Lãnh đạo các nước EU đạt được thỏa thuận về nhập cư
- Thanh Long
- •
Sau những cuộc đàm phán căng thẳng kéo dài suốt đêm thứ Năm 28/6 (giờ Châu Âu), lãnh đạo các nước Liên minh Châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận về nhập cư, trong đó trọng điểm là việc thiết lập các trung tâm nhập cư khắp EU.
Chủ tịch Hội đồng EU Donald Tusk hôm 28/6 đã xác nhận trên Twitter rằng 28 lãnh đạo EU đã đồng ý về một thỏa thuận nhập cư tại hội nghị hai ngày ở Brussels.
Ý, nước đang là điểm đến của hàng ngàn dân nhập cư, ban đầu đã đe dọa sẽ phủ quyết những kết luận của toàn bộ chương trình nghị sự của nhóm nếu họ không nhận được sự giúp đỡ của các nước thành viên khác về vấn đề này.
Các cuộc đàm phán diễn ra căng thẳng cho tới rạng sáng thứ Sáu 29/6 (giờ Brussels), cuối cùng các bên mới đạt được thỏa thuận về thiết lập các trung tâm nhập cư tại các nước EU.
Trước khi đạt được thỏa thuận nhập cư, Thủ tướng Ý Giuseppe Conte đã kêu gọi thay đổi căn bản về chính sách nhập cư của EU.
Tân thủ tướng theo đường lối bảo thủ của nước Ý nói rằng đất nước của ông đã nhận được rất ít sự hỗ trợ từ các nước khác cho dù Ý là điểm đến đầu tiên mà người di cư vượt biển Địa Trung Hải tiếp cận.
“Ý không cần bất kỳ lời nói suông nào nữa, mà cần những hành động cụ thể”, ông Conte nhấn mạnh.
Sau khi các nước đạt được thỏa thuận, Thủ tướng Ý cho biết: “Sau thượng đỉnh EU này, EU có trách nhiệm hơn và vun đắp thêm tình đoàn kết. Hôm nay Ý không còn một mình nữa”.
Ngoài việc thống nhất sẽ thành lập các trung tâm xử lý nhập cư khắp EU, các nước thành viên cũng đồng ý một số các biện pháp khác:
– Tăng cường kiểm soát biên giới bên ngoài, và thúc đẩy tài chính cho Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Bắc Phi.
– Thăm dò khả năng của “các nền tảng đổ bộ khu vực” nhằm mục đích phá vỡ mô hình kinh doanh của các băng nhóm buôn người bằng cách xử lý người tị nạn và di cư ở khu vực bên ngoài EU. Tuy nhiên, khả năng các nước Bắc Phi thiết lập các trung tâm như vậy trên lãnh thổ của họ là rất khó khăn. Ma-rốc hôm thứ Năm (28/6) đã tiếp tục từ chối ý tưởng này.
– Các nước thành viên đồng ý thực hiện các biện pháp nội bộ để ngăn chặn người nhập cư di chuyển nội khối EU, hay còn gọi là di cư thứ cấp.
– Tăng cường nỗ lực “ngăn chặn sự phát triển các tuyến đường biển, đường bộ mới” vào Châu Âu.
– Đầu tư nhiều hơn vào Châu Phi để giúp lục địa này đạt được “sự chuyển dịch kinh tế xã hội thực chất”, từ đó người dân ở đây không cần phải rời bỏ đất nước mới có cuộc sống tốt đẹp hơn.
– Tiếp tục làm việc để cải cách chính sách tị nạn EU, bao gồm các thay đổi đối với cái được gọi là quy định Dublin, theo đó người di cư phải được xem xét xin tị nạn ở nước an toàn đầu tiên mà họ đến.
Thanh Long
Từ khóa thỏa thuận nhập cư liên minh châu Âu chính sách di cư