Dân biểu Ukraine phàn nàn hàng trăm ngàn dân đã quay trở về vùng đất Nga cai quản
- Nhật Tân
- •
150.000 dân Ukraine IDP sơ tán vì chiến tranh đã trở về nơi mà hiện nay Nga đang quản lý, riêng trở về thành phố Mariupol là 70.000 người, tức là 1/3 số dân sơ tán từ Mariupol, dân biểu Ukraine Maksym Tkachenko nói trong cuộc phỏng vấn với truyền thông Ukraine. Theo ông, khó khăn trong cuộc sống và bị kỳ thị đối xử tại đất Ukraine là nguyên nhân chính khiến những người dân này trở về “vùng lãnh thổ mà hiện nay Nga đang tạm thời chiếm đóng.”
Dân biểu Maksym Tkachenko cũng là người đồng sáng lập một cơ cấu cộng đồng mang tên “IDP of Ukraine”, trợ giúp những người mà chính quyền Kiev xác nhận tư cách IDP (Internal Displaced People, dân di cư quốc nội).
Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông nội địa nhân dịp 1.000 ngày kể từ khi Nga tấn công Ukraine, công bố hôm Chủ Nhật, Tkachenko nói rằng có khoảng 5 triệu người Ukraine đã chủ động sơ tán hoặc bị chính quyền Kiev cưỡng bức sơ tán vì chiến tranh trong thời gian hơn 1.000 ngày qua, rời khỏi các vùng đất mà “hiện nay đang bị Nga chiếm đóng”.
Một phần trong số họ đã rời khỏi Ukraine, và trong những người vẫn ở trong nước thì một phần đã nhận được tư cách IDP để được nhận các trợ giúp cho cuộc sống mới.
Theo ông, “một làn sóng di cư mới” xuất hiện từ tháng 5, khi các lãnh thổ của Ukraine lần lượt rơi vào “sự tấn công của quân địch”. Ông nêu ví dụ các lệnh cưỡng bức sơ tán từ Kiev đối với địa phương thuộc “tỉnh Donetsk – Kurakhov, Selidove, Pokrovsk, hay tỉnh Kharkov – Vovchansk, Kupyansk.”
Theo ông, riêng trong làn sóng mới này có 15.000 người nhận tư cách IDP trong tổng số mà ông ước lượng là khoảng 200.000 người di cư.
Tuy nhiên, ông cảnh báo về hiện tượng những người tuy đã nhận được IDP rồi, nhưng mà, họ quyết định quay trở lại quê cũ.
“Khoảng 150.000 IDP đã quay trở lại các vùng lãnh thổ đang bị tạm thời chiếm đóng. Ví dụ, theo số liệu 200.000 cư dân Mariupol đã rời khỏi thành phố của họ… Nhưng mà 1/3 trong số đó nay đã trở về quê cũ, Mariupol, nơi bị chiếm đóng. Theo ước tính, đây là khoảng 60.000–70.000 người,” ông Tkachenko nói, và bình luận thêm rằng, “theo tôi, đây là những con số khủng khiếp.”
Về nguyên nhân của hiện tượng này, ông Tkachenko nói:
“Lý do chính cho sự trở về là vì những người bị buộc phải sơ tán tới phần lãnh thổ Ukraine kiểm soát là không thể bắt đầu cuộc sống mới. Họ không nhận được trợ giúp thích đáng từ nhà nước —không có nhà ở, không có hỗ trợ xã hội, không có bồi thường, không có việc làm, v.v.— … Chúng ta thậm chí có thể nói về sự phân biệt đối xử đối với người nhập cư trên thị trường lao động.”
Tiếp đó ông đưa ra hàng loạt các con số về tài chính, nhà ở, việc làm, v.v. để chỉ ra rằng tại sao người dân di cư nội địa đang phải gặp khó khăn rất lớn.
Lý do cuối cùng, theo ông, đó là sự thiếu vắng các tin chiến thắng từ chiến trường. “Những thành công ở mặt trận sẽ có tác động trực tiếp tới tinh thần của các IDP.” ông nói.
Cuộc sống ở đất Nga
Bên trên là video của kênh “Real Reporter”, phóng viên độc lập của Mỹ, tới khảo sát thực tế tại Nga về vụ việc “Gia đình 10 người rời Canada để tìm kiếm ‘cơ hội kinh doanh’ tại Nga”, công bố vào 6 tháng trước.
Vụ việc một gia đình đông người như vậy quyết định rời khỏi Canada, một thành viên NATO, sang Nga, quốc gia đang nằm trong chiến tranh ủy nhiệm mà NATO nhắm vào, đã gây một xung kích trong giới truyền thông phương Tây. Do đó, Real Reporter đã đích thân tới tận nơi để lấy thông tin thực tế.
Video dẫn ra hàng loạt các bài trên truyền thông phương Tây. Như Daily Mail Online (Anh) có bài “Những người bảo thủ di dời tới Nga để trốn khỏi tư tưởng LGBT, giờ đây nói rằng chán ghét vì ở đó không nói tiếng Anh và van xin để được tha thứ sau khi làm mất lòng Điện Kremlin”, hay các kênh truyền hình chỉ trích rằng “tại sao không di dời tới Florida (Mỹ)”, hoặc chế giễu rằng “họ đã quyết định bán sạch mọi thứ để tới Nga rồi! Này, đừng đưa tôi vào [trại tập trung] Gulag!”
Thực tế phỏng vấn cho thấy một bức tranh khác hoàn toàn những gì truyền thông phương Tây miêu tả.
Về văn hóa, gia đình này không hài lòng với tình hình các phong trào đồng tính chuyển giới ở Canada. Video có cả đoạn chỉ ra rằng trường học Canada có nơi đang dạy cho trẻ nhỏ ở độ tuổi còn đang tập đọc chữ về hôn nhân đồng tính, và khái niệm gia đình kiểu mới. Trong khi đó, gia đình 10 người này là gia đình sùng đạo, tín ngưỡng Kitô, và họ không muốn bị tẩy não bởi cái thứ Woke như thế.
Phóng viên có hỏi rằng ngoài nước Nga ra, thì cũng có các nước khác vẫn không Woke đến vậy, hỏi tại sao lại chọn Nga? Thì gia đình trả lời rằng một số nước khác tuy chưa bị nạn đó, nhưng đang chịu “sức ép” với danh nghĩa “nhân quyền” cho nên ở đó cũng không ổn.
Về kinh tế, gia đình khẳng định rằng kinh tế đạt được điều họ mong muốn. Với giá cả leo thang ở Canada, họ cảm thấy khó khăn, nhưng ở Nga thì không. Tuy tổng thu nhập ở Canada cao hơn, nhưng mà chi phí sinh hoạt còn cao hơn nữa. Trong video có dẫn một loạt các con số, như về tiền điện thoại thì ở Nga họ chi 6 USD/tháng, còn ở Canada là 120 USD/tháng. Trứng 1,54 USD/12 quả ở Nga, 3,30 USD/12 quả ở Canada. Giá nhà ở, v.v. Đối với gia đình chuyên môn về làm nông nghiệp này, thì giá thành 250 Canada đô-la/héc-ta ở Nga so với 26.000 Canada đô-la/héc-ta đất ở Canada là nhân tố quan trọng số 1 khiến gia đình này chọn sang Nga.
Về cuộc sống vào thời điểm báo cáo, gia đình nông dân này vẫn sống bằng tiền tiết kiệm và một số thu nhập không chủ đạo khác nhờ kênh Youtube (hiện chỉ có 192.000 subscriber). Họ nói họ kỳ vọng sẽ tìm được lô đất để bắt đầu trồng trọt, nuôi gà, làm pho-mát, v.v. theo nghề chính của họ như đã làm ở Canada.
Ông chủ gia đình lấy ô tô của mình đưa phóng viên tới 1 trại nuôi gà gần đó, và ông nói rằng đang cân nhắc làm một trại tương tự. Ông nói rằng ở Canada dù có làm trại gà được tốt, nhưng mà bị quản bởi quota, không được nuôi quá quota cho phép, nhưng ở Nga thì không, thích nuôi bao nhiêu gà thì nuôi, thích bán bao nhiêu thì bán. Theo tính toán thì sẽ có lãi tốt, chắc chắn đảm bảo cho cuộc sống gia đình hơn là tình trạng ở Canada.
