự mở rộng nhanh chóng của mạng lưới hoạt động cảnh sát “cánh tay dài” bất hợp pháp của ĐCSTQ.

Báo cáo chỉ ra rằng điều đáng lo ngại nhất là các hoạt động chính thức của ĐCSTQ ở nước ngoài, như bắt cóc, “thuyết phục người dân quay trở về nước”. Các đặc vụ của ĐCSTQ kết hợp với việc gây áp lực, đe dọa người thân của nạn nhân ở Trung Quốc, và trực tiếp theo dõi, quấy rối, đe dọa các cá nhân mục tiêu ở nước ngoài.

Thống kê báo cáo cho thấy, từ năm 2014 – 2023, chiến dịch “Skynet” của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc đã xử lý hơn 12.000 vụ cưỡng bức hồi hương ở hơn 120 quốc gia và khu vực.

Theo báo cáo, ít nhất 16 người đã bị trục xuất khỏi Úc một cách phi pháp trong khoảng thời gian từ năm 2014 – 2023, 4 vụ trong số này xảy ra vào năm 2023. Hầu hết những người này đều bị cáo buộc là tội phạm kinh tế.

ĐCSTQ nói rằng ông Edwin Yin đã bị cáo buộc nhiều tội gian lận tài chính, và yêu cầu trục xuất ông khỏi Úc.

Edwin Yin phủ nhận với Epoch Times về những cáo buộc mà ĐCSTQ đã áp đặt cho ông, nói rằng để dẫn độ ông về Trung Quốc, chính quyền tỉnh Chiết Giang đã chi một số tiền khổng lồ để thâm nhập vào Úc.

“Bây giờ không chỉ là hăm dọa tôi, họ đã đệ đơn kiện dân sự chống lại tôi ở Úc. Họ nói rằng tôi là kẻ lừa đảo, sau đó theo dõi, tấn công, đe dọa và bôi nhọ tôi bằng nhiều cách khác nhau. Tỉnh Chiết Giang đã phân bổ 26 triệu nhân dân tệ (khoảng 91,45 tỷ VNĐ) từ quỹ đặc biệt cho vụ việc của tôi, phần lớn số tiền này đã được chuyển đến Úc.”

Ngày 13/5, ông Phùng Sùng Nghĩa, phó giáo sư tại Đại học Công nghệ Sydney, Úc, nói với Epoch Times, rằng Chính phủ Úc hiện đang bắt đầu chú ý đến vấn đề các nhà hoạt động dân chủ Trung Quốc ở nước ngoài bị cơ quan công an thực thi pháp luật của ĐCSTQ tại hải ngoại săn lùng.

Cảnh sát liên bang Úc và công an của ĐCSTQ vốn đã hợp tác nhiều lần trong việc chống buôn lậu. Hai bên có thể ra vào đất nước của nhau, thậm chí có thể bắt người.

“Đây thực chất là một vụ bê bối ở Úc, căn bản là (Chính phủ Úc) không thể hợp tác với chế độ thù địch là ĐCSTQ. Phải có được sự hợp tác của cảnh sát, họ mới có thể thực hiện những việc (bắt cóc) này. Họ cũng mang súng vào Úc. Chính phủ Úc có rất nhiều điểm cần phải xem xét lại,” ông nói.

Cuộc đàn áp xuyên biên giới của ĐCSTQ cũng thu hút sự chú ý của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ. Trước đây, hầu hết các bị cáo bị cáo buộc âm mưu đàn áp xuyên quốc gia đều sống ở nước ngoài, nhưng hiện nay ngày càng nhiều nghi phạm bị chính quyền Mỹ bắt giữ và truy tố ngay trên đất Mỹ.

Theo phân tích của AP về các vụ truy tố của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, từ năm 2018 -2024, có hơn 50 người bị truy tố liên quan đến các cuộc đàn áp xuyên biên giới của ĐCSTQ.

Bình Minh (t/h)