Giải quyết vấn đề nóng lên toàn cầu: nhiệm vụ bất khả thi
- Dung Lê
- •
Nếu trước đây còn đôi chút hồ nghi, thì hiện nay không nghi ngờ gì nữa: “Việc giải quyết” vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu có thể là nhiệm vụ bất khả thi của loài người. Đó là ý chính trong báo cáo gần đây nhất của Uỷ ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), nhóm làm việc của Liên Hiệp Quốc (LHQ) chịu trách nhiệm giám sát sự nóng lên toàn cầu.
Điện gió và mặt trời hiện nay chỉ chiếm 4% nguồn cung năng lượng toàn cầu.
IPCC cảnh báo, nếu chúng ta không tạo ra những thay đổi đột biến trong vấn đề phát thải khí nhà kính (khí cacbon dioxit – C02, metan và các loại khí thải khác), thì chúng ta sẽ phải đương đầu với một tương lai nhiệt độ thực sự tăng vọt và điều đó gần như sẽ phá huỷ tất cả các rặng san hô, làm nạn hạn hán thêm dữ dội và làm mực nước biển tăng cao trên thế giới. Chúng ta cần hành động ngay lập tức, thậm chí sớm hơn.
Uỷ ban cho rằng vào năm 2030 các loại khí thải cần phải được cắt giảm 45% so với mức hiện nay và gần như loại trừ hoàn toàn vào năm 2050. Điều này sẽ giữ mức tăng dự kiến nhiệt độ toàn cầu từ đầu những năm 1800 lên 1,5 độ C. Chúng ta sẽ thoát khỏi những hậu quả tồi tệ nhất của vấn đề nóng lên toàn cầu.
Không rõ vấn đề này sẽ được giải quyết như thế nào. Thực tế là lượng khí thải các bon trên toàn cầu đang tăng lên chứ không giảm đi. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), ngày nay các loại khí thải ở mức cao hơn 60% so với năm 1990.
Ít nhất có ba trở ngại đang làm vô hiệu hoá nghị trình dự kiến của IPCC.
Thứ nhất, chúng ta không có công nghệ để làm giảm và thậm chí loại trừ khí thải từ các nhiên liệu hóa thạch (dầu, than và khí ga tự nhiên). Mặc dù năng lượng gió và năng lượng mặt trời đã tạo ra nhiều tiến bộ, nhưng chúng chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng năng lượng toàn cầu, khoảng 4%. Các phương tiện điện không giải quyết được vấn đề, vì khí ga tự nhiên và than là những nguồn năng lượng cơ bản của nhiều nguồn điện.
Thứ hai, thậm chí nếu chúng ta có công nghệ để thay thế năng lượng hóa thạch, thì không chắc là chúng ta có đủ ý chí chính trị để làm như vậy. Các quốc gia dân chủ – hoặc là, cũng như thế, những chế độ độc tài – đang ở trong một giai đoạn khó khăn gây ra sự nhức nhối chính trị hiện hữu cho tương lai, những lợi ích xã hội giả định. Những cử tri ghét cay ghét đắng việc giá xăng và giá chất đốt cao hơn, những thứ là một phần không thể thiếu của phần lớn các giải pháp đề xuất đối với vấn đề nóng lên toàn cầu. Họ sẽ phải giảm nhu cầu đối với năng lượng hóa thạch và thúc đẩy đầu tư vào các nguồn năng lượng thay thế.
Bằng chứng rõ ràng nhất của khuynh hướng chính trị của nước Mỹ phòng ngừa tương lai là cách xử lý vấn đề an sinh xã hội và y tế. Từ hàng thập kỷ qua, các chính trị gia Mỹ đã biết rằng dân số đang già hóa sẽ thúc đẩy một cách rõ rệt chi tiêu cho những chương trình này. Nhưng nước Mỹ đã làm gì để chuẩn bị cho điều không thể tránh được này? Thực tế là không làm được mấy việc.