Ông nói nhiều đứa con của ông còn nhỏ, nhưng chúng sẽ lớn. Chúng nếu muốn theo đuổi nghề của gia đình thì phải mua thêm đất, phải mở rộng trang trại. Nhưng ở Canada thì ông không cách nào làm được vì chi phí đắt quá. Nhưng ở Nga thì điều đó không thành vấn đề. Phóng viên có hỏi đứa con trai (trông quãng 12–14 tuổi) rằng cháu muốn làm youtuber hay làm farmer (nông dân) thì đứa trẻ trả lời một cách chắc chắn muốn làm nông dân (phút 12:35).
Về chiến tranh, gia đình nói rằng họ không đồng ý với tuyên truyền của phương Tây rằng Nga là xấu và Ukraine là tốt. Họ nói mấy năm trước khi nội chiến Ukraine khi người Ukraine bị đàn áp bởi chính chính quyền của mình, và đặc biệt nhấn mạnh về vấn đề đàn áp tôn giáo, đàn áp Kitô giáo, mà chính quyền Kiev đang tiến hành.
“Về xung đột giữa Đông và Tây, thì tôi khuynh hướng về bên này (Nga)… Người dân phía Đông Ukraine bị khủng bố bởi quân đội và chính quyền của chính họ. Họ không được tiếp tục dùng ngôn ngữ mà họ vẫn từng nói trong cả cuộc đời của mình. Tín ngưỡng của họ đột nhiên bị cấm,” ông chủ gia đình nói.
Về quan hệ cộng đồng thì người vợ nói rằng gia đình khi làm ra quyết định rời Canada tới Nga định cư, thì họ trở nên nổi tiếng, sau đó họ nhận được “rất nhiều giúp đỡ và cảm mến từ người Nga… khiến họ cảm thấy sốc,” và “đã nhận được nhiều tình cảm (love) đến như thế [từ người Nga]. Điều đó thật ngoài kỳ vọng.”
Trong khi đó, truyền thông phương Tây miêu tả rằng “gia đình Canada này quá chán ghét người gay đến mức phải di cư tới quốc gia khác, để trốn tránh sự chấp nhận người gay. Và khi tới Nga, họ nói ‘đây là tiền của tôi’. Úy chà, đó không phải là quốc gia tự do. Mọi việc sẽ không diễn ra như họ tưởng đâu. Thật kỳ lạ khi chứng kiến những người sắp hiểu ra được thế nào là chế độ độc tài toàn trị nhé.” Họ rời đi vì không chấp nhận cái Woke, thì bị truyền thông nói thành là do phân biệt đối xử với người gay.
Hai vợ chồng gia đình đã chỉ ra rằng, truyền thông đã lấy hình ảnh bà vợ khóc vì quá cảm động khi nhận giúp đỡ từ người Nga (phóng viên Mỹ có trích đoạn video gốc đó) nhưng ghép vào 1 bài và xuyên tạc rằng “Arend Feenstra và vợ Aneessa đang khóc lóc xin lỗi các nhà chức trách Nga sau khi lên tiếng chỉ trích luật pháp của đất nước mà họ mới chuyển tới ở.” (phóng viên Mỹ cũng trích hình chụp màn hình dẫn chứng).
Cuộc sống ở Mariupol
Mariupol, thành phố cảng biển nổi tiếng bên bờ biển Azov, một hải cảng có ý nghĩa chiến lược quan trọng. Từng có 500.000 dân vào năm 2001, giảm xuống còn 425.000 dân sau 8 năm nội chiến Ukraine và trước khi Nga tấn công Ukraine.
Kể từ tháng 5/2022, Nga đã hoàn toàn nắm quyền kiểm soát thành phố này sau các cuộc giao tranh kịch liệt. Mariupol nằm sát biên giới, là điểm mà Nga nhất định phải chiếm bằng được trên con đường tiến công của mình. Thành phố đã trở thành gạch vụn sau cuộc chiến. Nay đang được Nga đầu tư rất lớn để xây dựng lại, trở thành một thành phố mới, phong cách Nga, và cũng là một mô hình mẫu để quảng cáo cho hình tượng nước Nga.
