Hôm thứ Năm (10/10), một cuộc điều tra của Liên Hiệp Quốc (LHQ) cho biết, họ đã phát hiện ra rằng Israel thực hiện một chính sách phối hợp nhằm phá hủy hệ thống y tế của Gaza trong cuộc chiến với Hamas ở Gaza. Những hành động bị cáo buộc bao gồm cả tội ác chiến tranh và tội ác diệt chủng chống lại loài người.

Lien Hiep Quoc
Cờ Liên Hiệp Quốc. (Ảnh: UN)

Tuyên bố của cựu Cao ủy LHQ về Nhân quyền Navi Pillay kèm theo bản báo cáo đã cáo buộc Israel thực hiện “các cuộc tấn công không ngừng và có chủ ý vào các nhân viên y tế và cơ sở y tế” trong cuộc chiến ở Gaza. Cuộc chiến này khởi nguồn từ cuộc tấn công xuyên biên giới bất ngờ của nhóm chiến binh Hamas vào miền nam Israel vào ngày 7/10/2023, khiến hơn 1.200 người Israel thiệt mạng và khoảng 250 người bị bắt làm con tin. Sau đó, Israel đã tiến hành cuộc tấn công trả đũa dữ dội kéo dài cho đến nay vào Gaza nhằm tiêu diệt Hamas.

Báo cáo của bà Pillay dài 24 trang về 10 tháng đầu của cuộc chiến Israel-Hamas sẽ được trình lên Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào ngày 30/10. Trong báo cáo, bà Pillay nhấn mạnh: “Đặc biệt là trẻ em phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất của những cuộc tấn công này, gánh chịu hậu quả cả trực tiếp và gián tiếp từ sự sụp đổ của hệ thống y tế”. 

Bà Pillay trước đây là nữ thẩm phán đầu tiên của Tòa án Tối cao Nam Phi.

Văn phòng thủ tướng Israel và bộ ngoại giao nước này chưa phản hồi yêu cầu bình luận về báo cáo của LHQ.

Israel trước nay luôn nhấn mạnh rằng các chiến binh Hamas ở Gaza hoạt động ẩn nấp trong các khu vực đông dân cư bao gồm nhà riêng, trường học và bệnh viện. Israel tuyên bố họ sẽ tấn công Hamas bất kỳ nơi đâu mà nhóm chiến binh này xuất hiện, đồng thời cố gắng tránh làm hại dân thường. Tuy nhiên, Hamas phủ nhận việc giấu các chiến binh, vũ khí và sở chỉ huy lẫn trong dân thường.

Cuộc điều tra của LHQ cũng chỉ trích lực lượng Israel cố tình giết hại và tra tấn các nhân viên y tế, nhắm mục tiêu vào các xe y tế và hạn chế cấp giấy phép cho bệnh nhân rời khỏi Dải Gaza đang bị bao vây.

Ví dụ, báo cáo đã dẫn chứng cái chết của một cô gái Palestine có tên Hind Rajab vào tháng Hai. Hai nhân viên y tế cùng với các thành viên trong gia đình cô Rajab đã đến giải cứu cô khỏi hỏa lực của Israel khi họ di tản. Báo cáo cho biết, chiếc xe cứu thương này đã bị trúng đạn xe tăng khi còn cách gia đình 50 mét mặc dù tuyến đường đi của xe cứu thương này đã được điều phối trước với các lực lượng an ninh Israel.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cáo buộc, hơn 10.000 bệnh nhân cần sơ tán y tế khẩn cấp đã bị ngăn không cho rời khỏi Gaza kể từ khi cửa khẩu biên giới Rafah với Ai Cập bị đóng cửa vào tháng Năm. Bộ Y tế Palestine cho biết, gần 1.000 nhân viên y tế đã thiệt mạng ở Gaza trong năm qua, một tổn thất to lớn mà WHO nhận định là “một sự mất mát không thể thay thế và là một đòn giáng nặng nề vào hệ thống y tế”. 

Đề cập đến trường hợp bốn bệnh viện ở Gaza được lực lượng Israel yêu cầu sơ tán, cuộc điều tra của LHQ cho thấy các lệnh này “không khả thi” bởi vì Israel không cho các nhân viên y tế đủ thời gian để sơ tán hàng trăm bệnh nhân và các lực lượng Israel cũng đã không hỗ trợ họ.

Báo cáo cũng cho biết, cách đối xử của Israel đối với những người Palestine bị giam giữ, cũng như cách Hamas đối xử với những người Israel bị bắt làm con tin trong vụ tấn công ngày 7/10 năm ngoái đã được điều tra. Báo cáo của LHQ cáo buộc cả hai bên đều có hành vi tra tấn và bạo lực tình dục.

Ủy ban Điều tra của LHQ được giao thẩm quyền rộng lớn để thu thập bằng chứng và xác định các nghi phạm gây ra tội ác quốc tế ở Israel và ở các vùng lãnh thổ Palestine bị Israel chiếm đóng. Ủy ban này đã đưa ra các phát hiện của mình dựa trên nhiều nguồn, bao gồm phỏng vấn các nạn nhân và nhân chứng, các bản trình bày và hình ảnh vệ tinh.

Trước đó, ủy ban của LHQ đã cáo buộc cả Israel và Hamas đều phạm tội ác  chiến tranh trong giai đoạn đầu của cuộc chiến ở Gaza. Ngoài ra, ủy ban này còn cáo buộc hành động của Israel ở Gaza cấu thành tội ác chống lại loài người vì đã gây ra những tổn thất dân sự to lớn. 

Tội ác chống lại loài người” là thuật ngữ dành cho những tội ác quốc tế nghiêm trọng nhất được cố ý thực hiện như một phần trong cuộc tấn công lan rộng hoặc có hệ thống nhằm vào dân thường.

Israel đã không hợp tác với cuộc điều tra của LHQ mà họ chỉ trích là có thành kiến chống Israel. Ủy ban điều tra của LHQ đã cáo buộc Israel cản trở công việc của họ và ngăn chặn các nhà điều tra tiếp cận các lãnh thổ của cả Israel và Palestine.

Đôi khi, các bằng chứng do các cơ quan được LHQ ủy quyền thu thập đã hình thành cơ sở cho việc truy tố tội ác chiến tranh và có thể được Tòa án Hình sự Quốc tế sử dụng để xét xử.