Chính phủ Đức đã công bố kế hoạch áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn trên toàn tuyến biên giới đất liền trong nỗ lực mà Berlin nói là để giải quyết vấn đề di cư bất hợp pháp và bảo vệ công chúng khỏi các mối đe dọa như chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo.

Nancy Faeser
Bộ trưởng Nội vụ Nancy Faeser và Bộ trưởng Tư pháp Marco Buschmann phát biểu với truyền thông sau chuyến thăm tới trung tâm chống khủng bố GTAZ của Đức vào ngày 26 tháng 8 năm 2024 tại Berlin, Đức. (Nguồn ảnh: Sean Gallup/Getty Images)

Bộ trưởng Nội vụ Nancy Faeser hôm thứ Hai (9/9) nói rằng các biện pháp kiểm soát, trong đó có tái áp dụng kiểm soát hộ chiếu, trong phạm vi vốn là khu vực tự do đi lại rộng lớn – khu vực Schengen của châu Âu – sẽ bắt đầu vào ngày 16 tháng 9 và kéo dài trong sáu tháng nếu không được gia hạn thêm.

Theo Bộ trưởng Faeser, các biện pháp này nhằm mục đích trấn áp những người nhập cảnh vào Đức mà không có thị thực và giải quyết các mối đe dọa từ “các nhóm khủng bố Hồi giáo” và tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.

Bà Faeser cho biết chính phủ cũng đã lập kế hoạch cho phép các nhà chức trách từ chối nhiều người nhập cư hơn trực tiếp tại biên giới Đức, nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết về động thái gây tranh cãi và phức tạp về mặt pháp lý này.

Các hạn chế này là một phần trong một loạt các biện pháp mà Đức đã thực hiện để thắt chặt vấn đề nhập cư bất hợp pháp trong những năm gần đây sau khi lượng người nhập cư tăng đột biến, đặc biệt là những người chạy trốn chiến tranh và đói nghèo ở Trung Đông.

Chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz cũng đang tìm cách giành lại sáng kiến kiểm soát chặt chẽ nhập cư từ phe đối lập cực hữu và phe bảo thủ. Các phe phái này gần đây đã nhận được ủng hộ gia tăng khi họ khai thác mối lo ngại của cử tri về các dịch vụ công, hội nhập và an ninh.

Chúng tôi đang tăng cường an ninh nội bộ và tiếp tục đường lối cứng rắn chống lại tình trạng nhập cư bất hợp pháp“, bà Faeser nói, và lưu ý thêm rằng chính phủ Đức đã thông báo cho Ủy ban châu Âu và các nước láng giềng về các biện pháp kiểm soát dự kiến.

Các vụ tấn công bằng dao chết người gần đây tại Đức mà nghi phạm là người xin tị nạn đã làm dấy lên mối lo ngại về vấn đề nhập cư. Nhóm Nhà nước Hồi giáo đã nhận trách nhiệm về một vụ tấn công bằng dao ở thành phố Solingen ở miền tây khiến ba người thiệt mạng vào tháng Tám.

Đầu tháng Chín này, đảng AfD (Con đường khác cho nước Đức) đã trở thành đảng cực hữu đầu tiên kể từ Thế chiến II giành chiến thắng trong cuộc bầu cử cấp tiểu bang tại Thuringia, sau khi vận động mạnh mẽ về vấn đề thắt chặt nhập cư.

Các cuộc thăm dò cho thấy vấn đề nhập cư cũng là mối quan tâm hàng đầu của cử tri tại tiểu bang Brandenburg, nơi sẽ tổ chức bầu cử trong hai tuần nữa.

Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) trung tả của Thủ tướng Scholz và Bộ trưởng Faeser đang đấu tranh để giữ quyền kiểm soát chính quyền tại Brandenburg, trong một cuộc bỏ phiếu được coi là phép thử sức mạnh của SPD trước cuộc bầu cử liên bang vào năm 2025.

Chính phủ của Thủ tướng Scholz được cho là cũng đã đang thảo luận về việc giải quyết vấn đề nhập cư với các đảng đối lập chính thống, Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) và Liên minh Xã hội Thiên chúa giáo (CSU).

Năm ngoái, Berlin cũng đã công bố các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với tuyến biên giới trên bộ giáp với Ba Lan, Cộng hòa Séc và Thụy Sĩ. Những biện pháp đó và cùng với kiểm soát biên giới với Áo đã cho phép Đức trả lại 30.000 người nhập cư kể từ tháng 10 năm 2023, chính quyền Đức cho biết vào thứ Hai (9/9).

Bà Faeser nói rằng một mô hình mới sẽ cho phép chính quyền trở lại nhiều người nhập cư hơn nữa – nhưng họ không thể nói về mô hình này trước khi có các cuộc đàm phán bí mật với phe bảo thủ.

Tuy nhiên, các biện pháp kiểm soát của Berlin có thể thử thách sự thống nhất của châu Âu nếu chúng dẫn đến việc chính quyền Đức yêu cầu các quốc gia khác tiếp nhận lại một số lượng lớn người xin tị nạn và người nhập cư.

Theo các quy định của Liên minh châu Âu (EU), các quốc gia trong khu vực Schengen, bao gồm hầu hết các thành viên EU ngoại trừ Síp và Ireland, chỉ được phép áp dụng kiểm tra biên giới như một biện pháp cuối cùng để ngăn chặn các mối đe dọa đối với an ninh nội bộ hoặc chính sách công.

Đức có chung đường biên giới trên bộ dài hơn 3.700 km với Đan Mạch, Hà Lan, Bỉ, Luxembourg, Pháp, Thụy Sĩ, Áo, Cộng hòa Séc và Ba Lan.

Bộ trưởng Nội vụ Áo Gerhard Karner trả lời tờ Bild vào thứ Hai (9/9) rằng đất nước của ông sẽ không tiếp nhận bất kỳ người di cư nào bị Đức từ chối tại biên giới.

Không có chỗ cho sự điều động ở đó“, ông Karner nói.

Theo số liệu thống kê của chính phủ, số lượng đơn xin tị nạn tại Đức đã giảm 21,7% trong tám tháng đầu năm 2024 này.

Theo ước tính chính thức, người nhập cư chiếm khoảng 18% dân số Đức. Trong số đó, gần 40% mới chỉ sống ở nước này chưa đầy 10 năm.