- Một báo cáo thực tế về thành phố Mariupol bằng video của một người chuyên dùng xe máy đi du lịch khắp nơi. Ông có các video khác đi các nơi khác trên thế giới. Trong video này, ông nói ông tới Mariupol để xem thành phố mà truyền thông miêu tả đã bị tàn phá thế nào. Video công bố tháng 5, cho thấy ông đã đi chặng đường 550 km từ Crimea tới Rostov-on-Don, trong đó có qua thành phố cảng Mariupol, thăm nhà thờ, hải cảng, nhà hát nổi tiếng trên truyền thông, và nhà máy thép Azovtal cũng nổi tiếng vì là đểm giao tranh ác liệt trong chiến tranh. Trong video, ông mấy lần nói rằng thành phố đã hồi sinh rồi, không thể tưởng tượng được nếu nhìn vào cảnh mà AP trình chiếu năm 2022 mà có thể hình dung được nó đã hồi sinh vào 2024, và nói rằng video này của ông có thể sẽ khiến nhiều người không thích, nhưng kệ thôi, đó là sự thật khách quan nó thế, ông chỉ đưa hình ảnh mà thôi:
Thành phố Mariupol là nơi mà 2 phe tuyên truyền khác nhau hoàn toàn. Phe Ukraine thì nói rằng chính Nga đã phá hoại thành phố xinh đẹp này. Còn phía Nga nói rằng chính quân Kiev đã cố ý đập nát mọi thứ, kể cả tất cả các công trình dân sự như siêu thị hay cửa hàng, vì biết rằng một khi họ rút đi thì vĩnh viễn sẽ không thể lấy lại được thành phố này, nơi mà phần đông là người gốc Nga.
Khi nội chiến Ukraine nổ ra vào 2014, dẫn phát từ cuộc đảo chính ở Kiev khiến các tỉnh không thừa nhận chế độ thân Mỹ này, thì Mariupol nằm trong các thành phố phản đối chính quyền Kiev. Nhưng tháng 6/2014, quân Kiev đã tấn công và cướp lại quyền kiểm soát thành phố bằng vũ lực. Thành phố trở thành một trong những điểm giao tranh của cuộc nội chiến.
Sau giao tranh khốc liệt nhiều tháng kể từ khi chiến tranh nổ ra vào tháng 2/2022, thành phố rơi vào tay quân Nga vào tháng 5/2022. Chính quyền Zelensky trao tặng danh hiệu “thành phố anh hùng” cho Mariupol, trong khi đó, phe Nga cho rằng chính quyền Kiev đơn thuần chỉ dùng Mariupol làm phương tiện cản bước tiến của quân Nga.
Theo AP, Nga sau khi chiếm đóng Mariupol đã tiến hành “thanh trừng sắc tộc” bằng cách khiến người dân Ukraine ở đó phải rời đi, và báo cáo rằng người đang sống ở Mariupol hiện giờ đã chủ yếu là từ Nga tới, chứ dân bản địa có từ trước chiến tranh chỉ còn 80.000 đến 120.000 người. Có các cáo buộc rằng Nga hạ giá thuế liên quan tới đất và nhà ở đây, cùng nhiều chính sách khác, để khuyến khích dân Nga chuyển tới Mariupol sinh sống, và đó là cách mà Nga làm thay đổi sắc tộc ở thành phố này.
Như trong phỏng vấn dân biểu Ukraine này, dường như chính sách này của Nga cũng hấp dẫn cả những người dân Mariupol đã di cư sang vùng đất mà Ukraine kiểm soát: Đã có 1/3 trong số 200.000 người IDP đã trở lại Mariupol, theo dân biểu Ukraine Tkachenko nói. Ngoài ra, trong các lý do cuộc sống khó khăn và bị kỳ thị mà dân biểu Ukraine nêu ra bên trên, thì không thấy nói đến các lý do như nguy cơ bị bắt lính, v.v. nếu sống ở vùng đất do chính quyền Kiev kiểm soát.
Nhật Tân
Từ khóa Dòng sự kiện Chiến tranh Nga - Ukraine Mariupol