Hoa Kỳ – Đài Loan ký ghi nhớ hợp tác tuần tra biển, tăng cường quan hệ
- Mộc Lan
- •
Ngày 25/3/2021, Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan (AIT) và Văn phòng Đại diện Kinh tế & Văn hóa Đài Bắc tại Hoa Kỳ (TECRO) đã ký “Biên bản ghi nhớ thành lập Nhóm công tác Cảnh sát biển” (Coast Guard Working Group – CGWG). Diễn đàn mới này nhằm giúp tăng cường giao tiếp, thiết lập quan hệ hợp tác cũng như chia sẻ thông tin giữa AIT và TECRO thông qua các Đại diện được chỉ định tương ứng của họ, Cảnh sát biển Hoa Kỳ (USCG) và Cảnh sát biển Đài Loan.
Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan (AIT) tuyên bố rằng bản ghi nhớ dựa trên mối quan hệ giao lưu nhân dân bền chặt giữa Hoa Kỳ và Đài Loan, xác nhận các mục tiêu chung bao gồm việc bảo vệ tài nguyên biển, giảm các hoạt động đánh bắt “bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định”, đồng thời tham gia tìm kiếm hàng hải chung và cứu hộ và ứng phó với ô nhiễm môi trường hàng hải.
Để phối hợp chặt chẽ hơn các hoạt động, AIT tuyên bố rằng Hoa Kỳ ủng hộ sự đóng góp của Đài Loan trong các vấn đề toàn cầu quan tâm, bao gồm an ninh và an toàn hàng hải, và xây dựng mạng lưới để tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi thông tin thực thi pháp luật hàng hải và hợp tác quốc tế.
Bản ghi nhớ đã được ký bởi Giám đốc điều hành AIT Ingrid Larson và đại diện Đài Loan tại Hoa Kỳ, Tiêu Mỹ Cầm (Hsiao Bi-khim). Lễ ký kết được tổ chức với sự tham gia của ông Sung Kim, quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Châu Á-Thái Bình Dương cùng bà Ann Castiglione-Cataldo – cố vấn về quan hệ quốc tế cho Lực lượng Tuần duyên Mỹ.
Về bản ký kết này, Tổng thống Đài Loan Thái Văn Anh bày tỏ, chúng tôi là một quốc gia hàng hải, và do đó “là một bên liên quan có trách nhiệm trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Đài Loan sẵn sàng đóng góp nhiều hơn cho các vấn đề hàng hải và cùng nhau bảo vệ khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở!”
Ngày 26/3, Thủ tướng Đài Loan Tô Chấn Xương tuyên bố rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đơn phương ban hành “Luật Cảnh sát biển” để sử dụng vũ lực, gây căng thẳng và áp lực đối với các nước láng giềng. Dựa trên các giá trị chung, cùng nhau hiệp lực nhằm duy trì hòa bình và ổn định của khu vực, chúng tôi hy vọng rằng ĐCSTQ sẽ không tiếp tục làm sâu sắc thêm căng thẳng trong khu vực.
“Luật Cảnh sát biển” của ĐCSTQ khiến mọi người lo lắng rằng nó có thể đơn phương sử dụng vũ lực mà không cần cảnh báo trước, điều này vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc và các nguyên tắc sử dụng hòa bình luật biển quốc tế. Trong tương lai Đài Loan, Hoa Kỳ, Nhật Bản và thậm chí Hoa Kỳ và các nước Đông Nam Á sẽ có nhiều hoạt động thực thi pháp luật hàng hải hơn và sẽ phản ứng với các cuộc xung đột khu vực xám do ĐCSTQ thực hiện với lực lượng dân quân hàng hải. Bản ghi nhớ trên được hiểu là một biện pháp đối phó “Luật Cảnh sát biển” của ĐCSTQ.
Cựu đại biểu Quốc hội Đài Loan đồng thời là nhà bình luận các vấn đề thời sự Hoàng Bành Hiếu (Huang Pengxiao) nhận định rằng, Đài Loan và Hoa Kỳ không có quan hệ ngoại giao, và sự hợp tác tuần tra trên biển của hai bên ban đầu được thực hiện theo cách thức rất khiêm tốn, tại sao hai bên đột nhiên quyết định công khai, hơn nữa lại còn “văn bản hóa” quan hệ hợp tác, “nói thẳng ra là muốn cảm ơn ông Tập Cận Bình vì sự ‘hỗ trợ’ mạnh mẽ của ông ấy”.
Ông Hoàng Bành Hiếu chỉ ra rằng “chính sách ngoại giao sói chiến” của ĐCSTQ đã “trợ giúp” Đài Loan tăng cường nhiều mối quan hệ hữu nghị quốc tế, đặc biệt là mối đe dọa thống nhất quân sự của ĐCSTQ đã càng khiến Hoa Kỳ và Nhật Bản ủng hộ lập trường chống lại chế độ cộng sản Trung Quốc của Đài Loan, chuyển từ một chính sách mơ hồ sang một thái độ rõ ràng. Đây chắc chắn là một dấu mốc quan trọng trong sự phát triển hơn nữa của quan hệ Đài Loan – Hoa Kỳ.
IOC và AIT đồng tổ chức hội thảo vào tháng Chín
Để tham gia tích cực vào các vấn đề hàng hải quốc tế, ngày 26/3, IOC thông báo rằng họ sẽ hợp tác với chi nhánh AIT Cao Hùng để tổ chức “Hội nghị Quốc tế Quản lý biển Đài Loan năm 2021”, chủ yếu tập trung vào luật và chính trị hàng hải, văn hóa biển và giáo dục biển. Các cuộc hội thảo được thực hiện trong sáu lĩnh vực chính bao gồm công nghệ biển, bảo tồn biển, an toàn khu vực biển, kỹ thuật hàng hải và công nghiệp biển.
Ông Lý Trọng Uy (Li Zhongwei), Chủ tịch IOC, bày tỏ hy vọng rằng thông qua việc tổ chức hội thảo quốc tế này, thông tin mới nhất và xu hướng phát triển trong nghiên cứu liên quan đến biển trong và ngoài nước sẽ được tìm tòi thêm, để xúc tiến trao đổi giữa các ngành công nghiệp, chính phủ Đài Loan, nghiên cứu hàn lâm và các chuyên gia và học giả liên quan đến biển từ khắp nơi trên thế giới, đưa ra lời khuyên về các chính sách quản lý biển trong tương lai và mở rộng sự tham gia của các chuyên gia hàng hải Đài Loan trong các vấn đề quốc tế, để tích cực thúc đẩy Đài Loan tham gia các hội nghị quốc tế về biển và tổ chức quốc tế về biển.
Mộc Lan (t/h)
Xem thêm:
Từ khóa Thái Bình Dương quan hệ Mỹ - Đài Loan Ấn Độ Dương Thái Văn Anh hàng hải Ấn Độ - Thái Bình Dương