Các cuộc biểu tình thậm chí cỡ hàng ngàn người nổ ra ở Kiev và các thành phố khác lớn ở Ukraine vào tối Thứ Hai cho tới hôm Thứ Ba và có thể tiếp diễn tiếp. Điều này xảy ra ngay lập tức sau khi chính quyền nước này thúc đẩy dự luật và sau đó khẩn cấp ký nó trở thành một đạo luật thắt chặt quyền hạn của các cơ quan chống tham nhũng ở nước này. Nhân dân phản đối chính quyền Zelensky, cho rằng nền tảng dân chủ đã trên bờ sụp đổ “một đi không trở lại” khi luật này cho phép “Zelensky có quyền hủy ngang bất kỳ một cuộc điều tra tham nhũng nào chỉ bằng một câu trên điện thoại”. Trong những tuần qua, liên tiếp có các báo cáo về chính quyền Zelensky có các hành động tấn công các cơ cấu chống tham nhũng, mà gần đây nhất là hôm Thứ Hai khi SBU của Zelensky tiến hành khoảng 80 các vụ khám xét nhắm vào NABU, một cơ quan chống tham nhũng do Mỹ xúc tiến thành lập vào năm 2014 nhằm giám sát và điều tra về tham nhũng trong bộ máy cấp cao của nhà nước. Tại sao lại xảy ra việc đàn áp này? Có bình luận trên truyền thông Ukraine rằng đó là vì Donald Trump tái nhập Tòa Bạch Ốc, thay đổi quyết sách đối ngoại của Mỹ.

250723KievProtest01
Biểu tình nổ ra ở Kiev và một số thành phố kể từ tối ngày 21/7/2025, khi nhân dân Ukraine phản đối luật mà Tổng thống Ukraine Zelensky vội vã ký nhằm hạn chế quyền lực của các nhóm chống tham nhũng (ảnh lấy từ video trên mạng xã hội)

Phóng viên tại chỗ của Al Jazeera báo cáo rằng các cuộc biểu tình diễn ra tại các thành phố Kiev, Odessa, Dnipro, và Lviv, kể từ tối ngày 21/7 đã đánh dấu lần biểu tình lớn nhất phản đối chính phủ kể từ khi Zelensky lên nắm quyền. Biểu tình phản đối dự luật được vội vã thông qua và được Zelensky vội vã ký vào đêm Thứ Ba trở thành luật, hạn chế hoạt động của các cơ cấu chống tham nhũng.

Có thể thấy trên video cảnh nhân dân Ukraine đồng thanh hô to “tẩy chay dự luật” và giơ các biểu ngữ với dòng chữ “Ô nhục!”“Phản quốc!”

Hiện nay, trên trang nhà của Kyiv Independent (một kênh truyền thông khá có tiếng ở Ukraine), có thể thấy chật kín các bài tin liên quan tới việc chính quyền Zelensky đàn áp các cơ cấu chống tham nhũng, gồm cả 2 bài của Ban Biên Tập.

Tương tự như nhiều kênh truyền thông khác ở Ukraine, thì hiện nay chủ đề chính quyền độc tài đang đàn áp chống tham nhũng đã hoàn toàn che khuất các bài tin về sự nghiệp chống Nga, vốn vẫn là chủ đạo của tờ báo này:

  • Ban Biên Tập: Zelensky chính là đã phản bội nền dân chủ của Ukraine, điều mọi người đang đứng lên đấu tranh vì nó (Editorial: Zelensky just betrayed Ukraine’s democracy — and everyone fighting for it)
  • Ban Biên Tập: Hiện tại ở Ukraine, nền dân chủ đang có nguy cơ thoái trào theo kiểu Nga (Editorial: Right now, Ukraine’s democracy risks a Russian-style backslide)
  • Zelensky phá hủy cơ sở hạ tầng chống tham nhũng của Ukraine, thâu tóm các cơ quan thực thi pháp luật (Zelensky dismantles Ukraine’s anti-corruption infrastructure, brings law enforcement agencies under his thumb)
  • Zelensky ký luật phá hủy tính độc lập của các cơ quan chống tham nhũng then chốt ở Ukraine (Zelensky signs law destroying independence of Ukraine’s key anti-corruption bodies)
  • ‘Chúng ta hiểu rằng phải đứng lên đấu tranh cho quyền của chúng ta’ — Người Ukraine phản đối luật đe dọa các cơ quan chống tham nhũng (‘We know how to stand up for our rights’ — Ukrainians protest law threatening anti-corruption institutions)
  • ‘Một đi không trở lại’ — Nền dân chủ của Ukraine bị đe dọa trước dự luật nhằm vào hạn chế các nỗ lực chống tham nhũng (‘Point of no return’ — Ukraine’s democracy under threat as new bill guts anti-corruption efforts)
  • NABU cáo buộc sỹ quan SBU nhận hối lộ trong bối cảnh áp lực ngày càng tăng đối với các tổ chức chống tham nhũng (NABU charges SBU officer with bribery amid mounting pressure on anti-corruption institutions)
  • Giải thích về cuộc đàn áp các cơ quan chống tham nhũng của Ukraine (The crackdown on Ukraine’s anti-corruption agencies, explained)
  • Các cuộc biểu tình diễn ra trên khắp Ukraine sau khi quốc hội thông qua dự luật làm suy yếu các thể chế chống tham nhũng (‘Veto the law!’ — Protests held across Ukraine after parliament passes bill weakening anti-corruption institutions — ‘Phủ quyết luật!’)
  • Zelensky không coi tham nhũng là một vấn đề [của quốc gia], nhà hoạt động bị truy tố cho biết (Zelensky doesn’t see corruption as a problem, prosecuted activist says)

