Khoảng 13.500 người nhập cư, chủ yếu là người Trung Quốc, đã được cấp giấy phép tị nạn tại Mỹ trước tháng 12/2012 đang phải đối mặt với khả năng bị trục xuất vì họ có thể đã nói dối trong đơn xin tị nạn.

Embed from Getty Images

Hàng ngàn người Trung Quốc tại Chinatown có thể bị trục xuất khỏi Mỹ do gian lận nhập cư. 

Các quan chức nhập cư Mỹ đang rà soát khoảng 3.500 trường hợp tị nạn và 10.000 trường hợp “tị nạn phái sinh” là người thân của người tị nạn, theo một báo cáo do Đài Phát thanh Công cộng Quốc gia (NPR) công bố hôm 28/9.

Theo luật Mỹ, một người đã được cấp giấy phép tị nạn có thể gửi đơn lên Cơ quan Công dân và Nhập cư Mỹ (USCIS) để yêu cầu cho thành viên gia đình của họ cư trú hợp pháp tại Mỹ theo dạng tị nạn phái sinh. Tình trạng này không bị hết hạn, miễn là hoàn cảnh của người tị nạn không có thay đổi.

Trường hợp 13.500 người tị nạn nêu trên đang bị rà soát lại vì họ có liên quan tới những người đã bị kết tội gian lận hồ sơ nhập cư trong một cuộc điều tra của các công tố viên liên bang tại New York vào năm 2012. Cuộc điều tra Operation Fiction Writer (Tác giả viết chuyện giả mạo) nhắm vào khoảng 30 luật sư nhập cư, người làm về luật nhưng chưa có giấy phép luật sư và các thông dịch viên bị nghi có hành vi gian lận nhập cư. Công tố viên liên bang cho biết những người này đã giúp người nhập cư ở các khu phố tàu (Chinatown) tại Flushing và Manhattan xin được giấy phép tị nạn bằng cách bịa ra các câu chuyện bị bức hại tại Trung Quốc.

Trong một tuyên bố bằng văn bản hôm 28/9, Katherine Tichacek, phát ngôn viên của USCIS cho hay: “USCIS, Văn phòng Cố vấn Pháp lý trưởng thuộc Lực lượng thực thi Nhập cư và Hải quan, và Văn phòng Điều hành về Rà soát Nhập cư đang rà soát những trường hợp này để đảm báo tính toàn vẹn trong hệ thống tị nạn của đất nước chúng ta và đảm bảo các giấy phép tị nạn được đưa ra dựa trên các thông tin thu thập ban đầu hợp pháp”.

Báo cáo của NPR hôm 28/9 đã cho thấy câu chuyện chi tiết hơn về cách thức người ta làm giả các đơn xin nhập cư. Một người đàn ông Trung Quốc nhập cư vào Mỹ từ năm 2005, được yêu cầu công bố tên là Lawrence, là một trong những người đã bị phát hiện có hành vi gian lận trong cuộc điều tra Operation Fiction Writer. Ông này đã hợp tác với FBI trong cuộc điều tra nêu trên vào năm 2012 để giúp cơ quan này có được các bằng chứng buộc tội chống lại các luật sư di trú gian lận trong giai đoạn từ 2011 tới 2014.

Ông Lawrence cho biết trong khi làm việc cho một luật sư có tên Ken Giles từ năm 2007, ông đã được học về “thực tế kinh doanh gian lận về lĩnh vực tị nạn”. Khoảng một năm sau đó, ông Lawrence chuyển sang làm việc cho một công ty khác do một người phụ nữ có tên Liu Fengling điều hành.

Tại công ty của bà Liu, ông Lawrence làm công việc viết chuyện. Công việc của ông Lawrence là tìm kiếm các câu chuyện giả mạo về sự đau khổ mà khách hàng của công ty đã trải qua. Thông thường, những câu chuyện này nói rằng khách hàng xin tị nạn hoặc là bị chế độ Trung Quốc bức hại vì lý do tôn giáo hay chính trị hoặc người đó là nạn nhân của các chính sách kế hoạch hóa gia đình hà khắc của chính quyền cộng sản Trung Quốc.

Trước khi Trung Quốc nới lỏng chính sách một con kéo dài hàng thập kỷ vào năm 2016, phụ nữ Trung Quốc mang thai “không được duyệt” hoặc là phải trả tiền phạt để giữ đứa trẻ, hoặc buộc bị ép nạo phá thai. Sự tàn bạo của chính sách kế hoạch hóa gia đình này của chế độ Trung Quốc được phơi bày trong một vụ việc vào năm 2013 tại tỉnh Hồ Nam. Giới chức tỉnh Hồ Nam khi đó đã ép một phụ nữ đang mang thai 7 tháng vào trại lao động và sau đó giết đứa bé. Báo cáo của truyền thông nhà nước Trung Quốc khi đó thông tin rằng người phụ nữ này bị sảy thai do tai nạn lao động.

