Hỏa lực của Putin đã đánh thức “những con sư tử” ngủ yên suốt 70 năm
- Thành Dung
- •
Vào ngày thứ 6 của cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine, có thể đã lộ rõ cuộc chiến này sẽ làm thay đổi cục diện chính trị quốc tế trong tương lai và phá vỡ vĩnh viễn sự cân bằng quyền lực chính trị quốc tế hiện nay. Cuộc chiến xâm lược của Putin đã thúc đẩy hoàn thành nhiều nhiệm vụ mà vốn dĩ trước đây thường “bất khả thi”.
Liên minh châu Âu (EU) vốn luôn kiên định con đường ứng xử hòa bình thì nay đã trở thành nhà cung cấp vũ khí và thậm chí cả máy bay chiến đấu cho quân đội Ukraine. Quyết định tài trợ đạn dược và tài chính của EU là chưa có tiền lệ.
Ngoài việc hoan nghênh Ukraine gia nhập, EU cũng đã sử dụng “Quỹ Hòa bình EU” để chuẩn bị cung cấp 500 triệu euro cho Ukraine trang bị vũ khí. Đồng thời viện trợ quân sự hùng hậu đã được EU triển khai: cung cấp máy bay chiến đấu đã sẵn sàng cho Ukraine (bao gồm phi công). Hình thức hỗ trợ này gần giống như nước Mỹ hồi năm 1941 lập ra “Đội Hổ bay” (Flying Tigers) để hỗ trợ cho Trung Quốc trong chiến tranh chống Nhật.
Ngoài ra, mới hôm thứ Hai (28/2), EU và Mỹ cho biết sẽ thành lập đội quân tình nguyện tham chiến ở Ukraine, thì đến thứ Ba đợt quân tình nguyện đầu tiên của Anh và Mỹ đã đến Kyiv và ngay lập tức bắt đầu chiến đấu. Tuy là quân tình nguyện nhưng thực chất đằng sau đó là hành động của quốc gia nên đội quân không khác gì quân chính quy. Trước đây trong cuộc chiến tranh chống Nhật Bản, người dân Trung Quốc đã phải chịu đựng 10 năm trong hoàn cảnh tuyệt vọng và phải đến khi xảy ra sự kiện Trân Châu Cảng, họ mới thực sự có được trợ giúp quy mô lớn từ các đồng minh, nhưng người Ukraine ngày nay đã rất may khi chỉ 4 ngày sau khi hứng chịu cuộc chiến đã nhận được các hình thức hỗ trợ, cho thấy thế giới đã có nhiều tiến bộ sau hơn 70 năm.
Đáng chú ý nữa là nước Đức vốn lâu nay nỗ lực xu thế hòa bình thì cuối cùng đã đi đầu trong mục tiêu chi tiêu quốc phòng của NATO. Sau những do dự ban đầu, Đức đã phá bỏ vùng cấm và đồng ý cung cấp vũ khí cho Ukraine. Berlin đồng ý cung cấp cho Kyiv 1000 bệ phóng tên lửa chống tăng, 500 tên lửa đất đối không di động Stinger, 9 lựu pháo, 14 xe bọc thép và 10.000 tấn nhiên liệu.
Kể từ bây giờ, chi tiêu quân sự của Đức sẽ tăng từ khoảng 1,5% GDP lên hơn 2%, một ngân sách đặc biệt trị giá 100 tỷ euro sẽ được thúc đẩy để tái trang bị cho quân đội nhằm xây dựng lực lượng vũ trang hùng hậu hơn, và ngay lập tức ngân sách quốc phòng của Đức đã tăng vọt lên hàng thứ ba trên thế giới, điều này sẽ tác động sâu sắc đến cục diện EU. Các thế hệ tổng thống Mỹ đều đã yêu cầu Đức tăng chi tiêu quân sự, nhưng suốt 30 năm qua người Đức không thực hiện, chỉ đến khi động thái của Putin đối với Ukraine đã khiến Đức phải triển khai lập tức.
