ĐCSTQ từng nói “không quỳ” trong cuộc chiến thương mại với Mỹ, sự thật thế nào?
- Thiên Thanh
- •
Kể từ khi chính quyền Mỹ do Tổng thống Trump đứng đầu tuyên bố áp thuế cao tới 145% đối với hàng hóa từ Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh đã từng đưa ra phản ứng cứng rắn: “Không quỳ!” (Never Knee Down!). Tuy nhiên, hiện nay thái độ của Bắc Kinh đã thay đổi và sẵn sàng đàm phán thương mại với Mỹ tại Geneva, Thụy Sĩ. Truyền thông Anh đã tiết lộ nội tình của việc này.
Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung: Bắc Kinh từng thề “không quỳ”
Theo Tân Hoa Xã, ngày 29/4, Bộ Ngoại giao ĐCSTQ đã phát hành một video song ngữ Trung – Anh có tiêu đề “Không quỳ”, trong đó sử dụng hình ảnh “mắt bão” (The eye of the storm) – tưởng chừng là khoảnh khắc yên bình ngắn ngủi – để công kích cuộc chiến thương mại do Mỹ khởi xướng, cho rằng đây thực chất là “cái bẫy chết người dụ đối phương vào” với sát khí tiềm ẩn, nhằm “chuẩn bị cho một trận cuồng phong đẫm máu dữ dội hơn”. Đối với cuộc chiến thương mại này, chính quyền Bắc Kinh tuyên bố rằng, “cúi đầu trước bá quyền chẳng khác nào uống thuốc độc giải khát”, vì vậy “không quỳ!” Bởi lẽ Bắc Kinh hiểu rõ: “Cầu hợp tác bằng đấu tranh thì hợp tác còn, cầu hợp tác bằng thỏa hiệp thì hợp tác mất.“
Never Kneel Down! pic.twitter.com/z8FU3rMSBA
— CHINA MFA Spokesperson 中国外交部发言人 (@MFA_China) April 29, 2025
Các tờ báo thân Bắc Kinh như Đại Công Báo và Văn Hối Báo đã đưa tin về video của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ, với lập trường ủng hộ chính quyền Bắc Kinh.
Theo truyền thông Trung Quốc The Paper, vào ngày 29/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao ĐCSTQ là Quách Gia Côn đã chủ trì buổi họp báo thường kỳ, khi trả lời câu hỏi của phóng viên Reuters về video song ngữ “Không quỳ”, ông cho biết: “Hy vọng đoạn phim này có thể giúp các bên hiểu rõ hơn lập trường của chính quyền Bắc Kinh.”
Theo Đài phát thanh quốc tế Pháp (RFI) ngày 4/5, tài khoản WeChat “Trạng nguyên bổ khoái” đã đăng bài bình luận cho rằng video “Không quỳ” của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ “trước hết là một sự tự hạ thấp rõ ràng, không loại trừ khả năng là kiểu ‘đỏ thấp cấp, đen cao cấp’ (ý chỉ việc tỏ ra yêu nước nhưng lại gây phản tác dụng).”
Bình luận viết rằng theo lẽ thường: “Điều kiện tiên quyết để nói không quỳ, là có lẽ bị buộc phải quỳ – tức là ở vào thế yếu, để phản kháng nên mới không quỳ. Một tranh chấp thương mại thông thường mà lại cố tình kéo thành vấn đề dân tộc thì chỉ là trò lố bịch. Một kẻ mạnh sẽ không nói với kẻ yếu rằng không quỳ, hai người ngang tài ngang sức cũng sẽ không nói với nhau rằng không quỳ. Vậy khi nào người ta mới nói không quỳ? Đó là khi sức mạnh chênh lệch quá lớn, bài tẩy đã lật hết, đường cùng ngõ cụt, không còn lối thoát, chỉ còn hai lựa chọn là quỳ hoặc chết – thì mới cứng rắn thốt lên một tiếng ‘không quỳ’…”
Nội tình Bắc Kinh tìm kiếm đàm phán
Hãng tin Reuters dẫn lời 3 quan chức am hiểu suy nghĩ của chính quyền Bắc Kinh, tiết lộ rằng mặc dù Bắc Kinh vẫn giữ lập trường cứng rắn trong lời nói đối với cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, nhưng khi ngày càng nhiều đối tác thương mại bắt đầu đàm phán với Nhà Trắng, Bắc Kinh cũng ngày càng lo ngại về tác động của việc chính quyền Trump áp thuế cao đối với nền kinh tế, cũng như nguy cơ bị cô lập.
Một trong những người nắm được tình hình cùng một quan chức khác cho biết, do giữa Bắc Kinh và Washington tồn tại bất đồng trong vấn đề các quan chức nào sẽ tham gia đàm phán, nên nỗ lực sắp xếp lịch trình đàm phán tiếp tục gặp trở ngại.