Ông Lawrence ước tính rằng trong thời gian làm việc cho công ty của bà Liu, ông đã viết khoảng từ 500 tới 600 câu chuyện giả mạo. Ông thậm chí còn đưa ra một bản hướng dẫn, trong đó có các hồ sơ mà nhân viên của công ty này đã soạn thảo những lưu ý về viên chức tị nạn liên bang, điền đầy đủ các thông tin về những câu hỏi-đáp mà mỗi viên chức nhập cư Mỹ thường sẽ hỏi trong các cuộc phỏng vấn xin tị nạn.

Văn 2014, bà Liu đã bị đưa ra tòa và bị kết tội âm mưu gian lận nhập cư. Ông Giles bị kết án hai năm tù sau khi nhận tội âm mưu gian lận nhập cư. Ông Lawrence chỉ bị phạt quản thúc tại ngoại 6 tháng vì đã hợp tác với FBI.

Giả danh học viên Pháp Luân Công để xin tị nạn

Theo báo cáo của NPR, những người di cư vào Mỹ được cấp giấy phép tị nạn đến từ Trung Quốc nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Chẳng hạn, năm 2016, trong số 20.455 cá nhân được cấp giấy phép tị nạn tại Mỹ, có tới 22% là người di cư Trung Quốc, tiếp đến là người El Salvador chiếm 10% và người Guatemala chiếm 9%.

Do người xin tị nạn bắt buộc phải chứng minh được rằng họ là nạn nhân bị chính quyền nước mình bức hại, nên nhiều người Trung Quốc di cư bất hợp pháp đã bịa ra các câu chuyện họ bị bức hại vì tham gia các hoạt động dân chủ tại Trung Quốc, cũng như bị đàn áp vì các lý do về tôn giáo như là tín đồ Công giáo hoặc là học viên Pháp Luân Công.

Pháp Luân Công hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp là một môn tu luyện tinh thần cổ xưa với các bài giảng về đạo đức và các bài tập thiền định nhẹ nhàng, bắt đầu phổ biến tại Trung Quốc trong những năm 1990. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ban đầu ủng hộ Pháp Luân Công, nhưng sau khi môn tu luyện này trở nên nổi tiếng với hơn 100 triệu người theo tập, theo ước tính chính thức, lãnh đạo ĐCSTQ lúc bấy giờ là Giang Trạch Dân đã tiến hành cuộc bức hại trên toàn quốc, cho rằng sự nổi tiếng của Pháp Luân Công là mối đe dọa đối với quyền lực của ông ta.

Từ tháng 7/1999, hàng trăm ngàn học viên Pháp Luân Công đã bị bắt vào tù, trại tẩy não và trại lao động với nỗ lực ép họ phải từ bỏ đức tin của mình, theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp.

Nhiều học viên Pháp Luân Công từ Trung Quốc Đại Lục đã trốn chạy ra nước ngoài để xin tị nạn nhằm tránh cuộc bức hại tiếp diễn; người tu luyện Pháp Luân Công tại Trung Quốc hiện nay vẫn đang bị bắt giữ tùy tiện vì kiên định tu luyện hoặc phổ biến thông tin tới công chúng về cuộc bức hại. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp những người Trung Quốc di cư bất hợp pháp đã giả vờ là học viên Pháp Luân Công để xin tị nạn ở nước khác. Những người này giả danh học viên Pháp Luân Công bằng cách chụp các bức hình chung với các học viên Pháp Luân Công tại các sự kiện do các học viên tổ chức hoặc học thuộc một số nội dung trong các sách của Pháp Luân Công.

Tại Hàn Quốc vào năm 2017 cũng từng phát hiện nhiều người nộp đơn xin tị nạn giả danh là học viên Pháp Luân Công. Năm 2017, hai du khách mang quốc tịch Trung Quốc tới đảo Jeju, Hàn Quốc theo chương trình miễn thị thực đã quyết định nộp hồ sơ xin tị nạn ở đó. Sau khi họ di chuyển tới một thành phố khác của Hàn Quốc để chống lại các quy định về xin tị nạn, họ đã bị cảnh sát địa phương bắt giữ, theo một báo cáo vào tháng 4/2017 của văn phòng Hàn Quốc của tờ The Epoch Times phiên bản tiếng Trung.

Sau khi bắt giữ hai người Trung Quốc nêu trên, cảnh sát Hàn Quốc đã phát hiện hai người Trung Quốc này đã nói dối là học viên Pháp Luân Công trong đơn xin tị nạn. Hai người này đã trả 5 triệu won Hàn Quốc (khoảng 4.464 USD) cho “một người trung gian” để làm chứng trong đơn xin tị nạn của họ rằng họ là những người tu luyện Pháp Luân Công đang đối mặt với bức hại tại Trung Quốc.

Theo The Epoch Times,

Thanh Long dịch

Xem thêm: