Các mối đe dọa tiềm tàng của Nhà nước Hồi giáo (ISIS) chống lại người Mỹ ở Afghanistan đang buộc quân đội Mỹ phải đưa ra cách thức mới để đưa người sơ tán đến sân bay Kabul, làm tăng thêm sự phức tạp cho chiến dịch “giải cứu người Mỹ” sau khi Afghanistan nhanh chóng rơi vào tay Taliban.

Embed from Getty Images

Các quan chức Hoa Kỳ đang thay đổi chiến lược sơ tán ở Afghanistan sau khi biết các mối đe dọa tiềm tàng từ Nhà nước Hồi giáo (ISIS), AP đưa tin hôm thứ Bảy.

Một quan chức chính phủ nói chuyện với AP với điều kiện giấu tên nói rằng các nhóm nhỏ người Mỹ và những người khác sẽ được hướng dẫn cách gặp các thành viên quân đội để sơ tán.

Những thay đổi diễn ra khi đại sứ quán Hoa Kỳ hôm thứ Bảy đưa ra cảnh báo an ninh mới yêu cầu công dân không đến sân bay Kabul mà không có hướng dẫn riêng của đại diện chính phủ Hoa Kỳ.

Các quan chức từ chối cung cấp chi tiết cụ thể hơn về mối đe dọa ISIS nhưng mô tả nó là “đáng kể.” Họ cho biết vẫn chưa có cuộc tấn công nào được xác nhận.

Nhà nước Hồi giáo IS đã hoạt động ở Afghanistan trong một số năm, thường thực hiện một số vụ tấn công kinh hoàng, chủ yếu vào nhóm thiểu số Shiite.

IS đã nhiều lần trở thành mục tiêu của các cuộc không kích của Mỹ trong những năm gần đây. Taliban cũng tấn công nhóm này. Tuy nhiên, các quan chức cho biết nhóm vẫn đang hoạt động lẻ tẻ ở Afghanistan và Mỹ lo ngại rằng nhóm này sẽ tổ chức lại lực lượng lớn hơn khi đất nước nằm dưới sự cai trị của Taliban.

Diễn biến mới nhất này được đưa ra khi chính phủ Mỹ đang cố gắng sơ tán hàng nghìn người Mỹ và các đồng minh khỏi Afghanistan sau khi Taliban tiếp quản đất nước.

Hôm thứ Bảy, Thiếu tướng Lục quân Hank Taylor, Phó Giám đốc Bộ Tham mưu liên quân phụ trách các hoạt động khu vực, nói với các phóng viên Lầu Năm Góc rằng Mỹ đã sơ tán 17.000 người qua sân bay Kabul kể từ ngày 15/8.

Ông nói, khoảng 2.500 người là người Mỹ. Các quan chức Mỹ ước tính có khoảng 15.000 người Mỹ ở Afghanistan, nhưng thừa nhận rằng họ không có con số chắc chắn. Trong ngày qua, khoảng 3.800 dân thường đã được sơ tán khỏi Afghanistan thông qua sự kết hợp của quân đội Mỹ và các chuyến bay thuê, ông Taylor nói.

Ông Taylor nói thêm rằng sân bay Kabul vẫn mở và người Mỹ sẽ tiếp tục được sơ tán nếu họ đến được sân bay, nhưng ông và phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby cho biết bức tranh về mối đe dọa sẽ thay đổi theo giờ.

Tổng thống Joe Biden cho biết thời hạn hoàn thành việc rút quân khỏi Afghanistan của ông là ngày 31 tháng 8. Tuy nhiên, ông sau đó cho biết thời hạn có thể được kéo dài thêm nếu vẫn còn người Mỹ chưa được sơ tán vào thời điểm đó.

Ông Biden đang phải đối mặt với ngày càng nhiều chỉ trích trước thất bại rút quân tại Afghanistan, trong bối cảnh những người Afghanistan từng làm việc cho Hoa Kỳ lo sợ sự trả đũa của Taliban đã gửi lời cầu xin tuyệt vọng “không bị bỏ lại phía sau.”

Trong khi đó, thủ lĩnh chính trị hàng đầu của Taliban là Mullah Abdul Ghani Baradar đã đến Kabul để đàm phán về việc thành lập chính phủ mới.

Baradar đã đàm phán về thỏa thuận hòa bình năm 2020 của Taliban với chính quyền Trump và hiện ông này được cho là sẽ đóng một vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán giữa Taliban và các quan chức chính phủ Afghanistan bị hạ bệ.

Taliban sẽ không đưa ra thông báo về chính phủ mới cho đến khi thời hạn rút quân ngày 31/8 của Hoa Kỳ trôi qua.

Ngoài Hoa Kỳ, các cuộc sơ tán của những quốc gia khác tiếp tục diễn ra, mặc dù một số chuyến bay đi trống rất nhiều chỗ. Quân đội Đức cho biết trong một tweet rằng một máy bay đã rời Kabul hôm thứ Bảy với 205 người sơ tán, trong khi chiếc thứ hai chỉ chở có 20 người.

Bộ Quốc phòng Ý hôm thứ Bảy đã thông báo về việc sơ tán 211 người Afghanistan, nâng tổng số người Afghanistan từng làm việc tại các cơ quan đại diện của Ý cùng gia đình họ đã được sơ tán an toàn lên 2.100 người.

Hôm thứ Sáu, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết khoảng 1.000 người mỗi ngày đang được sơ tán trong bối cảnh “ổn định” tại sân bay. 

Cho đến nay, 13 quốc gia đã đồng ý tiếp đón những người Afghanistan sơ tán, ít nhất là tạm thời, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết. 12 nước khác đã đồng ý làm điểm trung chuyển cho những người di tản, bao gồm cả người Mỹ và những người khác.

Lê Xuân (t/h)

Xem thêm: