GS. John Mearsheimer: Mỹ sẽ chọn Ấn Độ là đối trọng của Trung Quốc
- Quang Minh
- •
Trong một chương trình phỏng vấn của đài Firstpost, Ấn Độ mới đây, giáo sư John Mearsheimer, người nổi tiếng vì nhiều phân tích và phán đoán tình hình chính trị thế giới, đã có một số phân tích và bình luận về vị thế của Ấn Độ trên trường quốc tế, cũng như đưa ra một số nhận định của bản thân ông về các vấn đề nóng trên bàn cờ chính trị: Chiến tranh Ukraine, nguy cơ Trung Quốc xâm chiếm Đài Loan, chiến tranh ở Gaza. Dưới đây là toàn văn cuộc phỏng vấn.
- Guardian: Israel dùng ‘cỗ máy lãnh khốc’ AI giúp xác định 37.000 mục tiêu tấn công tiềm năng
- Giáo sư Mearsheimer trong phỏng vấn thách thức của Spectator TV về Ukraine và Israel
PV. Palki Sharma: “Ông mô tả trật tự thế giới hiện tại là gì? Ông có cho rằng nó vẫn là đơn cực với Mỹ dẫn đầu không? Hay nó thực sự là đa cực?”
GS. John Mearsheimer: “Tôi tin rằng thế giới ngày nay là đa cực. Hầu hết khán giả đều đã trưởng thành trong thời điểm đơn cực kéo dài từ khoảng năm 1991 khi Liên Xô sụp đổ cho đến khoảng năm 2017. Và Hoa Kỳ tất nhiên là quốc gia hùng mạnh nhất trong thời điểm đơn cực.”
PV. Palki Sharma: “Ông thấy Ấn Độ đang đứng ở đâu trong vấn đề này và ông có xem Ấn Độ là một cường quốc đang cố gắng kết nối các phe phái ý thức hệ khác nhau hay Ấn Độ chỉ nghiêng về hướng phù hợp?”
GS. John Mearsheimer: “Tôi có thể nói trước hết Ấn Độ là một quốc gia có triển vọng. Hai nền tảng tạo nên một cường quốc trên trường quốc tế là quy mô dân số và sự giàu có. Cần rất nhiều của cải và cần rất nhiều dân số để đủ tiêu chuẩn trở thành một cường quốc.
Lý do mà Trung Quốc trước đây không được coi là một cường quốc là vì nước này không có sự giàu có. Trung Quốc chắc chắn có dân số. Những gì Trung Quốc hiện có là quy mô dân số cộng với sự giàu có.
Điều mà Ấn Độ chắc chắn có là quy mô dân số và đất nước này ngày càng giàu có hơn qua từng năm. Nhưng tôi nghĩ theo hầu hết các ý kiến, nó vẫn chưa đạt đến mức đủ tiêu chuẩn là một cường quốc.
Tuy nhiên không nghi ngờ gì rằng Ấn Độ là một thế lực quan trọng và nước này bị vướng vào giữa 3 cường quốc trên thế giới.”
PV. Palki Sharma: “Trong trường hợp xảy ra xung đột giữa Ấn Độ và Trung Quốc, ông có nghĩ Nga sẽ buộc phải đứng về một bên?”
GS. John Mearsheimer: “Tôi nghĩ nếu xảy ra xung đột giữa Ấn Độ và Trung Quốc, người Nga sẽ làm mọi cách có thể để đứng ngoài cuộc và không cam kết. Người Nga không muốn có quan hệ xấu với Trung Quốc hay Ấn Độ.”
PV. Palki Sharma: “Ông có nghĩ Ukraine sẽ gia nhập NATO không?”
GS. John Mearsheimer: “Không. Người Nga sẽ nỗ lực hết sức để đảm bảo Ukraine không gia nhập NATO và tôi nghĩ rằng phương Tây sẽ không đưa một Ukraine đang rối loạn chức năng vào liên minh. Vì vậy tôi nghĩ rằng không. Ukraine sẽ không trở thành một phần của NATO.”
PV. Palki Sharma: “Vậy ông có nghĩ phương Tây nên ngừng viện trợ quân sự cho Ukraine vì viện trợ của Mỹ bị ràng buộc với quốc hội và người châu Âu vẫn đang loay hoay tìm tiền tài trợ cho cuộc chiến này?”
GS. John Mearsheimer: “Đúng. Đây là một câu hỏi hay. Tôi tin rằng điều đó là tốt nhất cho Ukraine và tôi muốn nhấn mạnh rằng tôi tin rằng điều tốt nhất là Ukraine nên chấm dứt chiến tranh để đạt được một thỏa thuận với người Nga.
Vì vậy tôi nghĩ điều bắt buộc là Ukraine phải trở thành một quốc gia trung lập. Và tôi nghĩ điều rất quan trọng là Hoa Kỳ cắt mọi viện trợ cho Ukraine. Và rằng người châu Âu cùng nhau cung cấp viện trợ – viện trợ kinh tế chứ không phải viện trợ quân sự – cho Ukraine, để nước này phục hồi cho đến khi đứng vững được.”