Báo cáo của Reuters dựa trên các cuộc phỏng vấn với gần chục quan chức chính phủ và chuyên gia từ cả phía Mỹ và Trung Quốc; phần lớn người được phỏng vấn đều yêu cầu giấu tên vì lý do thông tin chưa được công bố công khai.
Tình hình rối ren trước thềm cuộc đàm phán tại Geneva, Thụy Sĩ cho thấy mức độ thiếu tin tưởng sâu sắc và sự khác biệt về phong cách đàm phán giữa chính quyền Trump và Bắc Kinh, điều này có thể khiến tiến trình đàm phán kéo dài và nhiều tranh cãi.
Ông Scott Kennedy – chuyên gia về các vấn đề kinh doanh Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một tổ chức tư vấn chính sách đối ngoại lưỡng đảng có trụ sở tại Washington D.C. – cho biết: “Trung Quốc đặt ra tiêu chuẩn rất cao cho các cuộc đàm phán này, nhưng điều ngày càng rõ ràng là chính quyền Trump thực sự muốn đàm phán, và phía Trung Quốc thì không thể từ chối mãi. Vì vậy, họ đã chấp nhận sắp xếp ban đầu cho cuộc đàm phán tại Geneva, điều này có thể được hiểu chính xác hơn là một cuộc gặp gỡ sơ bộ.”
Ông Kennedy nói thêm rằng trong vài tuần gần đây, tần suất tiếp xúc giữa các cơ quan của ĐCSTQ và Đại sứ quán ĐCSTQ tại Washington và chính quyền Trump đã tăng lên đáng kể. Vào cuối tháng Tư, trong khuôn khổ các cuộc họp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), các quan chức hai bên cũng đã có một số cuộc trao đổi trực tiếp, trong đó có cuộc gặp với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent tạo tiền đề cho cuộc đàm phán tại Geneva.
Theo một quan chức am hiểu nội tình, sau khi ông Trump tuyên bố áp thuế, Bộ trưởng Thương mại ĐCSTQ Vương Văn Đào đã âm thầm liên hệ với Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick, nhưng vì cấp bậc không đủ nên đã bị từ chối.
Ông Trump vẫn thúc đẩy cuộc gặp trực tiếp với Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình. Tuy nhiên, theo các tuyên bố chính thức từ cả Washington và Bắc Kinh, Bắc Kinh đã từ chối đề xuất này, cho rằng điều đó không phù hợp với thông lệ là phải đàm phán xong các chi tiết trước rồi mới ký kết thỏa thuận. Khi quá trình trao đổi tiếp tục và căng thẳng hạ nhiệt, Bắc Kinh quyết định cử Phó Thủ tướng Hà Lập Phong (một thân tín của ông Tập) dẫn đầu phái đoàn đến Geneva.
Một nguồn tin cho biết, cách sắp xếp này vừa đáp ứng yêu cầu từ Washington về việc được đàm phán với một quan chức cấp cao có thể tiếp cận trực tiếp với ông Tập, vừa tránh cho lãnh đạo ĐCSTQ đối mặt với tình huống khó xử tiềm ẩn.
3 quan chức am hiểu tình hình cho biết, một trong những yếu tố chính thúc đẩy Bắc Kinh nhượng bộ là các tín hiệu nội bộ cho thấy nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang chật vật để tránh phá sản, và đang cố gắng tìm cách thay thế thị trường Mỹ.
Một quan chức cho biết, các ngành bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung bao gồm sản xuất đồ nội thất, đồ chơi và dệt may.
Các nhà ngoại giao Mỹ tại Trung Quốc cũng liên tục theo dõi tình trạng đóng cửa nhà máy, đình công và thất nghiệp tại các trung tâm công nghiệp ở miền Nam Trung Quốc. Nhiều nhà phân tích thị trường đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm 2025. Ngân hàng đầu tư Nomura cảnh báo, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung có thể khiến Trung Quốc mất tới 16 triệu việc làm. Ngân hàng trung ương Trung Quốc gần đây cũng đã công bố các biện pháp kích thích tiền tệ mới.
Theo một nguồn tin, trong nội bộ chính quyền Bắc Kinh, cuộc đàm phán lần này đã được “hạ cấp” từ cấp cao xuống chỉ còn là một cuộc gặp, cho thấy mục đích chính của Bắc Kinh là tìm hiểu yêu cầu và ranh giới đỏ của Washington.
Từ khóa kinh tế Trung quốc chiến tranh thương mại Mỹ Trung mối quan hệ Mỹ - Trung Thuế quan Mỹ
