Iran mở lại nhà máy hạt nhân đã dừng hoạt động 9 năm
- Xuân Thành
- •
Hôm thứ Tư (27/6), Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) đã phát đi tuyên bố họ đã mở lại nhà máy hạt nhân “chính” sau 9 năm dừng hoạt động. Đây là động thái mới nhất của chế độ Tehran nhằm đáp trả việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015.
Trong tuyên bố thông báo về việc mở lại nhà máy hạt nhân, AEOI cho hay: “Nhà máy sản xuất tại Khu phức hợp UCF, tỉnh Isfahan thực tế đã không hoạt động từ năm 2009 vì thiếu bột uranium. Điều quan trọng của việc tái khởi động UCF Isfahan là để thực hiện mệnh lệnh của lãnh đạo tối cao [Iran] nhằm chuẩn bị cho việc tăng cường khả năng làm giàu uranium”.
Mặc dù, chế độ Iran khẳng định rằng họ phát triển hạt nhân là vì mục đích hòa bình, nhưng việc mở lại nhà máy Isfahan UCF sẽ cho phép chuyển đổi bột uranium, được gọi là bánh vàng thành khí hexafluoride uranium – có thể được sử dụng cho bom nguyên tử, cũng như các nhà máy điện hạt nhân.
Thông báo về việc mở lại nhà máy hạt nhân của Iran đến vào thời điểm chế độ Tehran chuẩn bị tăng cường hoạt động làm giàu uranium sau một tháng Tổng thống Mỹ Donald Trump xác nhận rút nước Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015, được Tổng thống Barack Obama, cùng các lãnh đạo Châu Âu, Nga và Trung Quốc ký kết.
Ngoại giới nhận định động thái này của Iran dường như là nỗ lực gây áp lực lên các lãnh đạo Châu Âu, buộc họ phải tìm cách tháo gỡ các chế tài mà Mỹ tái áp đặt lên Iran sau khi Washington chính thức rút khỏi thỏa thuận 2015.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani mới đây đã viết thư cảnh báo các lãnh đạo Pháp, Đức và Anh rằng thời gian để cứu thỏa thuận hạt nhân đang cạn dần. Ông Rouhani, được cho là người có quan điểm ôn hòa, đã bất ngờ có những phát ngôn chống Mỹ kịch liệt. Hôm thứ Tư (27/6), ông Rouhani đã kêu gọi người Iran hãy giúp “mang nước Mỹ quỳ gối dưới chân họ”.
Phản ứng gay gắt của Tổng thống Iran được cho là để đáp trả lại những phát ngôn cứng rắn gần đây của Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo.
Trong bài phát biểu tại Quỹ Di sản vào tháng trước, Ngoại trưởng Pompeo đã vạch ra một loạt các yêu cầu Iran cần đáp ứng để có thể đàm phán một thỏa thuận hạt nhân mới, trong đó bao gồm việc Iran cần minh bạch hơn trong việc công bố các cơ sở hạt nhân và phải chấm dứt ủng hộ các tổ chức khủng bố như Hezbollah.
Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đã gọi phát biểu của người đồng cấp Mỹ là “tuyên bố vô căn cứ và xúc phạm”, tuyên bố đó “đưa ra một loạt các yêu cầu và đe dọa chống lại Iran vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, các chuẩn mực quốc tế được thiết lập tốt và cách hành xử văn minh”.
Ông Javad Zarif nhấn mạnh: “Không ngạc nhiên khi tuyên bố đó và tuyên bố của Tổng thống Mỹ về Iran đã bị cộng đồng quốc tế, trong đó có bạn bè và đồng minh của Mỹ hoặc là phớt lờ, hoặc là phản đối. Chỉ có một số nước nhỏ trong khu vực của chúng ta vốn là bạn hàng của Mỹ mới hoan nghênh các phát biểu này”.
Trong khi đó, cũng vào thứ Tư (27/6), tờ Nhật báo phố Wall (WSJ) dẫn nguồn tin giấu tên từ chính phủ Trump, cho biết Mỹ sẽ áp đặt chế tài lên các nước không dừng nhập dầu mỏ của Iran sau ngày 4/11.
Vị quan chức Mỹ đã nói với WSJ: “Chúng tôi coi điều này như là một trong những ưu tiên an ninh quốc gia hàng đầu”.
Đề cập tới các nước đang mua dầu mỏ của Iran, quan chức nêu trên cho biết: “Chúng tôi chắc chắn sẽ yêu cầu lượng nhập dầu từ Iran của họ về không sau ngày 4/11”.
Kinh tế và xã hội Iran đang diễn biến theo chiều hướng xấu. Hôm thứ Hai (25/6), đồng Rial mất giá trị kỷ lục với tỷ giá quy đổi 90.000 Rial được 1 USD. Vào cuối năm 2017, tỷ giá ở mức 42.890 Rial đổi 1 USD.
Người dân thủ đô Tehran đã xuống đường trong nhiều ngày qua để phản đối chế độ cầm quyền không tập trung phát triển kinh tế trong nước, mà lại thực hiện chiến dịch phưu lưu gây ảnh hưởng ở nước ngoài như tại Syria hay Yemen.
Theo hãng tin Breitbart (Mỹ), lạm phát và giá tiêu dùng tăng cao, tỷ lệ thất nghiệp lên tới 40% đã đẩy hàng triệu người dân Iran phải vật lộn để mua các sản phẩm thiết yếu cho gia đình, trong đó có lương thực.
Xuân Thành
Xem thêm:
Từ khóa Quan hệ Mỹ Iran Iran nhà máy hạt nhân Iran chương trình hạt nhân Iran