“Ông ta [Zelensky] vội vội vàng vàng ký vào luật này như thế nào, thì ông ta cũng sẽ phải vội vàng như thế loại bỏ nó,” một người biểu tình ở Kiev mang tên Yanush nói với phóng viên của Al Jazeera, “bởi vì chúng tôi tin chắc rằng bằng vào những việc [biểu tình] này, ông ta sẽ mất đi quyền lực của mình!”

“Tôi không hề muốn con đường mà [chính quyền Kiev] lựa chọn đi trong hơn 10 năm qua,” một người biểu tình khác ở Kiev mang tên Olga nói với phóng viên Al Jazeera, người bình luận rằng chủ đề tham nhũng luôn là chủ đề nhạy cảm của Ukraine, đất nước chìm trong chiến hỏa hơn chục năm nay kể từ sau vụ đảo chính Maidan năm 2014.

Al Jazeera cũng bình luận rằng mới vào tuần trước, Zelensky đã đưa Yulia Svyrydenko, một phụ nữ 39 tuổi, lên làm thủ tướng. Theo cách miêu tả của phóng viên, thì người phụ nữ thân cận nhiều năm với Zelensky ấy là “ngôi sao nhạc Rock của Zelenssky” (rockstar). Tân thủ tướng ngay sau khi thượng vị đã đưa ra các đề nghị với EU rằng Ukraine muốn có thêm tiền viện trợ để tiếp tục cho các nỗ lực, và, theo phóng viên, EU đã không chấp thuận điều ấy.

Nền dân chủ một đi không trở lại

Theo phân tích của Kyiv Independent, thì đạo luật mới vừa mới được Zelensky ký ấy, đã đặt Tổng Công Tố —một vị trí khét tiếng ở Ukraine là không hề trung lập hay độc lập— trở thành người quản lý toàn bộ các hoạt động điều tra chống tham nhũng, gồm cả các hoạt động của NABU và SAPO (Viện Kiểm sát Chuyên trách Chống tham nhũng).

Đó là lật ngược 180° với chủ trương dân chủ, khi Ukraine trước đó vẫn cho phép tồn tại các cơ cấu độc lập có quyền điều tra tham nhũng.

“Zelensky sẽ có quyền hủy ngang bất kỳ một cuộc điều tra tham nhũng nào chỉ bằng một câu trên điện thoại,” tờ báo nhấn mạnh tình huống phản dân chủ sẽ xảy ra bởi vì luật này đã được ký.

“Zelensky đã phản bội lại nền dân chủ của Ukraine,” bài xã luận của Ban Biên Tập tờ báo đã được đặt tiêu đề như vậy.

“Luật mới không đưa Ukraine đến gần hơn với EU, nền dân chủ, hay pháp quyền,” Thị trưởng Kiev Vitaly Klitschko, một người thường xuyên chỉ trích Zelensky, viết trên Telegram. “Dường như các tác giả [của đạo luật] đã tự tin vào năng lực miễn trừ của mình và đang nhanh chóng kéo Ukraine đến chủ nghĩa độc tài.”

Theo bài xã luận của Ban Biên Tập Kyiv Independent, thì các cơ cấu độc lập chống tham nhũng bắt đầu càng ngày càng trở nên có ý nghĩa kể từ sau sự biến Maidan Kiev năm 2014, cũng gọi là cách mạng nhân phẩm.

NABU —Cục Chống tham nhũng Quốc gia Ukraine, National Anti-Corruption Bureau of Ukraine— là một điển hình trong số đó. Nó được thành lập theo yêu cầu mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đưa ra vào năm 2014, như một cải cách tư pháp nhằm đáp ứng kỳ vọng của các chính phủ phương Tây và các chủ nợ quốc tế.

