Foreign Policy: “Virus Trung Quốc” lây lan dọc theo “con đường tơ lụa mới”
- Salvatore Babones
- •
Các nền dân chủ phương Tây có thể thua cuộc trong cuộc chiến tuyên truyền về virus corona, nhưng Trung Quốc chắc chắn sẽ không thể chiến thắng.
Mối quan hệ của Ý với Trung Quốc bắt đầu từ Con đường Tơ lụa – một tuyến đường bộ được sử dụng từ thời cổ đại bởi các thương nhân trao đổi hàng hóa. Các thương nhân người Venice, Niccolò và Maffeo Polo, đã đến thăm Bắc Kinh vào năm 1266, trở thành một trong những người Tây Âu đầu tiên đến Trung Quốc. Năm 1271, họ lên đường lần thứ hai, cùng với Marco, cậu con trai nhỏ của Niccolò. Mặc dù họ đến Trung Quốc bằng đường bộ dọc theo Con đường Tơ lụa qua Trung Á, nhưng cuối cùng họ trở về Ý bằng đường biển, dọc đường họ ghé thăm Sumatra, Sri Lanka và Gujarat. Tấm bản đồ về các chuyến đi của họ trông không giống với những bản đồ của Sáng kiến Vành đai và Con đường, vốn được truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa ra gần đây. Đôi khi, sáng kiến Vành đai và Con đường này được gọi tên một cách chính xác hơn là Con đường Tơ lụa Mới, bao gồm một mạng lưới cơ sở hạ tầng giao thông đã được lên kế hoạch, do Trung Quốc tài trợ, để liên kết đất nước này với châu Âu, châu Phi và phần còn lại của châu Á.
Gần 50 năm sau khi gia đình Polo trở về từ Trung Quốc, một đợt dịch hạch bùng phát đã được truyền nhiễm theo những con đường rất giống với Con đường Tơ lụa từ Trung Quốc đến phương Tây, nơi căn bệnh này được gọi là Cái chết Đen. Nó được cho là đã lan truyền trên cả đất liền và trên biển, có nguồn gốc từ Trung Quốc, và lan theo các tuyến thương mại đến châu Âu và Trung Đông. Cả hai tuyến đường cuối cùng đều hội tụ ở Ý, nơi bệnh dịch hạch đã giết chết tới 75% dân số ở một số vùng tại quốc gia này. Các thương nhân quốc tế tại miền Bắc nước Ý có thể đã đóng một vai trò quan trọng trong việc truyền nhiễm bệnh dịch hạch sang phần còn lại của châu Âu.
Giống như Cái chết Đen, virus corona hiện đã giết chết nhiều người bên ngoài Trung Quốc hơn bên trong chính quốc gia này. Các nước châu Âu như Ý, Tây Ban Nha và Pháp, thậm chí cả Thụy Sĩ giàu có đã chứng minh rằng các nước này đang phải rất nỗ lực để có thể chống chọi với virus corona. Phản ứng của Mỹ thì rời rạc và nhiều lúc hỗn loạn. Có vẻ như thành phố New York đang nhanh chóng biến thành Vũ Hán tiếp theo.
Tuy nhiên, khi virus corona tàn phá phương Tây, Trung Quốc đã thành công trong việc đưa ra lời tuyên truyền về lợi thế của mình. Trung Quốc đã gửi khẩu trang, mặt nạ phòng độc, và thậm chí cả bác sĩ chuyên khoa đến quê hương của Marco Polo, vào thời điểm phần lớn các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu của Ý bỏ qua lời kêu gọi giúp đỡ. (Điều đó đã thay đổi kể từ khi Đức gửi thiết bị sang Ý và vận chuyển bệnh nhân virus corona của Ý về các bệnh viện của Đức.) Có lẽ không thể tránh khỏi, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng viện trợ có thể đặt nền tảng cho “con đường tơ lụa về y tế” nối liền châu Âu và Trung Quốc. Ông dường như đã quên rằng Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố về một “con đường tơ lụa về y tế” vào ba năm trước tại một hội nghị Sáng kiến Vành đai và Con đường ở Bắc Kinh.
Khi Thủ tướng Ý Giuseppe Conte dẫn dắt nước Ý tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc vào giờ này năm ngoái, có lẽ ông đang hy vọng một làn sóng đầu tư của Trung Quốc để thúc đẩy nền kinh tế vốn đang suy thoái của nước Ý. Cuối cùng, ông đã phải đối mặt với một “khách không mời” khác từ Trung Quốc: COVID-19. Quả thật, đây mới chính là kết quả của Con đường Tơ lụa Mới.
Không ai biết chắc chắn về nguồn gốc của COVID-19, nhưng căn bệnh này dường như lần đầu tiên bị lây lan tại một khu chợ tươi sống ở Vũ Hán, nơi các loài động vật sống bị nhốt trong điều kiện thiếu vệ sinh, trước khi bán cho người mua. Hơn 700 năm trước, Marco Polo đã kinh ngạc với nguồn cung dồi dào đối với tất cả các loại thịt và các hoạt động kinh doanh thịt tại các thị trường này. Những thị trường tương tự đã làm phát sinh dịch bệnh SARS vào năm 2002, một loại bệnh về đường hô hấp khác, giống như COVID-19 – vốn có liên quan đến loài dơi.
