Đối mặt với tội ác diệt chủng, người Đức thất hứa vì lợi ích kinh tế
- Minh Nhật
- •
Ngày 15/2 vừa qua, tạp chí nhân quyền Bitter Winter có trụ sở tại Ý đã đăng tải một bài bình luận của Tổng Thanh tra tổ chức Quốc hội Duy Ngô Nhĩ Quốc tế, ông Abdulhakim Idris, bình luận về thỏa thuận thương mại mới đây giữa Liên minh Châu Âu với Trung Quốc trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đã biết đến các cáo buộc về việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang thực hiện hành vi diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương, cùng nhiều tội ác khác. Ông Idris cho rằng người Đức đã thất hứa khi đối diện với tội ác diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ vì lợi ích kinh tế, ám chỉ sự can thiệp mạnh mẽ vào phút chót của Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình để thông qua Hiệp định đầu tư Trung Quốc – Liên minh Châu Âu, bất chấp sự phản đối của một số nước thành viên EU khác, đặc biệt là Pháp.
Mở đầu bài bình luận, ông Idris nhắc lại thông điệp “Never Again!” (Không bao giờ nữa!) ở trại tập trung Dachau tại Đức như một lời hứa của các quốc gia, nhất là của người Đức và Châu Âu, rằng họ sẽ không bao giờ tiếp tục thờ ơ khi tội ác diệt chủng xảy ra, giống như họ đã từng làm trong cuộc diệt chủng Do Thái tại Đức.
Tuy nhiên, trong khi ký ức của cuộc Thế Chiến II vẫn còn hiện hữu, trong khi Đức đã đưa ra lời xin lỗi bởi các công ty hàng đầu của nước này đồng lõa với chế độ diệt chủng của Hitler, và trong khi có quá nhiều bằng chứng và tài liệu chứng minh cho việc ĐCSTQ thực hiện tội ác diệt chủng đối với các dân tộc thiểu số tại Tân Cương, thì Liên minh Châu Âu do Đức dẫn đầu lại ngồi vào bàn đàm phán với Trung Quốc và thông qua một hiệp định thương mại.
Thủ tướng Đức Willy Brandt quỳ gối trước bức tượng được dựng lên để tưởng nhớ các nạn nhân của khu tập trung Do Thái Warsaw vào ngày 7/12/1970. Đây là lời xin lỗi nổi tiếng nhất của người Đức đối với các nạn nhân nói riêng và đối với nhân loại nói chung.
Nghiên cứu hệ thống mà chế độ Đức Quốc Xã do Đảng Công nhân Quốc gia Xã hội chủ nghĩa Đức lãnh đạo thực hiện, ông Idris cho rằng nó đặc biệt tương đồng với hệ thống mà chế độ cộng sản Trung Quốc dựng lên tại Tân Cương. Thời đó, Đức Quốc Xã đã nô lệ hóa các công nhân bên trong các trại tập trung, buộc họ làm việc cho các công ty hợp tác với đảng này. Một ví dụ là Hugo Boss, người sáng lập thương hiệu thời trang cùng tên, đã gia nhập Đảng Công nhân Quốc gia Xã hội chủ nghĩa Đức thời bấy giờ. Ông ta đã hợp tác với đảng này để sản xuất quân phục cho Hitler. Những người bị bắt giữ tại Ba Lan và Pháp đã bị buộc đến lao động cưỡng bức tại các nhà máy của Hugo Boss.
Một ví dụ khác về sự đồng lõa của các công ty Đức trong tội ác của Hitler là công ty sản xuất phụ tùng ô-tô Continental. Trong Thế Chiến II, khoảng 10.000 người từ các trại tập trung đã làm việc như nô lệ trong các nhà máy của Continental. Sau khi lên nắm quyền, Đức Quốc Xã đã đuổi các ông chủ Do Thái của Continental, sau đó sử dụng công nhân nô lệ từ Pháp và Bỉ, cưỡng ép họ sản xuất lốp xe, bình khí chống đạn và mặt nạ phòng độc cho quân đội Đức.
Ông Idris cho rằng ngày nay, thế giới đang phải đối mặt với một tội ác, một cuộc khủng hoảng tương tự. Trung Quốc là nhà sản xuất bông lớn nhất thế giới. Do những lợi thế về nguyên liệu và tay nghề, các thương hiệu như Zara, Marks & Spencer, Nike, Adidas thuê sản xuất sản phẩm của họ tại các khu công nghiệp được xây dựng bên cạnh các trại tập trung ở Tân Cương. Các nhà máy này đã sử dụng người Duy Ngô Nhĩ làm nô lệ lao động.
