Hai ngoại trưởng Việt Nam, Trung Quốc điện đàm thảo luận về Biển Đông, Ukraine
- Nguyễn Quân
- •
Ngày 14/4, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn, thảo luận về vấn đề Biển Đông và tình hình Ukraine.
Cuộc điện đàm giữa hai ngoại trưởng Trung Quốc và Việt Nam diễn ra chỉ hai ngày trước thông báo của Chính phủ Mỹ về cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ – ASEAN diễn ra từ ngày 12 đến 13 tháng năm tới.
Điểm nhấn trong cuộc điện đàm này là Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khẳng định với người đồng cấp Việt Nam Bùi Thanh Sơn rằng sẽ không để tư tưởng Chiến tranh lạnh cũng như thảm kịch Ukraine “tái diễn bên cạnh chúng ta”.
Theo thông cáo báo chí đăng trên website Bộ Ngoại giao Trung Quốc cùng ngày cho biết khi nói về Ukraine, ông Vương Nghị cho hay: “Vấn đề Ukraine một lần nữa khiến các nước châu Á nhận thức được rằng duy trì hòa bình và ổn định là điều quý giá, mê muội vào trong đối kháng giữa các khối sẽ là hậu hoạn vô cùng”.
“Chúng ta không thể cho phép tư duy Chiến tranh Lạnh trỗi dậy trong khu vực và thảm kịch Ukraine tái diễn bên cạnh chúng ta”, thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh.
Phía Trung Quốc cũng cáo buộc Mỹ gây ra căng thẳng trong khu vực, thông cáo báo chí nêu: “Mỹ đang cố gắng thúc đẩy ‘chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương’, để tạo căng thẳng trong khu vực và kích động đối đầu và đối lập, điều này sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến hòa bình và phát triển không dễ có được trong khu vực, làm xói mòn nghiêm trọng cấu trúc hợp tác khu vực lấy ASEAN làm trung tâm”.
Thông cáo báo chí nhấn mạnh đến điểm chung giữa Việt Nam và Trung Quốc là cùng theo thể chế xã hội chủ nghĩa, đồng thời khẳng định chính quyền Trung Quốc “sẵn sàng đoàn kết, hợp tác với Việt Nam để chống lại các nguy cơ bên ngoài, đối phó với tác động lan tỏa của cuộc khủng hoảng Ukraine đối với khu vực”.
Cũng vẫn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tường thuật, rằng ông Bùi Thanh Sơn cho biết Việt Nam “hoan nghênh những đóng góp của Trung Quốc trong việc thúc đẩy hòa đàm, chấm dứt xung đột và ngăn chặn khủng hoảng nhân đạo. Việt Nam cho rằng các bên liên quan cần tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, tìm kiếm giải pháp lâu dài cho những khác biệt trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả các bên. Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với Trung Quốc về lập trường của mình và hy vọng sẽ tiếp tục trao đổi với Trung Quốc về vấn đề Ukraine.”
Trong khi đó, website của Bộ Ngoại giao Việt Nam đăng tải rằng khi trao đổi về tình hình xung đột tại Ukraine, “Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam, theo đó kiên trì ủng hộ giải quyết các tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế; bảo đảm an ninh, an toàn của thường dân, bảo vệ cơ sở hạ tầng dân sự thiết yếu; ủng hộ và sẵn sàng đóng góp tích cực cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo, tiến trình ngoại giao, đối thoại và đàm phán, cũng như trong tái thiết và phục hồi tại Ukraine”.
Trong ba lần bỏ phiếu thông qua nghị quyết về vấn đề Ukraine, lên án Nga tại Liên Hợp Quốc, Việt Nam bỏ phiếu trắng hai lần và bỏ phiếu chống một lần. Tại lần bỏ phiếu chống ngày 7/4, về nghị quyết đình chỉ tư cách thành viên của Nga tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, Đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc – ông Đặng Hoàng Giang khẳng định lập trường của Việt Nam là “nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.”
Trong cả 3 lần, Trung Quốc đều bỏ phiếu chống.
Việt Nam phản đối khi ‘TQ đã quân sự hóa hoàn toàn ít nhất ‘3 đảo’ ở Trường Sa’
Cũng trong cuộc điện đàm ngày 14/4, Ngoại trưởng Bộ Ngoại giao Vương Nghị khẳng định tình hình Biển Đông đang “ổn định”, với nỗ lực chung của Trung Quốc và các nước ASEAN.
Ông Vương Nghị nói: “Chính một số thế lực có động cơ bên ngoài khu vực mong muốn thấy Biển Đông chìm trong hỗn loạn. Việc tiếp tục duy trì hòa bình ở Biển Đông là vì lợi ích chung của Trung Quốc và Việt Nam.”
Trên thực tế, tính riêng từ đầu năm 2022, Biển Đông chứng kiến các cuộc tập trận bắn đạn thật liên tiếp của Trung Quốc; phía Hoa Kỳ cùng đồng minh điều các tàu chiến đi tuần tra trong khu vực.
Từ ngày 4-15/3, Trung Quốc đã tiến hành cuộc tập trận tại khu vực nằm giữa tỉnh Hải Nam của Trung Quốc và miền trung Việt Nam. Theo tọa độ thông báo của Cục Hải sự Trung Quốc (MSA), vị trí này chỉ cách TP Huế của Việt Nam 61 hải lý (khoảng 110 km).
Ngày 7/3, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng ra tuyên bố “Việt Nam đề nghị Trung Quốc tôn trọng và không vi phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam”, cho biết Việt Nam đã giao thiệp với Trung Quốc về vấn đề này.
Cục Hải sự Trung Quốc (MSA) ngày 19/3 tiếp tục đăng thông báo về một cuộc tập trận kéo dài 3 tuần trên Biển Đông, từ ngày 19/3 đến ngày 9/4 và cấm tàu thuyền đi vào khu vực liên quan.
Ngày 6/4, Việt Nam tuyên bố tập trận bắn đạn thật tại tỉnh Bình Định từ ngày 11-21/4. Theo tường thuật của báo Thanh Niên ngày 14/4, trong hai ngày 12-13/4, các loại máy bay chiến đấu Su-22, Su-27 và trực thăng Mi-8 của Sư đoàn không quân 372 (Quân chủng Phòng không – Không quân, PK-KQ) đã thực hành bắn, ném bom, đạn thật tại trường bắn TB-2 (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định).
Nguyễn Quân
Từ khóa Ukraine biển Đông Quan hệ Việt Trung