Hạ viện Mỹ thông qua dự luật nâng mức trần nợ công
- Minh Ngọc
- •
Hôm 12/10, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua dự luật nâng giới hạn trần nợ công vào đầu tháng 12, để đảm bảo quốc gia này không rơi vào cảnh vỡ nợ.
Cụ thể, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật nâng trần nợ thêm 480 tỷ USD lên thành 28.900 tỷ USD với tỷ lệ 219 phiếu thuận và 206 phiếu phản đối. Sau khi được Hạ viện thông qua, dự luật này sẽ được trình lên Tổng thống Joe Biden để ký ban hành trước ngày 18/10.
Động thái này tạm thời ngăn chặn tình trạng vỡ nợ của chính phủ mà Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã cảnh báo là sẽ gây ra tổn hại “không thể khắc phục được” cho nền kinh tế. Chính phủ Mỹ sẽ hết khả năng chi trả nợ sau ngày 18/10 nếu dự luật không được thông qua. Dù vậy đây chỉ là biện pháp tạm thời và Quốc hội Mỹ sẽ phải xem xét lại vấn đề trần nợ vào tháng 12 để tránh tình trạng vỡ nợ.
Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đã tranh cãi trong nhiều tuần về việc thông qua dự luật nhằm tránh nguy cơ vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử này. Thượng viện Mỹ cuối cùng vẫn bỏ phiếu thông qua dự luật hôm 7/10 với tỷ lệ 50-48.
Sau khi áp lực trần nợ được tạm thời ngăn chặn, các nhà lập pháp lại tiếp tục tranh luận về hai dự luật chi tiêu của Đảng Dân chủ – kế hoạch cơ sở hạ tầng trị giá 1,2 nghìn tỷ đô la với gần 550 tỷ đô la cho các khoản chi tiêu mới, và kế hoạch 3,5 nghìn tỷ đô la bao gồm chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe tại nhà, chăm sóc trẻ em, giáo dục, các chương trình mạng an toàn và môi trường. Cả hai dự luật này đều phù hợp với các ưu tiên trong chính sách của ông Biden.
Dự luật nâng trần nợ công cho phép Chính phủ Mỹ duy trì hoạt động trong khoảng thời gian ngắn, đến ngày 3/12. Điều này có nghĩa là trong những tuần tới, Quốc hội Mỹ sẽ phải tìm cách thông qua ngân sách chi tiêu cho đến tháng 9/2022, cũng như tìm ra biện pháp để tránh vỡ nợ.
Thượng nghị sĩ McConnell khẳng định với ông Biden hôm 8/10 rằng Đảng Cộng hòa sẽ không giúp Đảng Dân chủ nâng giới hạn nợ một lần nữa. Ông khẳng định: “Tôi viết thư này để nói rõ rằng, trước sự kích động của Thượng nghị sĩ Schumer và những lo ngại nghiêm trọng của tôi về những điều mà một dự luật chi tiêu mang tính đảng phái và liều lĩnh, sâu rộng khác sẽ gây tổn hại cho người Mỹ và giúp đỡ Trung Quốc, tôi sẽ không tham gia vào bất kỳ nỗ lực nào trong tương lai để giảm thiểu hậu quả trong việc quản lý yếu kém của Đảng Dân chủ.”
Trước đó, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, thành viên cấp cao của Ủy ban Ngân sách Thượng viện thậm chí còn phát đi tuyên bố hôm 7/10 cho hay: “Tôi không ủng hộ gói chi tiêu của Đảng Dân chủ và tôi không ủng hộ tăng trần nợ để tạo điều kiện cho việc thực hiện gói chi tiêu đó. Nếu Đảng Dân chủ muốn tăng trần nợ, thì họ có thể sử dụng tiến trình hòa giải”.
Minh Ngọc (T/h)
Xem thêm:
Từ khóa trần nợ công Dự luật nâng mức trần nợ công