“Các công ty phương Tây sẽ không thể xóa được vết nhơ này trong tương lai, cũng như Hugo Boss vẫn chưa xóa được vết nhơ về việc đã quyết định sản xuất cho Đức Quốc Xã”, ông Idris nói.
Ông Idris cũng nhấn mạnh trường hợp của BMW. 75 năm trước, cổ đông lớn nhất của BMW, gia đình Quandt, đã khiến 50.000 người phải lao động như nô lệ trong Thế Chiến II để sản xuất trang thiết bị quân sự cho quân đội Đức Quốc Xã. Vào ngày kỷ niệm 100 năm thành lập công ty, BMW đã tuyên bố rằng: “Cho đến nay, nỗi đau khổ to lớn mà điều này đã gây ra và số phận của nhiều công nhân bị cưỡng bức vẫn là chủ đề của sự tiếc nuối sâu sắc nhất”. Mặc dù vậy, các hãng sản xuất ô tô của Đức như Mercedes-Benz và BMW lại một lần nữa bị nhắc đến trong số những công ty thu lợi từ việc lạm dụng lao động nô lệ người Duy Ngô Nhĩ.
“Các công ty Đức, những công ty có tên tuổi gắn liền với cuộc diệt chủng của Đức Quốc Xã trong Thế Chiến II, nay lại một lần nữa phạm phải tội lỗi tương tự, khi thông đồng với cuộc diệt chủng tại Trung Quốc”, ông Idris viết.
Ông Idris chỉ ra, cựu Thủ tướng Đức Helmut Schmidt chính là người đã mở đường cho ĐCSTQ thống trị thế giới, khi đưa ra học thuyết “hội nhập kinh tế”, và cho rằng Trung Cộng sẽ từ bỏ chủ nghĩa cộng sản cũng như tư duy độc tài khi trở nên giàu có.
Đồng thời, sự phát triển của mối quan hệ kinh tế lâu năm giữa Đức và Trung Quốc đã khiến Đức phải im lặng trước các chính sách độc tài của Trung Cộng, đặc biệt là vi phạm nhân quyền. Ngay cả khi đại dịch virus Trung Cộng bùng phát và đưa thế giới đến bờ vực thảm họa do sự che giấu và đàn áp của chế độ thì Thủ tướng Angela Merkel vẫn im lặng trước những lời kêu gọi lên tiếng về vấn đề Hồng Kông, Tây Tạng và Tân Cương. Thậm chí vào tháng 5/2020, giữa đại dịch, nhà sản xuất hóa chất BASF của Đức vẫn quyết định đầu tư 10 tỷ USD vào Trung Quốc.
Jürgen Heraeus, hiện là một tỷ phú của Đức. cho rằng chính phủ Đức và các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp Đức chỉ nên đánh giá các vấn đề từ khía cạnh kinh tế. “Chúng ta không thể đánh giá Trung Quốc bằng các giá trị văn hóa và con người của chúng ta”, ông này nói.
Ông Idris cho biết cách nói chuyện này đã xuất hiện từ thời Thế Chiến II. Đơn cử như công ty Topf & Sons của Đức đã từng sản xuất lò nung đặc chế để hỏa thiêu thi thể của người Do Thái bị giết bởi khí độc. Công ty này viết trong thư gửi các sĩ quan Đức Quốc Xã rằng “rất hân hạnh được hợp tác với các bạn”. Nhà báo Jacek Lepiarz của tờ Deutsche Welle nổi tiếng đã viết rằng các lãnh đạo Topf & Sons biết Đức Quốc Xã đang diệt chủng người Do Thái, nhưng họ chỉ coi việc sản xuất lò hỏa thiêu là “công việc kinh doanh”.
Ông Idris cho rằng sự tương đồng đáng kinh ngạc trong tư duy của bà Merkel, các tỷ phú Đức và giới doanh nghiệp Đức ngày nay với tư duy của Topf & Sons đã khiến lịch sử lặp lại. Chế độ Cộng sản Trung Quốc nói rằng họ sẽ hội nhập với thế giới và “làm cho mọi thứ trở nên to lớn hơn”, trong khi nó vẫn gây ra tội ác diệt chủng ở Tân Cương trước mặt toàn thế giới.
