Việt Nam phản đối khi ‘TQ đã quân sự hóa hoàn toàn ít nhất ‘3 đảo’ ở Trường Sa’
- Nguyễn Quân
- •
Chiều 7/4, Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền Việt Nam và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động này. Tuyên bố được đưa ra một cách chậm trễ khi hơn 2 tuần trước, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc John C. Aquilino cho biết Trung Quốc đã quân sự hóa hoàn toàn ít nhất 3 đảo nhân tạo trên Biển Đông.
Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 7/4, khi được hỏi về thông tin Trung Quốc đã hoàn thành quân sự hoá một số đảo nhân tạo mà nước này đã bồi đắp ở Biển Đông, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng tái khẳng định rằng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác lập phù hợp với Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), yêu cầu phía Trung Quốc tôn trọng và chấm dứt hoạt động vi phạm.
“Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS).
Việc thúc đẩy quân sự hóa trên một số cấu trúc thuộc quần đảo Trường Sa không chỉ vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, mà còn gây lo ngại cho các nước trong khu vực, cộng đồng quốc tế, như được phản ánh trong các văn kiện của ASEAN, không có lợi cho việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định của Biển Đông”, bà Hằng nói, báo Tuổi Trẻ dẫn lời.
“Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, chấm dứt quân sự hóa, không có hành động gây gia tăng căng thẳng trong khu vực, duy trì điều kiện thuận lợi cùng ASEAN tiếp tục thúc đẩy Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS”, bà Hằng nhấn mạnh.
Nội dung trả lời nói trên của phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng không được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Ngoại giao Việt Nam (mục Thông tin báo chí).
Trong bản tin độc quyền đăng tải ngày 21/3, hãng tin AP dẫn lời của Tư lệnh khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương của quân đội Mỹ, Đô đốc John C. Aquilino nói vào ngày 20/3, rằng Trung Quốc đã quân sự hóa hoàn toàn ít nhất 3 trong số các hòn đảo mà nước này đã bồi đắp từ các đá và xây dựng trái phép trên Biển Đông.
Các hệ thống vũ khí được trang bị bao gồm tên lửa chống hạm, tên lửa phòng không, hệ thống laser và gây nhiễu tín hiệu, và máy bay chiến đấu. Ông Aquilino cho biết các hành động này hoàn toàn trái ngược với cam kết trước đây của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng Bắc Kinh sẽ không biến các đảo nhân tạo trong vùng biển tranh chấp thành căn cứ quân sự. Theo ông Aquilino, những nỗ lực này là một phần trong quá trình Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự của mình.
Bản tin trên không nêu cụ thể ba đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã quân sự hoá hoàn toàn. RFA Tiếng Việt ngày 21/3 dẫn ý kiến của GS Carlyle Thayer (Đại học New South Wales, Úc) rằng ba đảo nhân tạo đó có thể là Đá Subi, Đá Chữ Thập và Đá Vành Khăn, đều thuộc quần đảo Trường Sa,
Quần đảo Trường Sa gồm hơn 100 đảo, bãi ngầm, cồn cát, bãi đá san hô…, thuộc chủ quyền của Việt Nam. Hiện Trung Quốc chiếm đóng trái phép 7 thực thể tại quần đảo này, cải tạo thành đảo nhân tạo và căn cứ quân sự (gồm Đá Subi, Đá Chữ Thập, Đá Vành Khăn, Đá Gaven, Đá Tư Nghĩa, Đá Gạc Ma và Đá Châu Viên).
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt tập trận kéo dài trên Biển ĐôngKhi được hỏi về thông tin Trung Quốc tiếp tục tập trận kéo dài ở Biển Đông từ ngày 19/3 đến ngày 9/4, sau khi Việt Nam đã có giao thiệp, yêu cầu Trung Quốc không vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết lập trường của Việt Nam về việc này đã được nêu rõ vào ngày 7/3. “Một lần nữa, Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc tôn trọng và chấm dứt hoạt động vi phạm ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác lập phù hợp với Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), kiềm chế không có hành động làm phức tạp tình hình, góp phần duy trì hòa bình an ninh, ổn định ở Biển Đông”, bà Hằng nói trong cuộc họp báo chiều 7/4. Việt Nam tiếp tục giao thiệp với phía Trung Quốc về vấn đề này, bà Hằng công bố. Trước đó, vào ngày 4/3, Cục Hải sự Trung Quốc (MSA) đăng thông báo về cuộc tập trận diễn ra từ ngày 4-15/3 của quân đội nước này, theo tọa độ là khu vực nằm giữa tỉnh Hải Nam của Trung Quốc và miền trung Việt Nam. Ngày 7/3, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng ra tuyên bố “Việt Nam đề nghị Trung Quốc tôn trọng và không vi phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam”, cho biết Việt Nam đã giao thiệp với Trung Quốc về vấn đề này. Cục Hải sự Trung Quốc (MSA) ngày 19/3 tiếp tục đăng thông báo về một cuộc tập trận kéo dài 3 tuần trên Biển Đông, từ ngày 19/3 đến ngày 9/4 và cấm tàu thuyền đi vào khu vực liên quan. |
Nguyễn Quân
Từ khóa tranh chấp biển Đông quần đảo Trường Sa Dòng sự kiện tập trận Biển Đông Trung Quốc quân sự hóa các đảo biển Đông