Đồi Capitol đã bị xâm nhập từ trước khi Tổng thống phát biểu xong
- Vivian Đỗ
- •
Vụ hỗn loạn tại Điện Capitol vào thứ Tư tuần trước (6/1) đã gây rúng động không chỉ trên khắp nước Mỹ mà còn thu hút sự chú ý của người dân toàn thế giới. Vụ việc đến nay vẫn chưa ‘hạ nhiệt’ và mọi tình tiết dường như đều quay lưng chống lại Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, nếu để ý quan sát, chúng ta sẽ nhận thấy xung quanh chuyện này còn rất nhiều câu hỏi bị bỏ ngỏ nhưng chưa có mấy ai ‘động’ đến. Một trong số chúng là sự ‘lệch pha’ giữa các mốc thời gian diễn ra những sự kiện trong ngày hôm đó.
Lời kêu gọi của Cảnh sát trưởng bị ‘bỏ rơi’
Vào tối khuya chủ Nhật theo giờ Mỹ (10/1), tờ Washington Post đưa tin rằng Cảnh sát trưởng Steven Sund của Điện Capitol cho biết, từ 2 ngày trước khi xảy ra vụ hỗn loạn, ông đã cảm thấy bất an về quy mô đám đông dự kiến đổ về Washington D.C. Để đảm bảo an toàn, ông Steven đã xin phép các quan chức an ninh trong Hạ viện và Thượng viện điều động lực lượng Vệ binh Quốc gia sẵn sàng hỗ trợ ông nếu tình huống khẩn cấp xảy ra. Tuy nhiên yêu cầu này đã bị từ chối.
Việc các nhà lãnh đạo an ninh của Hạ viện và Thượng viện không thể cung cấp những nguồn lực mà Cảnh sát Capitol yêu cầu vào ngày hôm đó đã đặt ra câu hỏi về vai trò của họ trong sự kiện này.
Ông Steven Sund, 55 tuổi, là người có nhiều thập niên kinh nghiệm trong ngành. Hai năm sau khi gia nhập lực lượng cảnh sát Capitol, ông được đề bạt làm cảnh sát trưởng vào năm 2019. Tính đến thời điểm đó, ông Steven đã có 23 năm làm việc trong hàng ngũ cảnh sát Washington D.C. với vai trò trước kia là chỉ huy của Bộ phận Hoạt động Đặc biệt. Ông từng tham gia điều hành 12 sự kiện an ninh quốc gia, bao gồm cả lễ nhậm chức của cựu Tổng thống Barack Obama vào năm 2013.
Trả lời trong buổi phỏng vấn đầu tiên từ sau ngày 6/1, ông Steven cho biết đám đông bạo lực làm náo loạn Điện Capitol không giống với bất cứ thứ gì ông từng thấy trước đây. “Họ cực kỳ nguy hiểm và họ đã chuẩn bị cực kỳ kỹ lưỡng. Tôi rất khó gọi đây là một cuộc biểu tình,” theo lời ông Steven. “Tôi là người kiên quyết ủng hộ Tu chính án thứ nhất. [Nhưng] trường hợp này không phải vậy. Đây là hoạt động bạo loạn có tính hình sự.”
Tuy nhiên, trước lời ‘cầu cứu’ của Cảnh sát trưởng Steven, Trung sĩ Paul Irving của Hạ viện cho biết ông cảm thấy không thoải mái về viễn cảnh khi tình trạng khẩn cấp chính thức được ban bố từ trước cuộc biểu tình. Trong khi đó, Trung sĩ Thượng viện Michael Stenger gợi ý rằng ông Steven Sund nên tìm cách liên lạc với các cảnh vệ một cách không chính thống, yêu cầu họ chú ý trong trường hợp cảnh sát Capitol cần giúp đỡ.
Trung sĩ Paul Irving sau đó đã không thể liên lạc được. Kể từ khi vụ hỗn loạn xảy ra, các tin nhắn được gởi đến số điện thoại của ông này không thấy có phản hồi.
Ông Steven Sund kể lại, trong một cuộc gọi hội nghị với các quan chức Lầu Năm Góc và các quan chức Chính phủ Washingon D.C, ông đã gần như nài nỉ: “Tôi đang đưa ra một yêu cầu khẩn thiết ngay lập tức về sự hỗ trợ của Lực lượng Vệ binh Quốc gia.. Tôi [là người] phải ‘đứng mũi chịu sào’ ngay tại hiện trường.” Tuy nhiên, một quan chức quân đội đã trả lời: “Tôi không thích hình ảnh Vệ binh Quốc gia đứng giữa hàng ngũ với cảnh sát và Điện Capitol làm nền phía sau.”
Bất chấp lời khẩn cầu của ông Steven, những nhân viên Vệ binh Quốc gia đầu tiên đã không đến Điện Capitol cho tới 5:40 chiều ngày 6/1 (giờ Mỹ) sau khi điều tồi tệ nhất đã qua lâu và 4 người đã chết.
Cũng giống như những người khác, Cảnh sát trưởng Điện Capitol đổ lỗi cho Tổng thống Trump vì đã khiến các sĩ quan của ông gặp nguy hiểm. Ông Steven cho rằng “đám đông rời khỏi cuộc mít tinh và đã bị kích động bởi một số lời mà Tổng thống nói.”