Cuối cùng, giả thiết (một cách không thực tế) là các xã hội tiên tiến ngày nay – dẫn đầu là Mỹ- vượt qua được những rào cản này, thì cũng không rõ liệu những nước nghèo hơn và cái gọi là các nước “thị trường mới nổi” sẽ bắt chước làm theo hay không. Những nước này đại diện cho mức gia tăng lớn nhất trong nhu cầu năng lượng hóa thạch, khi họ nỗ lực nâng cao chất lượng sống. Trung Quốc hiện đã là nước thải khí C02 lớn nhất thế giới, gần gấp đôi nước Mỹ.
Việc tăng trưởng kinh tế và dân số thúc đẩy nhu cầu năng lượng. Hãy xét đến các máy điều hòa không khí. Ngày nay trên thế giới có 1,6 tỷ máy điều hòa không khí, theo báo cáo của Uỷ ban Năng lượng Quốc tế (IEA). Vào năm 2050, số lượng máy điều hòa sẽ tăng gấp ba lên tới 5,6 tỷ chiếc. Người dân trong các xã hội tiên tiến không từ bỏ việc dùng máy điều hòa, còn người dân ở các nước nghèo hơn cũng sẽ không bỏ lỡ cơ hội tận hưởng chúng. Phần lớn nhu cầu trong tương lai sẽ đến từ ba nước – Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia.
Chúng ta đã làm được những gì? Có thể không gì cả. Câu trả lời này xem chừng là lựa chọn của nhiều người thuộc Đảng Cộng hòa và chính phủ Trump, họ đang rút khỏi các cam kết trong hiệp ước Paris về giảm khí thải. Thái độ chống đối hiệp ước Paris của ông Trump không điên rồ như vẻ bề ngoài. Nếu việc loại trừ sự nóng lên toàn cầu khó khăn như giả định nêu trên, dường như sự đối phó với nó là một loạt các biện pháp nửa vời không mấy tác động tới sự nóng lên toàn cầu, mà lại làm giảm tăng trưởng kinh tế. Mục đích thực sự của các chính trị gia là khoe khoang là họ đã “làm điều gì đó” khi tất cả những điều bọn họ thực sự làm là lừa dối chúng ta. Ông Trump nên tránh tình trạng này.
Nhà báo Robert Samuelson của tờ Investor’s Business Daily gợi ý các biện pháp hướng tới giải quyết tất các thiếu sót trên. Ông Samuelson cho rằng cần phải dần triển khai áp đặt một loại thuế nhiên liệu hóa thạch không nhân nhượng (không phải đánh thuế 10% hay 15% mà gấp đôi hoặc gấp ba) để không khuyến khích việc sử dụng năng lượng hóa thạch và ủng hộ các nguồn năng lượng mới. Thêm vào đó, vài sắc thuế sẽ làm giảm thâm hụt ngân sách và đơn giản hoá các loại thuế thu nhập. Nếu may mắn, sẽ xuất hiện bước đột phá thực sự: có lẽ là những tiến bộ về pin điện hay lưu trữ điện. Điều đó sẽ khiến năng lượng gió và mặt trời trở nên thực tế hơn.
Tuy nhiên, ông Samuelson cho rằng giải pháp của mình cũng có những rủi ro. Người ta có thể cho rằng chính sách kiểu này, bên cạnh việc dựa vào những loại thuế năng lượng không được nhiều người ưa thích, sẽ đại điện một thắng lợi của hi vọng chứ không phải của kinh nghiệm. Nhân danh cuộc đấu tranh chống sự ấm lên toàn cầu, chính phủ có thể biện minh cho một loạt những việc làm vô ích làm lãng phí năng lượng.
Cuộc đấu tranh chống sự nóng lên toàn cầu là một cuộc chiến đáng khâm phục, nhưng nó khó hơn nhiều việc nói những lời hoa mỹ bóng gió. Nếu chúng ta nghiêm túc về cắt giảm khí nhà kính, chúng ta có thể thi hành những biện pháp kiểm soát thời chiến toàn diện, trao cho chính phủ quyền định ra những thay đổi. Hoặc chúng ta có thể chấp nhận một tình trạng suy thoái toàn cầu như một cách để chấm dứt sự gia tăng việc làm ăn gian trá và các loại khí thải nhà kính. Rõ ràng là chưa điều nào có vẻ khả thi.
Theo Investor’ Business Daily,
Dung Lê biên dịch
Xem thêm:
Từ khóa biến đổi khí hậu nóng lên toàn cầu thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu