Giải mật: Mỹ từng cân nhắc tấn công hạt nhân TQ để bảo vệ Đài Loan
- Minh Tư
- •
Trong bối cảnh khủng hoảng eo biển Đài Loan hiện nay đang là tâm điểm chú ý của quốc tế, ngày 22/5 vừa qua, truyền thông Mỹ đã tiết lộ rằng năm 1958 khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắn phá đảo Kim Môn của Đài Loan, các tướng lĩnh quân đội Mỹ đã thúc giục tấn công đáp trả bằng vũ khí hạt nhân.
Theo New York Times, do quan hệ Mỹ-Trung ngày càng trở nên căng thẳng vì vấn đề Đài Loan, thêm nữa vào tháng Tư tờ Economist của Anh đã liệt kê Đài Loan là nơi nguy hiểm nhất trên thế giới, vì vậy cựu chuyên gia phân tích quân sự Daniel Ellsberg (90 tuổi) đã quyết định tiết lộ trên Internet một tài liệu tuyệt mật về cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan, với hy vọng thu hút sự chú ý.
Ý định phản công trong biến cố Kim Môn
Dữ liệu quân sự Mỹ chưa được giải mật này cho biết vào năm 1958 khi ĐCSTQ ném bom Kim Môn (trận địa pháo ngày 23/8), quân đội Mỹ đã lên kế hoạch phản công bằng vũ khí hạt nhân.
Tài liệu cho thấy thời điểm đó có quan chức Chính phủ Mỹ đã nghi vấn về chính sách đang được thực thi, cho rằng vũ khí truyền thống không thể bảo vệ thành công Đài Loan. Tư lệnh Lực lượng Không quân Thái Bình Dương của Mỹ khi đó, ông Laurence S. Kutner gợi ý rằng trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự ở eo biển Đài Loan thì quân đội Mỹ có thể hành động phủ đầu tấn công căn cứ không quân ĐCSTQ bằng vũ khí hạt nhân.
Quan chức Mỹ lý luận rằng chính phủ Liên Xô chắc chắn sẽ mở rộng viện trợ cho ĐCSTQ và trả đũa bằng vũ khí hạt nhân, nhưng họ tin rằng “đó là cái giá đáng phải trả cho việc bảo vệ Đài Loan”.
Tài liệu tối mật còn cho biết cả Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ vào thời điểm đó là tướng Nathan Twining cũng đã đồng tình rằng nếu ĐCSTQ thực sự xâm lược Đài Loan, thì Mỹ sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại các căn cứ không quân của Trung Quốc để ngăn chặn tấn công không quân của ĐCSTQ vào Đài Loan.
Tướng Nathan Twining cũng nói rằng nếu một cuộc tấn công hạt nhân vào căn cứ Không quân Trung Quốc vẫn không ngăn chặn được cuộc xâm lược có vũ trang của ĐCSTQ vào Đài Loan, thì họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân sâu hơn: đến tận cuối phía bắc Thượng Hải.
Tuy nhiên cuối cùng Tổng thống Eisenhower quyết định duy trì việc bảo vệ Đài Loan bằng vũ khí truyền thống. Sau đó ĐCSTQ đã ngừng bắn phá đảo Kim Môn và tình hình đã không leo thang. Dù vậy, do bầu không khí lúc đó cho thấy Chính phủ Mỹ không muốn đánh một cuộc chiến tranh truyền thống khác tương tự như Chiến tranh Triều Tiên, các quan chức Mỹ nhất trí rằng nếu ĐCSTQ tiếp tục ném bom Kim Môn, thì bước tiếp theo của quân đội Mỹ sẽ là sử dụng vũ khí hạt nhân để tấn công.
Cảnh tỉnh giới chức Mỹ về tình trạng “mơ hồ về chiến lược”
New York Times dẫn lời nhà sử học Văn An Lập (Wen Anli) của Đại học Yale tại Mỹ cho rằng thông tin mật này có giá trị lịch sử lớn và có ý nghĩa quan trọng đối với tình hình hiện nay. Với việc ĐCSTQ gia tăng đáng kể vũ khí quân sự và cũng sở hữu vũ khí hạt nhân, nếu Bắc Kinh hiện có kế hoạch sử dụng vũ lực để thống trị Đài Loan, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ sẽ chịu áp lực rất lớn khi nghĩ đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân.
Nhà sử học Tống Di Minh (Song Yiming) của Đại học Harvard cũng cho rằng tài liệu này có giá trị tham khảo rất lớn. Ông nói rằng bất kỳ động thái manh động nào ở cả hai bên eo biển đều có thể khiến tình hình leo thang, cho nên giới chức Mỹ ngày nay nhất định phải cân nhắc thật kỹ về ý định từng được đưa ra vào thời điểm năm 1958.
Theo tìm hiểu, “Đạo luật Quan hệ Đài Loan” của Mỹ quy định rõ ràng rằng Washington phải hỗ trợ Đài Loan tự vệ, nhưng nhiều thập kỷ qua Mỹ đã áp dụng chính sách “mơ hồ về chiến lược”.
Trước đó Liberty Times (Đài Loan) đã đưa tin vào ngày 19/4 năm nay, giới nghị sĩ liên đảng của Mỹ đã đề xuất “Dự luật Đoàn kết Quốc tế Đài Loan” (Taiwan International Solidarity Act), chỉ rõ Nghị quyết 2758 của Liên Hiệp Quốc chỉ đề cập vấn đề xử lý quyền đại diện Trung Quốc, không đề cập gì đến Đài Loan.
Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đài Loan là Gao Ying-Mao cho rằng đề xuất của dự luật này là một lời giải thích có lợi cho Đài Loan. Trong quá khứ, nhiều chính sách của Mỹ nhấn mạnh “sự mơ hồ chiến lược”, nhưng gần đây Mỹ đã dần đưa ra những luận điểm mới rằng “tình trạng mơ hồ chiến lược” có thể gây ra nhiều vấn đề hơn, bao gồm vấn đề Đài Loan, nếu tiếp tục sẽ không giúp ích cho hòa bình và ổn định ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Ông Gao Ying-Mao cho biết đề xuất của Quốc hội Mỹ là sự tiếp nối của quan điểm mới này và phù hợp với bầu không khí quốc tế hiện tại có lợi cho Đài Loan, một khi cộng đồng quốc tế hình thành tình trạng đồng thuận mới thì sẽ gây tác động mạnh đến Mỹ.
Minh Tư, Vision Times
Xem thêm:
Từ khóa Trung Quốc tấn công Đài Loan Tấn công hạt nhân bom hạt nhân Dòng sự kiện