Điểm nhấn trong Thông cáo Chung của Nghị sự thượng đỉnh NATO kỷ niệm 75 năm
- Trình Văn
- •
Ngày 9/7/2024, lãnh đạo của 32 nước thành viên NATO đã tập trung tại Washington Mỹ để tham dự hội nghị thượng đỉnh thường niên nhằm thảo luận về chiến lược và cam kết trong tương lai của NATO, đồng thời để kỷ niệm 75 năm thành lập khối liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương này. Theo Reuters, sau đây là một số phần chính của Thông cáo Chung của Nghị sự Thượng đỉnh Liên minh Quân sự xuyên Đại Tây Dương (NATO).
Điểm nhấn: Vào ngày thứ hai (thứ Tư ngày 10/7) của Hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 75 năm thành lập NATO tổ chức tại Washington, tất cả 32 nước thành viên NATO đã ra Thông cáo Chung, nhấn mạnh cam kết đối với việc Ukraine gia nhập liên minh, đồng thời bày tỏ lập trường cứng rắn hơn về vấn đề Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ủng hộ cuộc chiến tranh xâm lược của Nga. “Đây là lần đầu tiên tất cả các đồng minh NATO đã thống nhất như vậy chỉ trong một tài liệu thương thảo lần thứ nhất”, Tổng thư ký NATO Stoltenberg phát biểu sau khi công bố Thông cáo Chung của Hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 75 năm NATO.
Tư cách thành viên NATO của Ukraine
Thông cáo Chung khẳng định Ukraine đang trên con đường “không thể đảo ngược” để gia nhập NATO.
Thông cáo nêu rõ, khi Ukraine tiếp tục “công việc quan trọng” là cải cách dân chủ, kinh tế và an ninh, NATO sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine “trên con đường thống nhất châu Âu – Đại Tây Dương (Euro-Atlantic) không thể đảo ngược, bao gồm cả việc gia nhập NATO”.
Thông cáo nhắc lại rằng NATO sẽ “gửi lời mời Ukraine gia nhập liên minh khi có thống nhất đồng ý từ các nước đồng minh và các điều kiện được đáp ứng”.
Cụm từ “không thể đảo ngược” được chọn để thể hiện cam kết của NATO trong việc hỗ trợ cuộc chiến phòng thủ của Ukraine chống lại Nga, và cảnh báo ông Tổng thống Nga Putin không có hành động chống lại NATO.
Tại cuộc họp báo sau khi công bố Thông cáo Chung, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết: “Điều này sẽ không khiến NATO trở thành một bên trong cuộc xung đột, nhưng sẽ giúp Ukraine bảo vệ quyền tự vệ của mình”.
“Khi Ukraine tiếp tục thực hiện những cải cách quan trọng, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ họ trên con đường không thể đảo ngược để trở thành thành viên NATO. Công việc mà chúng tôi đang cùng nhau thực hiện sẽ đảm bảo rằng Ukraine có thể tham gia ngay khi thời điểm đến, vấn đề không phải là liệu có tham gia hay không mà là tham gia vào khi nào”, ông Stoltenberg cho biết.
Ngoài ra, NATO dự định trong năm tới cung cấp ít nhất 40 tỷ euro (43,28 tỷ USD) viện trợ quân sự cho Ukraine, nhưng họ chưa thống nhất được về cam kết tài chính kéo dài nhiều năm như ông Stoltenberg đề nghị.
Trong Thông cáo Chung, NATO cũng quyết định thực hiện một loạt bước đi để đảm nhận phần lớn việc phối hợp trang bị quân sự và huấn luyện ở Ukraine mà trước đây thường do Mỹ phụ trách chính.
Nga “vô trách nhiệm”
Thông cáo của NATO lên án “những lời lẽ khoa trương hạt nhân vô trách nhiệm và các tín hiệu đe dọa hạt nhân, bao gồm cả việc thông báo triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus”, đồng thời lên án Belarus tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Nhưng thông cáo cũng nêu rõ NATO vẫn sẵn sàng duy trì các kênh liên lạc với Moscow để “giảm thiểu rủi ro và ngăn chặn tình hình leo thang”.
ĐCSTQ là “kẻ thúc đẩy chiến tranh” và đặt ra thách thức mang tính hệ thống
Thông cáo Chung bày tỏ lên án mạnh mẽ nhất của NATO đối với ĐCSTQ, cho rằng ĐCSTQ là “bên thúc đẩy quyết định” cuộc chiến xâm lược của Nga ở Ukraine, đồng thời tiếp tục đặt ra thách thức mang tính hệ thống đối với an ninh châu Âu-Đại Tây Dương.
Thông cáo nêu rõ ĐCSTQ là “kẻ thúc đẩy chiến tranh” thông qua “mối quan hệ đối tác không giới hạn” với Nga và sự hỗ trợ quy mô lớn cho cơ sở công nghiệp quốc phòng của Nga.
“Điều này làm tăng mối đe dọa của Nga đối với các nước láng giềng và an ninh châu Âu-Đại Tây Dương. Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, chịu trách nhiệm đặc biệt trong việc duy trì các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, hãy chấm dứt mọi sự hỗ trợ về vật chất và chính trị cho nỗ lực chiến tranh của Nga”.