“Một số người phương Tây bàng quan nhìn một con quái vật mà họ đã tự tay nuôi nấng phá hủy mọi giá trị của phương Tây và thống trị thế giới, với nụ cười giả tạo trên khuôn mặt họ như thể không có chuyện gì xảy ra.”
Ông Idris cho rằng nếu thỏa thuận mà bà Merkel dẫn dắt Liên minh Châu Âu ký kết được tất cả các quốc gia phê chuẩn và có hiệu lực, châu Âu sẽ bị ràng buộc vào quỹ đạo kinh tế mà Trung Cộng kiểm soát. Mặt khác, “Trung Quốc, nước vi phạm tất cả các công ước quốc tế mà họ đã ký kết cho đến nay, sẽ không đóng cửa các trại tập trung ở Tân Cương cũng như chấm dứt chế độ nô lệ của người Duy Ngô Nhĩ, mà ngược lại còn đẩy nhanh những hành động tàn bạo này.”
Các nhà hoạt động nhân quyền và các nghị sĩ quan tâm đến vấn đề nhân quyền trên thế giới đang lên án tội ác của ĐCSTQ tại Tân Cương hết sức gay gắt. Trong một bài diễn thuyết vào đầu tháng 1, Cựu quốc vụ khanh Canada về Châu Á – Thái Bình Dương, ông David Kilgour, cho biết:
“Năm 2017, Tập Cận Bình bắt đầu xây dựng trại tập trung ‘cải tạo’ cho các cộng đồng Hồi giáo, tương tự như những trại tập trung dành cho người tập Pháp Luân Công vào khoảng giữa năm 1999 [dưới thời Giang Trạch Dân]. Cả hai mạng lưới đều tiếp nhận các tù nhân bị cảnh sát bắt giữ mà thậm chí không cần qua thủ tục điều trần, xét xử hoặc kháng cáo – một cách làm nghiệt ngã được phát minh ở Liên Xô dưới thời Stalin.”
Ông David Kilgour đã dẫn nghiên cứu của nhà báo điều tra độc lập được đề cử giải Nobel Hòa Bình, Ethan Gutmann, rằng “ước tính nội tạng của 65.000 người tập Pháp Luân Công và 2000-4000 người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng và người theo Kitô giáo đã bị ‘thu hoạch’ từ năm 2000 đến năm 2008.”
Ông David Kilgour lưu ý rằng kể từ năm 2017, một chương trình thu thập DNA toàn diện từ mọi đàn ông, phụ nữ và trẻ em Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương đã tạo ra một ngân hàng nội tạng tiềm năng cho việc thu hoạch tạng. Đồng thời việc giam giữ lên đến 3 triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các trại tập trung Tân Cương kể từ năm 2017 đã làm tăng thêm lo ngại rằng họ đã trở thành một nhóm người đặc biệt dễ bị tổn thương.
Trước đó, ông Enver Tohti, một cựu bác sĩ từng làm chứng về việc bản thân tham gia vào việc thu hoạch tạng tại Tân Cương, hiện đang tị nạn tại Anh, đã công khai một bức ảnh về Con đường xanh vận chuyển nội tạng người (HOTGP) tại sân bay Ürümqi, Tân Cương. Theo đó, sân bay này đang xúc tiến việc vận chuyển nội tạng đến những người nhận tạng trên toàn cầu. Ảnh chụp biển báo làn đường ưu tiên được đánh dấu “Hành khách đặc biệt, Làn đường xuất khẩu nội tạng người” đã lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội.
Ngày 18/11/2020, Đài Á Châu Tự do đăng tải một thông tin hết sức đáng lo ngại. Theo đó, một bệnh viện điều trị các bệnh truyền nhiễm tại thành phố Aksu (dân số 600.000) ở Tân Cương đã được chuyển thành trại giam giữ cấp độ 2. Gần đó có một lò hỏa táng lớn được xây dựng, và “hành lang xanh” để vận chuyển nhanh nội tạng tại sân bay Aksu gần đó cũng được thiết lập.
Minh Nhật
Xem thêm:
- Chuyên gia đầu ngành phẫu thuật Anh nói về tội ác thu hoạch tạng
- 65 nghị sĩ Quốc hội Pháp ký dự luật chặn tội ác thu hoạch nội tạng
- Áo và Bỉ lên tiếng về hoạt động thu hoạch nội tạng của Bắc Kinh
Mời xem video:
Từ khóa đàn áp người Duy Ngô Nhĩ tội ác diệt chủng Thu hoạch nội tạng Dòng sự kiện