Áo và Bỉ lên tiếng về hoạt động thu hoạch nội tạng của Bắc Kinh
- Eva Fu
- •
Hoạt động thu hoạch nội tạng sống từ tù nhân lương tâm của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc một lần nữa được đưa ra vào tháng 6/2020 khi hai nước châu Âu đều lên tiếng phản đối tội ác này.
Trong nhiều thập kỷ, chế độ Trung Quốc đã phải đối mặt với các cáo buộc về hành vi giết tù nhân lương tâm hàng loạt để rao bán tạng của họ trên thị trường cấy ghép. “Chúng tôi rất quan tâm đến điều này, thật không thể chịu đựng được [ý nghĩ về hành vi đó]”, nghị sĩ Áo Gudrun Kugler chia sẻ vào ngày 23/6/2020, sau khi Nghị quyết chống buôn bán nội tạng người do bà đề xuất được Ủy ban Nhân quyền của Quốc hội Áo nhất trí thông qua.
“Hết lần này đến lần khác, các báo cáo về hành vi buôn bán nội tạng người bất hợp pháp tại Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa đã xuất hiện, chống lại tất cả tiêu chuẩn nhân quyền và đạo đức”, văn phòng của bà Kugler viết trong một tuyên bố.
Bà Kugler nói thêm, người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, người tập Pháp Luân Công và tín đồ Kitô giáo là 3 trong số những nhóm dân tộc thiểu số và tôn giáo trở thành nạn nhân của hành vi này.
Nghị quyết yêu cầu chính phủ Áo bảo vệ nạn nhân của hành vi buôn bán nội tạng bằng cách hợp tác với các cơ quan quốc tế, như Hội đồng Y tế Thế giới, Văn phòng Liên Hợp Quốc về Ma túy và Tội phạm, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền và Hội đồng Châu Âu, để hỗ trợ các vấn đề xung quanh tội ác này bất cứ lúc nào có thể.
Theo đó, quyết định này của Quốc hội Áo là nhằm đáp lại một thỉnh nguyện thu thập chữ ký của công dân Áo hồi tháng 10 năm ngoái, trong đó tuyên bố: “Người Áo chúng tôi không muốn nội tạng tới từ Trung Quốc, những nội tạng đã khiến những người vô tội bị giết hại.”
Bình luận về sự việc này, Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp tại Áo, một tổ chức của những người tập Pháp Luân Công bên ngoài Trung Quốc, đã hoan nghênh hành động của quốc hội Áo và cho biết rằng nghị quyết xuất hiện vào một thời điểm quan trọng, trong bối cảnh chế độ Trung Quốc đang ngày càng vi phạm nhân quyền nghiêm trọng hơn, và sẽ áp dụng luật an ninh quốc gia Hồng Kông. Trong một thông cáo báo chí ngày 25/6/2020, Trung tâm này đã bày tỏ sự lo lắng cho những người tập Pháp Luân Công tại Hồng Kông, những người có thể sẽ trở thành nạn nhân của nạn thu hoạch nội tạng có hệ thống sau khi luật an ninh quốc gia Hồng Kông từng bước được áp dụng.
Vào ngày 12/6/2020, Bỉ cũng phê chuẩn một nghị quyết lên án việc tiếp tục hành vi cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc. Trong một dự luật được thông qua vào tháng 4/2019, quốc gia này đã chính thức cấm công dân của mình đi du lịch nước ngoài để cấy ghép nội tạng. Những người vi phạm có thể phải đối mặt với án tù lên tới 20 năm với mức phạt 1,2 triệu Euro.
Tháng 8/2019, Ủy ban Cộng hòa Quốc gia Hoa Kỳ gồm 168 thành viên đã nhất trí thông qua một nghị quyết gọi thu hoạch nội tạng là “hành vi đồi bại”. Vào tháng 5, Ủy ban về Nguy cơ hiện tại: Trung Quốc (CPDC) của Hoa Kỳ cũng kiến nghị 12 điều lên tổng thống Donal Trump và Quốc hội Hoa Kỳ, trong đó gọi thu hoạch nội tạng là tội ác “diệt chủng” (organ genocide).
Vào tháng 6/2019, sau một cuộc điều tra kéo dài 1 năm, xem xét lời khai từ hơn 50 nhân chứng, một tòa án nhân dân độc lập có trụ sở tại London, Anh, đã kết luận rằng việc thu hoạch nội tạng đã diễn ra ở Trung Quốc trong nhiều năm và trên quy mô đáng kể.
Chủ tọa của tòa, ngài Geoffrey Nice, một luật sư danh tiếng từng phụ trách truy tố cựu Tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic tại Tòa án Hình sự Quốc tế vì tội ác chiến tranh, đã nói: “Kết luận cho thấy rất nhiều người đã chết một cái chết đáng sợ khó có thể diễn tả, và rằng có nhiều người sẽ phải chịu đựng những điều tương tự.”
Phán quyết cuối cùng của tòa án cũng cho biết “không có bằng chứng nào” cho thấy hành vi lạm dụng cấy ghép tạng này đã chấm dứt, và gọi đây là hành vi “vi phạm lớn nhất đối với nhân quyền của một con người”.
Theo Epoch Times
Tác giả: Eva Fu
Minh Nhật biên dịch
Từ khóa Thu hoạch nội tạng Cấy ghép nội tạng Du lịch ghép tạng Dòng sự kiện