Trong phiên bản cuối cùng của thông cáo, các nước thành viên NATO nhắc lại mối quan ngại của họ, lần đầu tiên được nêu ra vào năm 2021, về “thách thức mang tính hệ thống” mà Trung Quốc (ĐCSTQ) đặt ra đối với an ninh châu Âu – Đại Tây Dương.
Tài liệu quan trọng này cũng cảnh báo ĐCSTQ: “Trung Quốc không thể phát động cuộc chiến tranh lớn nhất trong lịch sử hiện đại để chống lại châu Âu mà không ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích và thanh danh của nước này”.
Thông cáo cũng cáo buộc Iran và Triều Tiên khuyến khích cuộc chiến tranh xâm lược của Nga ở Ukraine bằng cách hỗ trợ quân sự trực tiếp cho Moscow.
Thông cáo kết thúc với cách thể hiện gay gắt được 32 thành viên NATO thông qua tại hội nghị thượng đỉnh ở Washington, đã nói rõ rằng ĐCSTQ đang trở thành tâm điểm đối phó của liên minh quân sự này. Các thành viên châu Âu và Bắc Mỹ của NATO cùng các đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương ngày càng nhận thấy mối lo ngại an ninh chung từ Nga và các nước châu Á ủng hộ nước này, đặc biệt là Trung Quốc.
Tổng thư ký NATO Stoltenberg cho biết trong cuộc họp báo hôm thứ Tư rằng, các thiết bị vi điện tử và công cụ do ĐCSTQ cung cấp “giúp cho Nga khả năng sản xuất tên lửa, bom, máy bay và vũ khí dùng để tấn công Ukraine”.
Ông Stoltenberg nhấn mạnh rằng đây là lần đầu tiên tất cả các đồng minh NATO nhất trí gửi một thông điệp mạnh mẽ như vậy tới ĐCSTQ. Ông nói: “Đây là lần đầu tiên chỉ trong một văn bản thương thảo lần đầu mà tất cả các đồng minh NATO đã thống nhất rõ ràng như vậy, trọng tâm vấn đề ở Trung Quốc với tư cách là nước láng giềng quan trọng của Nga đã gây cuộc chiến… Tất nhiên, quyết định sẽ được đưa ra bởi từng đồng minh, nhưng tôi nghĩ thông điệp từ NATO tại hội nghị thượng đỉnh này rất mạnh mẽ và rất rõ ràng”.
Thông cáo cũng bày tỏ lo ngại về khả năng và hoạt động không gian của Trung Quốc, đồng thời lưu ý rằng ĐCSTQ đứng đằng sau các hoạt động kết hợp và mạng độc hại đang diễn ra, bao gồm cả việc truyền bá thông tin sai lệch.
Thông cáo thu hút sự chú ý đến thực tế là ĐCSTQ đang nhanh chóng mở rộng và đa dạng hóa kho vũ khí hạt nhân của họ với nhiều đầu đạn hơn và hệ thống phóng tiên tiến hơn. NATO kêu gọi Bắc Kinh tham gia thảo luận để giảm thiểu rủi ro chiến lược
Tầm quan trọng liên quan của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Thông cáo Chung của NATO đã thảo luận về tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đối với NATO, và tuyên bố rằng những diễn biến trong khu vực này ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh của khu vực châu Âu – Đại Tây Dương.
NATO cho biết họ đang tăng cường hợp tác với các đối tác ở châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm hỗ trợ cho Ukraine và phòng thủ không gian mạng.
Các nhà lãnh đạo NATO cũng sẽ gặp các nhà lãnh đạo từ Úc, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu vào thứ Năm (11/7) để thảo luận về những thách thức an ninh và hợp tác.
Hợp tác và hỗ trợ nhau giữa EU và NATO càng quan trọng hơn
Thông cáo nêu rõ, trong vấn đề Ukraine, sự hợp tác giữa NATO và EU đã trở nên quan trọng hơn, NATO cũng công nhận giá trị cần thiết của việc châu Âu có được khả năng phòng thủ mạnh mẽ hơn và khả năng quân sự lớn hơn.
Thông cáo cũng tuyên bố, việc triển khai khả năng phòng thủ [giữa các nước] một cách nhất quán, bổ trợ lẫn nhau để tránh những trùng lặp không cần thiết là yếu tố quan trọng để giúp khu vực châu Âu – Đại Tây Dương an toàn hơn.
NATO sẽ tăng cường phòng thủ tên lửa và phòng không cũng như răn đe hạt nhân
Thông cáo của NATO tuyên bố rằng, liên minh quân sự NATO sẽ tăng cường phòng không toàn diện và phòng thủ tên lửa để đe dọa và ngăn chặn mọi đe dọa từ không gian và đe dọa từ tên lửa.
Thông cáo nêu rõ NATO vẫn cam kết thực hiện mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo độ tin cậy, hiệu quả, an toàn và an ninh của sứ mệnh răn đe hạt nhân.
Từ khóa NATO Dòng sự kiện