Đức đạt thỏa thuận với nửa thành viên EU về nhận lại người nhập cư
- Xuân Thành
- •
Thủ tướng Đức Angela Merkel được cho là đã đạt được thỏa thuận với 14 nước thành viên Liên minh Châu Âu (EU) về việc nhanh chóng nhận lại những người di cư tới Đức sau khi đã đăng ký tị nạn ban đầu ở một nước khác trong nội khối. Thỏa thuận này hy vọng sẽ giúp bà Merkel giải quyết được bất đồng vài tuần qua về vấn đề nhập cư trong chính phủ liên minh của bà.
Thông tin nêu trên do hãng thông tấn DPA (Đức) thông báo hôm thứ Bảy (30/6). DPA cho biết thêm rằng bà Merkel cũng nói bà muốn thiết lập “các trung tâm mỏ neo” tại biên giới Đức để xử lý vấn đề người nhập cư.
Theo DPA, thông báo của Thủ tướng Merkel là trong một lá thư bà gửi tới các lãnh đạo của Đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU), Đảng Liên minh Xã hội Thiên chúa giáo (CSU), cũng như một đảng nhỏ khác trong chính phủ liên minh – Đảng Dân chủ Xã hội. Thủ tướng Đức gửi tới các lãnh đạo trong liên minh kết quả mà bà đã đạt được với các thành viên EU sau hai ngày họp thượng đỉnh tại Brussels.
Bà Merkel đang cố gắng chấm dứt mâu thuẫn với Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer – lãnh đạo Đảng CSU, người có quan điểm cứng rắn về nhập cư.
Ông Seehofer đã đe dọa sẽ trả lại những người nhập cư vào nước Đức sau khi đã bị Đức từ chối hoặc họ đã đăng ký xin tị nạn đầu tiên ở một nước khác trong EU.
Bà Merkel phản bác cách tiếp cận này của lãnh đạo CSU, thay vào đó Thủ tướng Đức nhấn mạnh tới giải pháp toàn EU về vấn đề nhập cư để duy trì sự thống nhất nội khối. Tranh cãi này đã dấy lên khả năng tan rã liên minh bảo thủ lâu đời giữa CSU và CDU, nếu ông Seehofer vẫn hướng tới động thái đơn phương.
Theo hãng tin AP, cả CDU và CSU trong ngày Chủ Nhật (1/7) sẽ tổ chức các cuộc họp nội bộ đảng để thảo luận về các nỗ lực mới nhất của bà Merkel về vấn đề nhập cư và vạch ra các bước đi tiếp theo.
Được biết, sau thượng đỉnh EU hai ngày, kết thúc vào rạng sáng thứ Sáu 29/6 (giờ Brussels), bà Merkel đã đạt được thỏa thuận với Hy Lạp và Tây Ban Nha về việc hai nước này sẽ nhận lại những người nhập cư vào Đức trước đó đã đăng ký tại nước họ. Toàn bộ 28 thành viên EU cũng đã ký thỏa thuận chung để giảm áp lực nhập cư vào EU.
Theo DPA, trong lá thư 8 trang gửi tới các lãnh đạo liên minh, bà Merkel đã nói rằng bà cũng đã đạt được thỏa thuận đảm bảo của 14 nước EU về việc nhận lại người nhập cư đang ở Đức mà trước đó đã đăng ký tị nạn ở các nước thành viên khác.
Một nửa số thành viên EU đồng ý nhận lại người nhập cư có Hungary, Ba Lan, Cộng hòa Czech – những nước từng chỉ trích mạnh mẽ đề xuất của Đức, ngoài ra còn có Bỉ, Pháp, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Lithuania, Latvia, Luxembourg, Hà Lan, Bồ Đào Nha và Thụy Điển.
Thủ tướng Đức cũng ủng hộ việc thành lập các trung tâm xử lý nhập cư khắp EU, trong đó cũng đặt tại khu vực biên giới Đức. Theo DPA, những trung tâm tại Đức như vậy là để kiểm soát những người nhập cư thứ cấp vào Đức từ một thành viên khác của EU và thành viên đó chưa ký thỏa thuận song phương về việc nhận lại người nhập cư.
Hiện tại vẫn không rõ liệu giải pháp kép về thỏa thuận song phương và thỏa thuận chung toàn khối EU về vấn đề nhập cư mà bà Merkel đạt được có đủ để xoa dịu CSU hay chưa.
Nhà lập pháp hàng đầu của CSU, Markus Soeder – Thủ hiến bang Bavaria, hôm thứ Bảy (30/6) đã lên tiếng hoan nghênh thỏa thuận chung EU vừa đạt được là vượt hơn những gì đảng của ông kỳ vọng. Tuy nhiên, ông Soeder cũng cho rằng CSU vẫn để mở khả năng đưa ra các biện pháp đơn phương về nhập cư.
Áo là nước có đường biên giới chung với Đức, Thủ tướng Sebastian Kurz thông qua tờ Bild đã lặp lại cảnh báo rằng nếu bang Bavaria, miền nam nước Đức thực thi các biện pháp đơn phương, thì sẽ tạo ra “hiệu ứng domino” kéo Áo và các nước EU khác lần lượt đóng cửa biên giới.
“Mục tiêu của chúng ta là duy trì giải pháp chung toàn khối EU với việc bảo vệ trật tự biên giới rìa ngoài EU, thiết lập các trung tâm [tị nạn] ở các nước thứ Ba. Bằng cách đó, chúng ta cũng có thể duy trì một EU không có đường biên giới nội bộ”, ông Kurz nhấn mạnh.
Xuân Thành
Xem thêm:
Từ khóa Angela Merkel liên minh châu Âu chính sách nhập cư