Các mốc thời gian chồng chéo cho thấy mâu thuẫn trong lời buộc tội Tổng thống của Cảnh sát trưởng Điện Capitol
Tờ Washington Post, thông qua buổi phỏng vấn với Cảnh sát trưởng Steven Sund, đã cố gắng buộc tội Tổng thống Trump một cách vụng về, bất chấp thực tế rằng Tổng thống chỉ kêu gọi cuộc biểu tình diễn ra trong “hòa bình” với tinh thần “cổ vũ” các dân biểu.
Tuy nhiên, chính các mốc thời gian được tường thuật trong bài báo lại không giấu nổi sự vụng về đó. Washington Post ghi nhận: “Làn sóng đầu tiên của những người biểu tình đến khu vực Capitol là vào khoảng 12:40, buổi chiều.” Trong khi đó mãi cho đến 1:11 chiều, Tổng thống Trump mới kết thúc bài phát biểu rất dài của mình.
Thời gian để một đám đông ‘chật kín’ người như thế có thể đi bộ từ địa điểm mít tinh đến khu vực Đồi Capitol phải mất ít nhất 45 phút. Nghĩa là, những người đầu tiên sau khi rời khỏi buổi phát biểu của Tổng thống không thể tiếp cận khu vực Đồi Capitol trước 1:56 chiều – tròn 1 tiếng 16 phút sau khi những kẻ gây rối hành động.
Trên thực tế, bài phát biểu của Tổng thống Trump bắt đầu vào khoảng 11:50 sáng. Những kẻ bạo loạn nếu thật sự tham dự buổi mít tinh thậm chí phải rời đi … từ trước khi Tổng thống đi vào nội dung chính, thì mới kịp tham gia các vụ việc mà sau đó đã được báo đài tường thuật lại chi tiết. Như vậy, làm sao có thể khẳng định những người này vì hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng thống mới gây ra vụ bạo loạn, trong khi họ còn chưa kịp nghe Tổng thống nói chuyện.
Thời điểm ấy, các con đường ở trung tâm Washington, D.C. đã bị phong tỏa. Không có cách nào để đến nhanh hơn, huống chi là trước khi Tổng thống phát biểu xong, đám đông vẫn còn ‘dày đặc’ ở đó.
Chưa kể, Washington Post cũng tuyên bố vòng đai bảo vệ Điện Capitol của Cảnh sát trưởng Steven bị phá vỡ trong vòng 15 phút. Lời tường thuật mang tính buộc tội này vừa khớp lại để lộ 1 sơ hở, nếu muốn xâm nhập Điện Capitol, những người gây rối phải mất ít nhất 45 phút đi bộ đến khu vực này, cộng thêm 15 phút phá vỡ ‘hàng rào’ bảo vệ, tổng cộng hết ít nhất 1 tiếng đồng hồ. Tức là những ai sau khi nghe Tổng thống Trump phát biểu không thể đột nhập Điện Capitol trước 2:11 chiều.
Điều này cũng mâu thuẫn với lời kể lại của ông Steven Sund: “Tôi nhận ra vào lúc 1 giờ chiều, mọi thứ không còn tốt đẹp… Tôi thấy các nhân viên của mình trở nên say xẩm.”
Một lần nữa, mốc thời gian 1 giờ chiều theo lời ông Steven sẽ là 56 phút trước khi bất kỳ người tham dự bài phát biểu nào của Tổng thống Trump có thể bắt đầu tiến đến khu vực Đồi Capitol, chưa nói đến việc phá vỡ vòng vây bảo vệ và đụng độ cảnh sát.
Vào lúc 1:09 chiều, vẫn là trước khi Tổng thống phát biểu xong, Cảnh sát trưởng Steven đã gọi cho các quan chức của Hạ viện và Thượng viện. Ông ấy nói với họ rằng đã đến lúc phải gọi cho Vệ binh Quốc gia. Ông thậm chí còn muốn một khai báo khẩn cấp. Tuy nhiên, cả hai bên đều nói họ “không có khả năng đưa ra quyết định” và sẽ trả lời ông sau.
1:50 chiều, 9 phút trước khi chính Điện Capitol bị thất thủ, ông Steven cho biết ông đã mất hết kiên nhẫn, lúc này hầu hết những người tham dự bài phát biểu của Tổng thống Trump vẫn chưa thể đến.
Những gì diễn ra sau mốc thời gian trên chỉ là sự qua lại hàng giờ giữa các quan chức D.C, các quan chức quân đội và cảnh sát Capitol. Cuối cùng, hơn 5 giờ chiều, những nhân viên Vệ binh Quốc gia đầu tiên cũng xuất hiện.
Trong khi bài phỏng vấn Cảnh sát trưởng Steven Sund được trích dẫn trên tờ Washington Post đã cố gắng đổ lỗi cho Tổng thống Trump về vụ bạo động tại Điện Capitol, các mốc thời gian chồng chéo trong bài lại để lộ quá nhiều sơ hở.
Không có thông tin nào cho thấy những người thật sự hâm mộ Tổng thống lại rời đi khi ông ấy mới phát biểu được 5 hoặc 10 phút. Và vào thời điểm Điện Capitol bị thất thủ, những ai đã ở lại để nghe Tổng thống nói dù chỉ trong 15 phút đầu tiên thậm chí cũng không thể đến kịp.
Vivian Đỗ
Xem thêm:
Từ khóa Điện capitol Hỗn loạn ở Điện Capitol Vivian Đỗ Bầu cử Mỹ bầu cử tổng thống Mỹ 2020 Dòng sự kiện