Mối nguy hiểm từ thị trường động vật sống không phải là bài học duy nhất mà Trung Quốc đã không học được từ dịch SARS. Khi Trung Quốc lần đầu tiên xác định ca nhiễm SARS vào tháng 1 năm 2003, họ đã giữ bí mật tin tức này trong hai tuần, vào thời điểm mà công dân của họ di chuyển khắp đất nước để nghỉ Tết Nguyên đán, như họ đã che giấu thông tin về virus corona 17 năm sau đó. Giống với trường hợp bi thảm của Lý Văn Lượng, bác sĩ tại Vũ Hán đã chết vì virus corona sau khi bị khiển trách vì đã đưa ra lời cảnh báo về COVID-19, bệnh SARS cũng có một vị anh hùng với số phận đầy bi thảm của riêng mình: người lái xe xe cứu thương Phạm Tân Đức, nhân viên y tế đầu tiên chết vì phơi nhiễm với SARS từ bệnh nhân. Theo như phản ứng của Trung Quốc, COVID-19 cũng có thể được đặt tên là SARS-AGAIN [MỘT-LẦN-NỮA-LẠI-LÀ-SARS].
Vì vậy, theo nhiều nghĩa, COVID-19 thực sự là “virus Trung Quốc”, ngay cả khi gần đây Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hứa sẽ ngừng sử dụng thuật ngữ này. Trung Quốc không chỉ là nơi mà COVID-19 tấn công đầu tiên. Có thể nói rằng, COVID-19 bùng phát ở tất cả mọi nơi trên thế giới bởi chính phủ Trung Quốc từ chối học các bài học về sức khỏe cộng đồng từ dịch SARS trước kia, vốn đã được các nhà khoa học của chính quyền tổng kết. Sau đó, Trung Quốc lặp lại các hành vi sai trái khiến SARS lan ra khỏi tầm kiểm soát và vượt qua biên giới để lây nhiễm cho người dân ở hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ khác. Virus có thể là một lực lượng của tự nhiên, nhưng đại dịch COVID-19 rõ ràng là hậu quả trực tiếp của chính quyền Trung Quốc.
Trong nỗ lực che giấu những sự thật này, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cố gắng biến đại dịch virus corona thành lợi thế tuyên truyền của nó. Trung Quốc không chỉ viện trợ cho các quốc gia bị nhiễm virus corona, mà còn tự quảng bá về thành công của mình trong việc kiểm soát dịch bệnh. Trên thực tế, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đẩy mạnh các cuộc đàn áp sức khỏe cộng đồng đầy cực đoan, biến các cuộc đàn áp này thành “Sự đồng thuận Bắc Kinh” hay “Mô hình Trung Quốc” của một kiểu chủ nghĩa tư bản nhà nước mang tính toàn trị, một xu hướng vốn được thúc đẩy mạnh mẽ kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã chống lại cách gọi “virus Trung Quốc” của Trump bằng cách cho rằng loại virus này thực sự có nguồn gốc từ Hoa Kỳ và được lây nhiễm bởi các vận động viên trong quân đội Hoa Kỳ tham gia Thế vận hội quân sự tổ chức tại Vũ Hán vào tháng 10 năm 2019. Rất ít người ở bên ngoài Trung Quốc tin vào điều này, nhưng tin đồn này và và những tin đồn tương tự vẫn đang được truyền đi rộng rãi tại Trung Quốc.
Vẫn còn quá sớm để biết liệu cuộc chiến tuyên truyền về virus corona của Trung Quốc có mang lại kết quả hay không. Trung Quốc có thể có một số thành công ở các nước chống phương Tây như Serbia và Iran, nhưng ngay cả nhiều người Ý cũng nghi ngờ về sự chân thành của lòng trắc ẩn của Trung Quốc đối với hoàn cảnh của họ. Một nhà nghiên cứu y khoa hàng đầu của Ý thậm chí còn cho rằng Trung Quốc đã để cho virus này lan sang châu Âu sớm nhất vào tháng 11 năm ngoái. Đại dịch virus corona dường như đã khiến dư luận chống lại Trung Quốc một cách quyết liệt tại nhiều nước nghèo của châu Phi và vùng Đông Nam Á.