Thậm chí chính hành động của Putin đã khuấy động chính sách mở rộng EU đã ngủ yên từ lâu, vốn đã bị đóng băng trong khoảng một thập kỷ. Đó là lý do mọi nỗ lực của Ukraine trong hơn 10 năm để mong gia nhập EU nhưng không thể thực hiện. Tuy nhiên hành động của Putin đã khiến EU thay đổi 180 độ. Hôm thứ Hai (28/2), Chủ tịch EU Ursula von der Leyen đã nói rõ rằng Ukraine được hoan nghênh gia nhập EU.
Putin không chỉ mất Ukraine, mà bây giờ là cả Thụy Điển và Phần Lan. Những “người bạn hiền” trung lập lần này vô cùng khiếp sợ và tuyên bố công khai về việc muốn gia nhập NATO. Phần Lan và Nga vốn có mối thâm thù lâu đời, từng nhiều lần răn đe nhau, trước đây do dè chừng Nga nên Phần Lan ngại gia nhập NATO, nhưng lần này đã không còn giữ khách khí. Đặc biệt là Thụy Điển thậm chí còn viện trợ cho Ukraine 5000 “vũ khí chống tăng hạng nhẹ thế hệ tiếp theo” (NLAW).
Nói Thụy Điển là “người bạn hiền” vì đất nước này đã trung lập kể từ năm 1814. Họ không tham gia vào các cuộc chiến tranh thế giới như Thế chiến thứ Nhất và Thế chiến thứ Hai. Mãi sang thế kỷ 21 thì Thụy Điển mới bắt đầu tham gia vào các tổ chức quốc tế. Đối với một nước không ý thức về đối ngoại như vậy mà đã thay đổi truyền thống để bắt đầu can thiệp vào các cuộc xung đột quân sự, có thể tưởng tượng được cú sốc mà cuộc chiến Putin gây ra tác động như thế nào vào những công dân EU vốn dĩ lâu nay chỉ chú trọng “con đường hòa bình”.
Nhưng so với Thụy Điển thì Thụy Sĩ còn có truyền thống trung lập lâu đời hơn, được biết đến với hoạt động kinh doanh ngân hàng nổi tiếng. Thời Đức Quốc xã khét tiếng là vậy nhưng Thụy Sĩ vẫn không bỏ hỗ trợ cung cấp dịch vụ tị nạn tài chính. Nhưng ngày nay thật bất ngờ khi Thụy Sĩ đã tuyên bố đóng băng tài sản của Nga tại Thụy Sĩ, bao gồm cả của chính Putin. Có thể nói Putin đã được hưởng “đãi ngộ” mà ngay Hitler cũng không có được.
Kể từ cuộc khủng hoảng di cư năm 2015, các nước Đông Âu như Ba Lan luôn phản đối gay gắt chính sách đối với người nhập cư của EU. Nhưng giờ đây cánh cửa của “pháo đài EU” này cũng đã được mở toang, những người tị nạn Ukraine được chào đón với vòng tay rộng mở ở Warsaw.
Dự kiến tuần này, EU sẽ đồng ý cho công dân Ukraine được phép tạm trú trong khối với thời hạn trước mắt là 3 năm. Đáng chú ý là nước Anh lâu nay luôn cứng rắn với chính sách nhập cư cũng đã cam kết trong vòng 12 tháng tiếp nhận 100.000 người tị nạn Ukraine.
Những diễn biến mới về chính sách di dân kể trên cho thấy hoàn toàn trái ngược với kế hoạch của EU sau khi Afghanistan sụp đổ: trả tiền cho “các nước vùng đệm” tiếp nhận người tị nạn Afghanistan nhằm ngăn họ đến EU.
Từ khóa Châu âu EU liên minh châu Âu Nga xâm lược Ukraine Chiến tranh Nga - Ukraine Nga tấn công Ukraine