  • G7 “quan ngại nghiêm trọng” khi cơ cấu chống tham nhũng ở Ukraine bị chính quyền Zelensky “tấn công” — 80 cuộc khám xét nhắm vào NABU được tiến hành trên toàn quốc. SBU tuyên bố không có trát tòa cho các cuộc khám xét là vì đây là nhiệm vụ đặc biệt, không thể tiết lộ thông tin ra ngoài, nên không thông qua tòa. Một người bị SBU tuyên bố là phản quốc, là gián điệp cho Nga. NABU đã bác bỏ điều ấy, và nói rằng họ đang bị chính quyền đàn áp bởi vì họ đang tiến hành một số các điều tra tham nhũng của chính quyền Zelensky.
250722NABU 1
Hình ảnh thám tử của NABU bị SBU khám nhà đang mặc đồ lót, kể cả phụ nữ đang phải dùng tay che vị trí nhạy cảm, đã được SBU quăng lên mạng Internet. Việc này đã gây ra nhiều tiếng nói phản cảm, đặt câu hỏi rằng cảnh tượng mặc đồ lót này thì liên quan gì tới nội dung điều tra? (nguồn ảnh: truyền thông Ukraine)

Tại sao “rào cản cuối cùng” bị đàn áp vào lúc này, sau khi Trump tái thượng vị?

Theo một phân tích khác của truyền thông Ukraine, thì các cơ cấu nằm ngoài quyền kiểm soát của tổng thống (cơ cấu độc lập) nhưng lại có quyền điều tra tham nhũng —ví dụ như NABU, SAP, VAKS— hoặc nếu nói rộng hơn, thì tính cả một số tổ chức NGO và một số kênh truyền thông, thì đều chưa từng bao giờ được tổng thống ưa thích cả.

Tổng thống đời nào cũng thế, chứ không phải chỉ riêng Zelensky. Dù sao thì nền tảng của dân chủ chính là như vậy. Cân bằng quyền lực mà. Nhân dân tin rằng cân bằng quyền lực là để đảm bảo dân chủ, để chống độc tài. Nhân dân tin rằng làm như vậy là có chỗ tốt cho nhân dân.

Theo một nghĩa nào đó, nó bộc lộ ra một phương diện tiêu chuẩn kép của cơ chế dân chủ.

Ai cũng muốn kiểm soát người khác, nhưng mà, không ai muốn người khác kiểm soát mình. Một cơ chế sẽ được miêu tả là tốt đẹp khi nó được dùng để kiểm soát người khác. Nhưng cũng chính cơ chế ấy sẽ bị chụp mũ là xấu xa (ví như hiện nay NABU là bị Zelensky chụp mũ gián điệp Nga) nếu nó được dùng để kiểm soát mình.

Các cuộc biểu tình hàng tháng trời phản đối chính phủ ở quốc gia chỉ có chục triệu dân như Goergia, kỳ thực là được nước ngoài ủng hộ và chèo chống thông qua các cơ cấu NGO tài trợ bởi nước ngoài. Những nhóm hoạt động của Ukraine cũng sang tận Goergia để phản đối chính phủ Georgia.

Họ phản đối chính phủ Georgia vì điều gì? Vì chính phủ yêu cầu các NGO nào mà nhận tài trợ nước ngoài từ 20% trở lên cho các hoạt động của mình thì đều phải đăng ký là “tổ chức chịu ảnh hưởng của nước ngoài.”

Kỳ thực Mỹ cũng giống thế, cũng yêu cầu các cơ cấu nào nhận tài trợ nước ngoài là phải đăng ký theo đạo luật FARA, đạo luật có hiệu lực từ năm 1938 cho đến hôm nay.

Theo truyền thông Ukraine phân tích, các đời tổng thống Ukraine đều không thích cơ cấu độc lập chống tham nhũng như NABU này.

Nhưng không ai có thể làm gì được.

Tại sao? Tại vì đứng sau các cơ cấu này chính là Mỹ, là phương Tây. Đó là nằm trong các chân rết để phương Tây gián tiếp điều tiết Ukraine. Bản thân chính quyền Kiev, đặc biệt là sau sự biến Maidan Kiev 2014, thì là chính quyền thân phương Tây, nhận tài trợ của phương Tây, nên làm sao có thể động tới các cơ cấu chống tham nhũng này được?

Tuy nhiên, kể từ khi Donald Trump quay trợ lại Nhà Trắng, ông đã tỏ ra không hứng thú với các cơ chế kiểu này tồn đọng từ các đời tổng thống cánh tả.

Ông Trump coi phần đông trong số chúng là không phù hợp với chủ trương MAGA “người Mỹ trên hết” của ông. Việc cắt USAID, khiến cả các kênh truyền thông hoạt động suốt từ thời Chiến tranh Lạnh đến nay như Đài Á Châu Tự do hay Đài Âu Châu Tự do cũng bị ảnh hưởng là một ví dụ.

Gần đây, Zelensky đã giành được một chút ủng hộ từ phía ông Trump sau thỏa thuận khai khoáng, cho nên, bây giờ Zelensky đủ tự tin để làm cái điều mà các đời tổng thống tiền nhiệm ông ta không làm được: Phá bỏ rào cản cuối cùng tiến đến chủ nghĩa độc tài, phá bỏ các cơ cấu độc lập chống tham nhũng.

Tờ báo Kyiv Independent cũng đưa ra bằng chứng tương tự, khi người của NABU trả lời phóng viên của tờ báo rằng, Đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump không có được sự quan tâm tới NABU như các đời tổng thống trước đây của Mỹ.

Nhật Tân