Rất giống với mô hình phát triển kinh tế của Trung Quốc, mô hình y tế công cộng của Trung Quốc dựa trên việc cách ly tất cả công dân trong nhà của họ, và đàn áp những người dân dám lên tiếng phàn nàn – không phải là điều hấp dẫn đối với bất cứ ai, trừ các quan chức trong hệ thống Đảng-Nhà nước của Trung Quốc. Các quốc gia bị đại dịch virus corona tấn công chắc chắn sẽ tiếp tục chấp nhận các đề nghị về việc cung cấp khẩu trang và mặt nạ phòng độc của Trung Quốc, và chắc chắn người dân của họ sẽ biết ơn sự giúp đỡ này. Tuy nhiên, một khi khủng hoảng qua đi, mô hình chính trị xã hội rộng lớn hơn của Trung Quốc vẫn sẽ không hấp dẫn đối với tất cả – trừ một số ít giới chóp bu tham nhũng. Nhà nước dựa trên cảnh sát của Trung Quốc có thể đã chinh phục được virus corona, nhưng rất ít quốc gia sẽ sử dụng các biện pháp mang tính độc tài và độc đảng, chỉ để đảm bảo an toàn cho quốc gia họ trong các đại dịch trong tương lai.
Các nhà bình luận trên thế giới có xu hướng xem cuộc chiến về tuyên truyền liên quan đến đại dịch này chỉ là một giai đoạn khác của cuộc cạnh tranh địa chính trị đang diễn ra, vốn đã dẫn đến chiến tranh thương mại Hoa Kỳ – Trung Quốc, trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, và cuộc chiến của tập đoàn Huawei để giành quyền triển khai các mạng lưới truyền thông 5G của phương Tây. Nhưng có một điểm khác biệt chính giữa lời hùng biện chống Trung Quốc của Nhà Trắng và lời đồn đại chống Hoa Kỳ của Bắc Kinh: đại dịch này thực sự bắt nguồn từ Vũ Hán.
Tương tự như vậy, việc sử dụng thiết bị Huawei thực sự gây rủi ro bảo mật cho mạng 5G, đồng thời Trung Quốc thực sự đã bỏ qua nghĩa vụ phải tuân thủ các điều ước quốc tế ở Biển Đông. Mặc dù nghe có vẻ thiên vị, nhưng những diễn biến trên thực tế thực sự đang ủng hộ Hoa Kỳ trong các cuộc tranh luận này. Năm tổ chức truyền thông nhà nước Trung Quốc được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phân loại là cơ quan của chính phủ Trung Quốc vào tháng Hai vừa rồi thực sự là các cơ quan của chính phủ Trung Quốc. Mặt khác, các nhà báo Hoa Kỳ bị Trung Quốc trục xuất thì đều đang làm việc cho các cơ quan truyền thông vốn có khả năng chỉ trích cả chính phủ Hoa Kỳ lẫn chính phủ Trung Quốc – mọi người đều biết điều đó.
Đại dịch virus corona cuối cùng rồi sẽ kết thúc. Nó đã giết chết nhiều người ở Hoa Kỳ và châu Âu hơn là ở Trung Quốc, ít nhất là theo con số chính thức. Chính phủ Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ cố gắng sử dụng những sự thật này để thuyết phục mọi người về mô hình chính phủ ưu việt của mình. Và sẽ có một số người tin tưởng tuyệt đối vào những lời tuyên truyền đó, mặc dù có lẽ không nhiều học giả tin theo.
Những người khác sẽ tìm đến các quốc gia như Nhật Bản và Đài Loan để tìm bằng chứng cho thấy các nền dân chủ có thể quản lý hiệu quả sức khỏe cộng đồng thông qua các biện pháp giám sát và phòng ngừa chủ động. Nếu Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu hiện đang khủng hoảng, đó là vì họ đã không hành động dứt khoát để chặn đứng làn sóng lây nhiễm khi họ lần đầu tiên biết rằng nó sẽ đến. Nhưng đây là những thất bại của chính sách, chứ không phải là thất bại của nền dân chủ.
Cho đến lúc học lại các bài học mà đại dịch COVID-19 mang lại, thế giới sẽ hiểu rằng đại dịch đã được kích hoạt bởi các chính sách tồi và các quá trình thực thi chính sách vốn thậm chí còn tồi tệ hơn, chứ không phải bởi các quyền tự do cá nhân và sự tôn trọng quyền con người. Thương mại trên những con đường tơ lụa hiện đại sẽ tiếp tục, như nó vẫn luôn như vậy, nhưng “con đường tơ lụa về y tế” của Trung Quốc sẽ không đi đến đâu. Các công dân trên thế giới có nhiều khả năng chuyển sang các nền dân chủ thịnh vượng của Đông Á để tư vấn sức khỏe cộng đồng hơn là nhận lời tư vấn từ Trung Quốc. Các nền dân chủ phương Tây cuối cùng có thể thua, nhưng Trung Quốc chắc chắn sẽ không chiến thắng, trong cuộc chiến tuyên truyền về virus corona.
Salvatore Babones, Foreign Policy, 6/4/2020, xem bài gốc tại đây
Đăng lại từ Facebook Nguyễn Trung Kiên
Salvatore Babones là nghiên cứu viên tại Centre for Independent Studies ở Sydney, và là giáo sư trợ giảng tại Đại học Sydney.
Từ khóa virus corona viêm phổi Vũ Hán virus Trung Cộng Một vành đai một con đường Dòng sự kiện