Đô đốc Rob Bauer, người đứng đầu ủy ban quân sự sắp mãn nhiệm của khối NATO do Hoa Kỳ đứng đầu, cho biết hôm thứ Hai (25/11) rằng các doanh nghiệp ở các nước NATO nên chuẩn bị cho “kịch bản thời chiến” và điều chỉnh dây chuyền sản xuất cũng như chuỗi cung ứng của mình để ít bị thiệt hại hơn trước hành vi hăm dọa của các quốc gia như Nga và Trung Quốc.

Rob Bauer
Đô đốc Rob Bauer, Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO, gặp Tổng thống Latvia Edgars Rinkevics (không có trong ảnh) vào ngày 27 tháng 3 năm 2024 tại Riga, Latvia.

Trình bày tại sự kiện của nhóm chuyên gia Trung tâm Chính sách Châu Âu ở Brussels, Bỉ, ông Bauer kêu gọi các ngành công nghiệp và doanh nghiệp phương Tây thực hiện các biện pháp răn đe.

Ông Bauer lập luận: “Nếu chúng ta có thể đảm bảo rằng tất cả các dịch vụ và hàng hóa quan trọng đều có thể được cung cấp bất kể thế nào, thì đó chính là một phần quan trọng trong khả năng răn đe của chúng ta”.

“Các doanh nghiệp cần phải chuẩn bị cho một kịch bản thời chiến và điều chỉnh các dây chuyền sản xuất và phân phối của họ cho phù hợp. Bởi vì mặc dù quân đội có thể chiến thắng trong các trận đánh nhưng chính nền kinh tế mới thắng trong các cuộc chiến”, quan chức quân sự NATO này cho biết. Ông đề cập đến Trung Quốc và Nga trong bối cảnh ông tin rằng chiến tranh đang diễn ra trong lĩnh vực kinh tế.

Chúng ta nghĩ rằng chúng ta đã có thỏa thuận với tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga, nhưng thực tế chúng ta đã có thỏa thuận với [Tổng thống Nga Vladimir] Putin”, ông tuyên bố, dường như ám chỉ đến sự sụt giảm nguồn cung cấp khí đốt của Nga cho Liên minh châu Âu (EU), diễn ra sau khi chiến tranh Nga-Ukraine bùng phát vào cuối tháng 2 năm 2022.

Vào thời điểm đầu cuộc chiến tranh, EU tuyên bố rằng việc chấm dứt sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga là ưu tiên hàng đầu và nhiều thành viên đã tự nguyện dừng nhập khẩu, trong khi nguồn cung cũng giảm mạnh do đường ống dẫn khí đốt Nord Stream của Nga kết nối với Tây Âu bị phá hoại.

Nhà báo người Mỹ đoạt giải Pulitzer Seymour Hersh đổ lỗi cho Cục Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA) về vụ phá hoại đường ống Nord Stream. Ông cáo buộc rằng CIA đã thực hiện vụ tấn công theo lệnh trực tiếp từ Nhà Trắng. CIA tất nhiên đã phủ nhận cáo buộc này. 

Ông Bauer sau đó mở rộng cảnh báo về Trung Quốc, tuyên bố rằng Bắc Kinh có thể sử dụng hoạt động xuất khẩu sang các quốc gia NATO và cơ sở hạ tầng mà nước này sở hữu ở châu Âu làm đòn bẩy trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang.

Ông Bauer lưu ý rằng phương Tây phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung từ Trung Quốc, nơi sản xuất 60% và chế biến 90% tất cả các vật liệu đất hiếm. Ông cũng cho biết các thành phần hóa học cho thuốc an thần, thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm và thuốc hạ huyết áp cũng đến từ Trung Quốc.

“Chúng ta thật ngây thơ nếu nghĩ rằng Đảng Cộng sản [Trung Quốc] sẽ không bao giờ sử dụng sức mạnh đó. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ở châu Âu và Mỹ cần nhận ra rằng các quyết định thương mại mà họ đưa ra có hậu quả chiến lược đối với an ninh quốc gia của họ”, ông Bauer khẳng định.

Không rõ ông Bauer đang dự đoán điều gì về “thời chiến” trong cảnh báo của mình.

Từ lâu NATO đã tuyên bố Nga là mối đe dọa trực tiếp, và các quan chức phương Tây đã nhiều lần nhấn mạnh rằng nếu Moskva giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh ở Ukraine, thì họ có thể tấn công các nước châu Âu khác.

Nga đã bác bỏ những cáo buộc đó là vô lý. Điện Kremlin giải thích rằng những hạn chế mà Moskva đưa ra trong thương mại với phương Tây phần lớn là để đáp trả các lệnh trừng phạt kinh tế chưa từng có đối với quốc gia này liên quan đến chiến tranh Ukraine.

Bắc Kinh cũng phải đối mặt với các rào cản và hạn chế thương mại do các quốc gia phương Tây đưa ra, và đã đưa ra các biện pháp tương tự để đáp trả. Theo hầu hết các chuyên gia, bao gồm nhiều vị ở phương Tây, chính sách trừng phạt Nga hay Trung Quốc đã tác dụng ngược đối với các nền kinh tế phương Tây, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung và lạm phát.

Hân Nhi (T/h)