Máy bay không người lái (UAV) đang là một mặt trận khác trong cạnh tranh kinh tế và công nghệ Mỹ-Trung. Do hiện tại ngày càng nhiều người Mỹ dựa vào UAV từ Trung Quốc, khiến giới chức Mỹ lo ngại đó là hiểm họa gián điệp, ngoài ra giá thành thấp của UAV Trung Quốc đe dọa thương mại cho các nhà sản xuất Mỹ.

UAV TQ
Máy bay không người lái (UAV) của DJI tại Texas. (Ảnh: Shutterstock)

Một dự luật quốc phòng được Quốc hội Mỹ thông qua ngày 18/12, bao gồm một điều khoản cấm 2 công ty Trung Quốc – DJI và Autel Robotics – bán UAV mới ở Mỹ nếu kiểm tra cho thấy họ gây “rủi ro không thể chấp nhận được” đối với an ninh quốc gia Mỹ. Trước đó, Quốc hội Mỹ đã cấm các cơ quan liên bang mua UAV nội địa của Trung Quốc, một số bang cũng cấm các dự án công quỹ sử dụng hoặc mua UAV của Trung Quốc (trừ một số trường hợp ngoại lệ).

Phụ thuộc vào UAV Trung Quốc

UAV được sử dụng rộng rãi ở Mỹ và thậm chí đã trở thành một phần trong cuộc sống và công việc của nhiều người, từ thực thi pháp luật đến làm bản đồ và sản xuất phim Mỹ. Việc sử dụng rộng rãi UAV tại Mỹ có phần nguyên nhân quan trọng là vì UAV do Trung Quốc sản xuất có giá rẻ, mà nếu chỉ với UAV giá cao do Mỹ sản xuất thì rất khó được dùng rộng rãi.

Một nông dân ở Bắc Carolina cho biết, từ năm 2019 ông đã sử dụng UAV do Trung Quốc sản xuất để bón phân cho cây trồng và theo dõi sức khỏe cây trồng. Một máy UAV gieo hạt có giá 35.000 USD, trong khi máy phun sương mặt đất truyền thống có giá lên tới 250.000 USD. Sau trận siêu bão Helen vào tháng 9 năm nay, người nông dân này làm tình nguyện viên đã sử dụng UAV để giúp tìm kiếm những người bị mắc kẹt. Trong đêm đầu tiên, ông và đồng đội đã tìm thấy 150 người bị mắc kẹt. Đối với những người không thể được giải cứu ngay lập tức, họ sử dụng UAV để gửi hàng tiếp tế cho những người này.

Lo ngại từ giới nghị sĩ

Chính sự phụ thuộc vào UAV Trung Quốc của đông đảo người dân Mỹ đã khiến các nhà lập pháp Mỹ lo lắng.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Rick Scott của Florida đã thúc đẩy Quốc hội hạn chế các cơ quan liên bang mua UAV do Trung Quốc sản xuất, những hạn chế được đưa vào dự luật quốc phòng do Tổng thống Biden ký năm ngoái. Ông Scott đã so sánh UAV do Trung Quốc sản xuất với sự kiện khinh khí cầu do thám, nói rằng nó có thể thu thập dữ liệu trên khắp nước Mỹ, gây rủi ro cho các căn cứ quân sự, cơ sở hạ tầng quan trọng và tài nguyên thiên nhiên.

Dân biểu Cộng hòa Elise Stefanik – người được Tổng thống đắc cử Trump đề cử làm đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, cho biết: “Thật vô trách nhiệm về mặt chiến lược khi để Trung Quốc trở thành nhà máy sản xuất UAV của chúng ta”.

Nhưng CEO Michael Robbins của nhóm vận động UAV AUVSI phản đối lệnh cấm ngay lập tức, nói rằng cần đầu tư để hỗ trợ doanh nghiệp Mỹ sản xuất UAV, giúp họ bắt kịp các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc về năng lực và chi phí.

Trong hai công ty UAV của Trung Quốc mà Mỹ đang điều tra, DJI Innovation chiếm phần lớn thị phần UAV toàn cầu và là công ty dẫn đầu thị trường Mỹ. Mặc dù DJI không sản xuất UAV quân sự, nhưng UAV của họ thậm chí còn được cả hai bên sử dụng trên chiến trường Ukraine.

Tại Mỹ, UAV của DJI được sử dụng bởi những người làm nhiệm vụ phản ứng nhanh tìm nạn nhân thảm họa, nhân viên lập bản đồ để khảo sát đường xá và tiện ích, nhân viên kiểm soát muỗi để bắt các nhóm ấu trùng, và các nhà làm phim dùng để quay phim từ trên không. Cảnh sát sử dụng chúng để giúp ngăn chặn tội phạm và tìm kiếm người mất tích.

ĐCSTQ dùng UAV làm vũ khí

Sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc trong vấn đề UAV và các linh kiện quan trọng liên quan đã khiến Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhìn thấy cơ hội, coi đây là vũ khí.

Tháng 10 năm nay, ĐCSTQ tiến hành trừng phạt đối với nhà sản xuất UAV Skydio của Mỹ, bởi vì công ty này bán UAV cho Đài Loan, lệnh trừng phạt buộc họ phải phân phối pin mua từ Trung Quốc với một UAV chỉ lắp một pin.

CEO Adam Bry cho biết: “Đây là nỗ lực để loại bỏ các công ty UAV hàng đầu của Mỹ, đồng thời làm gia tăng sự phụ thuộc của thế giới vào các nhà cung cấp UAV Trung Quốc”.

Trung Quốc còn hạn chế xuất khẩu linh kiện UAV cho Mỹ, bao gồm động cơ, bộ điều khiển bay và thiết bị hình ảnh, lý do là “vì cân nhắc an toàn”.

Chiều ngược lại, nhà sản xuất UAV Darkhive có trụ sở tại San Antonio cho biết, lệnh cấm của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ không ngăn cản các nhà sản xuất UAV Trung Quốc bán sản phẩm của họ ở các nơi khác trên thế giới, nhưng có thể gây tổn hại cho các công ty UAV của Mỹ dựa vào linh kiện của Trung Quốc.

Trợ cấp để giúp thoát phụ thuộc Trung Quốc

Tại Florida, các quan chức thực thi pháp luật vào năm ngoái đã phản ánh với Thượng viện bang rằng vấn đề cấm cơ chế tài trợ của bang cho việc mua UAV Trung Quốc khiến họ phải sử dụng UAV đắt tiền hơn và kém hiệu quả hơn một chút. Phản ánh khiến giới lập pháp bang cho phân bổ 25 triệu USD giúp chương trình UAV.

Nhóm Ứng phó Khẩn cấp Quốc tế Hàng không (tổ chức phi lợi nhuận) cho biết lệnh cấm đã gây ra cho họ một số rắc rối, bao gồm “học giao diện người dùng mới, làm chủ các phím tắt mới và giao thức mới, cũng cần thay đổi tất cả phần mềm và phụ kiện và xem xét lại tất cả các cấu hình mạng để thích ứng với thay đổi công nghệ”.

Nhưng hỗ trợ tài chính và các chương trình đào tạo đã giúp quá trình chuyển đổi này trở nên khả thi.

Dữ liệu của nhóm nghiên cứu cho thấy, vào năm 2022 hơn 90% cơ quan thực thi pháp luật ở Florida đã sử dụng UAV của DJI Trung Quốc, nhưng sau lệnh cấm thì tỷ lệ này giảm mạnh xuống còn khoảng 14%.

Tại quận Orange – Florida, văn phòng cảnh sát trưởng ở đây cho biết năm ngoái đã chi gần 580.000 USD để thay thế 18 UAV không tuân thủ, chính quyền bang đã hoàn trả gần 400.000 USD. “Quá trình chuyển đổi diễn ra suôn sẻ, đồng thời nâng cấp đội UAV của chúng tôi với khả năng và công nghệ tốt hơn,” Văn phòng cảnh sát trưởng quận Orange cho biết.

Theo Chu Thần, Epoch Times