PV. Palki Sharma: “Ông có nghĩ rằng ông Tập Cận Bình sẽ tấn công Đài Loan trong thập kỷ này không?”
GS. John Mearsheimer: “Không, tôi không nghĩ rằng Tập Cận Bình sẽ sớm tấn công Đài Loan. Và có nhiều lý do cho điều đó.
Một trong những lý do chính để ông ta hoặc Trung Quốc không tấn công Đài Loan, đó là nước này phải vượt qua một vùng biển rộng lớn và các hoạt động đổ bộ là một trong những hoạt động quân sự khó khăn nhất mà người ta có thể yêu cầu một đội quân thực hiện. Rất khó để vượt qua một vùng biển rộng như ở Đài Loan. Vì vậy nhiệm vụ mà người Trung Quốc đặt ra cho mình nếu quyết định tấn công Đài Loan sẽ là một nhiệm vụ khó khăn.
Điểm thứ hai là Trung Quốc đã không tham chiến kể từ năm 1979. Trong khi đó Hoa Kỳ luôn tham gia vào các cuộc chiến tranh.”
PV. Palki Sharma: “Luôn có khả năng xảy ra xung đột, nếu điều đó xảy ra, câu hỏi của tôi là ông thấy Ấn Độ đóng vai trò gì? Ấn Độ có thỏa thuận với Mỹ cho phép máy bay tiếp nhiên liệu tại các căn cứ của Ấn Độ. Ông có nghĩ rằng liệu nước này có hỗ trợ quân sự cho Mỹ trong cuộc xung đột ở Đài Loan không?”
GS. John Mearsheimer: “Tôi nghĩ rằng Ấn Độ sẽ cung cấp hỗ trợ gián tiếp cho Hoa Kỳ. Tôi không nghĩ rằng Ấn Độ sẽ tham gia vào cuộc chiến. Tôi nghĩ nếu xung đột nổ ra ở mức độ thấp thì người Mỹ sẽ tự mình giải quyết. Có thể là cùng với Philippines tham chiến.”
PV. Palki Sharma: “Trước đây ông đã nói rằng Mỹ đã ngu ngốc thúc đẩy sự trỗi dậy kinh tế của Trung Quốc. Mỹ hiện đang hợp tác rất chặt chẽ với Ấn Độ. Ông có thấy trước một sự cạnh tranh tiềm tàng giữa Mỹ với Ấn Độ trong tương lai không?”
GS. John Mearsheimer: “Trong nửa sau của Chiến Tranh Lạnh, chúng tôi đã có lợi ích nhất định trong việc giúp đỡ Trung Quốc làm giàu bởi vì khi Trung Quốc trở nên giàu có, chúng tôi có thể kiềm chế Liên Xô. Khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc và Liên Xô ra đi, lập luận của tôi là chúng tôi không còn có lợi ích gì trong việc giúp Trung Quốc làm giàu nữa.
Nói về Ấn Độ. Vào thời điểm này, Hoa Kỳ có mối quan tâm sâu sắc đến việc giúp Ấn Độ ngày càng giàu có hơn và mạnh mẽ hơn về mặt quân sự vì Ấn Độ có thể giúp hoa kỳ kiềm chế Trung Quốc. Nếu Trung Quốc phát triển khả năng triển khai hải quân mạnh mẽ vào vùng vịnh, Ấn Độ sẽ đóng vai trò then chốt trong việc giúp Mỹ giải quyết kịch bản đó.
Vì vậy chúng tôi có quyền lợi trong việc giúp Ấn Độ phát triển.
Tuy nhiên, nếu Trung Quốc vào một thời điểm nào đó trong tương lai đi theo con đường của Liên Xô thì Trung Quốc sẽ tan rã. Vì trong tương lai nước này sẽ yếu hơn nhiều so với ngày nay, còn Ấn Độ sẽ tiếp tục phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn. Cô có thể yên tâm rằng Hoa Kỳ sẽ đứng cùng Ấn Độ.”
PV. Palki Sharma: “Ông thấy chiến tranh Gaza đang kết thúc. Chúng tôi biết rằng ông đã chỉ trích rất mạnh mẽ hành động của Israel với Palestine, trái ngược với cách ông nhìn nhận về chiến tranh ở Ukraine. Nhưng ông thấy xung đột này sẽ kết thúc như thế nào?”
GS. John Mearsheimer: “Tôi nghĩ cuộc chiến ở Gaza nhìn từ góc nhìn của Israel là một thảm họa. Hầu như không có khả năng Israel sẽ đánh bại Hamas, họ sẽ gặp phải sự phản kháng đáng kể. Họ bị mắc kẹt ở Gaza và mắc kẹt trong dư luận thế giới. Và điều này bao gồm các quốc gia như Ấn Độ ủng hộ giải pháp hai nhà nước. Và Hoa Kỳ cũng ủng hộ giải pháp hai nhà nước. Những điều này theo thời gian sẽ gây áp lực rất lớn lên Israel để hướng tới giải pháp hai nhà nước mà Israel không muốn thực hiện. Israel đang gặp rắc rối thực sự.”
Từ khóa John Mearsheimer