Đài Loan từ chối yêu cầu dời văn phòng đại diện khỏi thủ đô Nam Phi
- Đới Đức Man
- •
Chính phủ Nam Phi yêu cầu Đài Loan dời văn phòng đại diện tại Nam Phi khỏi thủ đô Pretoria, hạn chót vào cuối tháng 10. Ngoại trưởng Đài Loan Lâm Giai Long (Lin Chia-lung) cho biết vào ngày 21/10 rằng “không có ý định di dời”, nếu Nam Phi là nước có pháp trị thì phải tuân thủ thỏa thuận giữa hai bên, không thể đơn phương phá vỡ ký kết.
Ngoại trưởng Đài Loan: Không di dời văn phòng
Hôm 21/10, Ủy ban Đối ngoại và Quốc phòng của Viện Lập pháp Đài Loan đã mời Ngoại trưởng Lâm Gia Long báo cáo tổng quan về hoạt động và trả lời câu hỏi.
Một số nhà lập pháp nêu quan ngại về áp lực buộc Văn phòng Đại diện Đài Loan tại Nam Phi phải rời khỏi thủ đô Pretoria.
Ông Lâm Giai Long cho biết, Nam Phi từ cuối năm ngoái đã có yêu cầu miệng về việc Đài Loan phải chuyển văn phòng đại diện trong năm nay. Đến tháng 4 này, Nam Phi đã đề xuất kỳ hạn trong vòng 6 tháng phải chuyển văn phòng đại diện, đến ngày 7/10 đã gửi thư yêu cầu chuyển văn phòng đại diện. Nhưng ông Lâm Giai Long nhấn mạnh, Văn phòng Đại diện Đài Loan tại Nam Phi hiện đang hoạt động bình thường ở Pretoria và “không có ý định chuyển đi”. Hai bên đã thành lập văn phòng liên lạc tại thủ đô theo khuôn khổ song phương ký kết năm 1997, không thể đơn phương vi phạm thỏa thuận, Bộ Ngoại giao Đài Loan đã phản đối điều này, cho rằng nếu Nam Phi là nước pháp trị thì nên đàm phán với Đài Loan.
Ông Lâm Giai Long cho biết ngay cả một số nghị sĩ trong nước của Nam Phi cũng đã công khai bày tỏ phản đối cách làm đó. Truyền thông Nam Phi cũng lên án hành vi như vậy là đáng xấu hổ. Nam Phi có một chính phủ liên minh, đa đảng phái, hiện nay một số người đang bày tỏ phản đối, trong những ngày qua họ đang tiếp tục chú ý đến diễn biến này, gần đây các nước dân chủ như Mỹ và Nhật Bản cũng bày tỏ lên án kiểu làm vô pháp của Nam Phi.
Nhà lập pháp La Mỹ Linh (Yokuy Utaw) của Đảng Dân tiến (DPP) lo ngại liệu sẽ xảy ra hiệu ứng domino, khả năng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ tiếp tục làm nhục Đài Loan theo cách đó. Về vấn đề này, ông Lâm Giai Long cho rằng ĐCSTQ có nhiều thủ đoạn, chẳng hạn như sử dụng các khoản vay và tạo bẫy nợ để kiểm soát các nước khác. Đây không phải là một trường hợp duy nhất, Bộ Ngoại giao Đài Loan sẽ quan tâm sát sao và có phản ứng phù hợp trên cơ sở nắm rõ tình hình cụ thể từng nước. Ví dụ trường hợp Nam Phi, hỗ trợ mà Đài Loan dành cho họ đã được dư luận của họ biết đến, sẽ có các biện pháp đáp lại khi những người nắm quyền của họ phải khuất phục trước áp lực của ĐCSTQ… Ông thẳng thắn nói rằng Bộ Ngoại giao đã có chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất: “Họ muốn chúng ta chuyển đi, thì chúng ta cũng sẽ yêu cầu họ chuyển đi”.
Nghị sĩ Mỹ lo ngại
Nam Phi có văn phòng liên lạc tại Thủ đô Đài Bắc của Đài Loan và hai bên có quan hệ thương mại chặt chẽ. Nhưng vì hai bên không có quan hệ ngoại giao chính thức, cho nên trên thực tế các văn phòng này hoạt động như lãnh sự quán và đại sứ quán.
Tuần trước Nam Phi xác nhận đã yêu cầu Đài Loan chuyển văn phòng liên lạc – yêu cầu này được coi là một sự nhượng bộ đối với ĐCSTQ. Nhà cầm quyền Trung Quốc đã dùng ảnh hưởng để loại Đài Loan khỏi các cơ quan quốc tế như Liên Hợp Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới, đồng thời giới hạn các đối tác ngoại giao chính thức của Đài Loan chỉ ở 11 nước và Vatican.
Ngoài áp lực ngoại giao và kinh tế, ĐCSTQ còn tăng cường đe dọa quân sự Đài Loan, gần đây đã tổ chức các cuộc tập trận bắn đạn thật quy mô lớn gần Phúc Kiến – tỉnh ven biển của Trung Quốc đối diện với Đài Loan.
Vụ Văn phòng Đại diện Đài Loan bị Nam Phi yêu cầu di dời đã thu hút sự chú ý của Quốc hội Mỹ. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marsha Blackburn của bang Tennessee đăng trên nền tảng xã hội X: “Mỹ không nên dung thứ cho hành vi của Nam Phi… Tôi kêu gọi chính quyền Tổng thống Biden có tuyên bố rõ, Nam Phi sẽ chịu hậu quả nếu hợp tác (với ĐCSTQ) để bắt nạt Đài Loan, bao gồm khả năng loại Nam Phi ra khỏi một chương trình thương mại quan trọng nào đó”.
Bà nói thêm: “Mỹ không nên cung cấp lợi ích thương mại cho các nước ưu tiên ảnh hưởng của Bắc Kinh hơn mối quan hệ với các đối tác dân chủ”.
Từ khóa Đài Loan Quan hệ Đài Loan - Nam Phi Nam Phi