Điện Kremlin đã bác bỏ lời đe dọa trừng phạt và áp thuế của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đối với thỏa thuận hòa bình Ukraine, gọi các chiến thuật này là “không có gì mới“. 

Dmitry Peskov1
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. (Ảnh cộng tác viên/Getty Images)

Ông Trump đã đưa ra tối hậu thư được che đậy khéo léo cho Moskva vào thứ Tư (22/1) bằng cách kêu gọi chấm dứt chiến tranh Ukraine và đạt được một “thỏa thuận” hoặc thay vào đó phải đối mặt với các lệnh trừng phạt mới.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên vào thứ Năm (23/1) rằng Nga vẫn cởi mở với “cuộc đối thoại bình đẳng và tôn trọng” với Hoa Kỳ, đồng thời nói thêm rằng, trong nhiệm kỳ đầu tiên tại nhiệm, ông Trump đã tham gia vào cuộc trao đổi kiểu này với Tổng thống Vladimir Putin. Theo ông Peskov, hiện Nga đang chờ đợi những tín hiệu tương tự nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy tín hiệu nào.

Ông Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình là tổng thống Hoa Kỳ, thường xuyên dùng đến các lệnh trừng phạt nhất. Ông ấy thích phương pháp này“, ông Peskov nói thêm.

Ông Trump đã đưa ra lời cảnh báo trong một bài đăng trên nền tảng trực tuyến Truth Social. Ông cho biết nếu không có “thỏa thuận” hòa bình nào sớm thành hiện thực, thì sẽ “không còn lựa chọn nào khác ngoài việc áp mức Thuế, Thuế quan và Lệnh trừng phạt cao đối với bất kỳ thứ gì mà Nga bán cho Hoa Kỳ và nhiều quốc gia tham gia khác“.

Phát biểu với Diễn đàn Kinh tế Thế giới thường niên ở Davos, Thụy Sĩ qua liên kết video vào thứ Năm (23/1), ông Trump nói rằng ông “rất muốn” gặp người đồng cấp Nga “sớm” để chấm dứt cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine.

Trước khi nhậm chức lần hai hôm thứ Hai (20/1), ông Trump đã vận động tranh cử với lời hứa sẽ nhanh chóng giải quyết cuộc chiến Nga-Ukraine. Ông đã nhiều lần công khai hứa sẽ chấm dứt giao tranh trong vòng 24 giờ nếu trở lại nắm quyền. Tuy nhiên, trong vài tuần trước lễ nhậm chức, ông Trump đã điều chỉnh mốc thời gian, bày tỏ hy vọng sẽ đàm phán hòa bình trong vòng sáu tháng.

Nga cũng đã nhiều lần tuyên bố trong suốt cuộc xung đột rằng họ sẵn sàng đàm phán hòa bình bất cứ lúc nào, đồng thời cáo buộc Kiev từ chối đàm phán. Moskva cũng đã nhiều lần chỉ trích việc phương Tây tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine, lập luận rằng điều đó chỉ kéo dài cuộc xung đột và kéo dài thêm đau khổ cho người dân. Moskva cảnh báo rằng sự tham gia ngày càng sâu rộng của phương Tây vào cuộc chiến Nga-Ukraine cũng gây ra nguy cơ xảy ra đụng độ trực tiếp giữa Nga và NATO.

Phạm Duy (T/h)