Israel sẽ đóng cửa biên giới với tất cả người nước ngoài để chặn biến chủng Omicron
- Xuân Thành
- •
Israel hôm thứ Bảy (27/11) đã tiết lộ những kế hoạch mới, trong đó sẽ cấm tất cả người nước ngoài nhập cảnh. Nhà nước Do Thái sẽ trở thành quốc gia đầu tiên đóng biên hoàn toàn với thế giới bên ngoài nhằm ngăn chặn lây lan biến chủng mới của COVID-19 được WHO đặt tên là Omicron.
Thủ tướng Israel Naftali Bennett đã nói trong tuyên bố phát đi hôm 27/11 rằng kế hoạch cấm di trú đối với tất cả người nước ngoài sẽ kéo dài 14 ngày.
Israel cũng tiết lộ sẽ sử dụng công nghệ truy dấu chống khủng bố bằng điện thoại để giám sát lây lan biến chủng Omicron.
Trước đó, hôm thứ Sáu (26/11), Israel đã loan báo cấm nhập cảnh đối với những người nước ngoài đến từ hầu hết các quốc gia châu Phi.
Giới chức Israel hy vọng rằng thời gian cấm nhập cảnh 14 ngày sẽ giúp họ có thêm thông tin về mức độ hiệu quả của các loại vắc-xin COVID-19 hiện hành đối với biến chủng mới phát hiện.
Thủ tướng Bennett nói Israel cũng sẽ yêu cầu tất cả công dân nước này, kể cả những người đã tiêm vắc-xin COVID-19, phải cách ly khi đi từ nước ngoài về nước. Biện pháp này sẽ có hiệu lực từ giữa đên Chủ Nhật (28/11).
Israel đã xác nhận một trường hợp nhiễm biến chủng Omicron. Người này nhập cảnh quốc gia Do Thái từ Malawi, phía đông nam châu Phi. Bộ Y tế Israel không nói rõ liệu bệnh nhân này đã tiêm vắc-xin COVID-19 hay chưa.
Bộ Y tế Israel hôm 27/11 tiết lộ thêm rằng họ đang theo dõi 7 trường hợp nghi nhiễm biến chủng Omicron, 3 trong số 7 người này đã tiêm đầy đủ vắc-xin COVID-19 và 3 người khác trong số này gần đây không đi ra nước ngoài.
Israel đang dùng công nghệ điện thoại để theo dấu khoảng 800 người gần đây nhập cảnh vào quốc gia Do Thái từ các quốc gia phía nam của châu Phi.
Biến chủng Omicron lần đầu được xác nhận tại Nam Phi hôm 24/11 và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp biến chủng này vào nhóm “biến chủng đáng quan ngại”, cùng 4 biến chủng khác, trong đó có biến chủng Delta.
Cho đến 28/11, biến chủng Omicron đã được xác nhận xuất hiện ở Nam Phi, Úc, Bỉ, Botswana, Anh, Đan Mạch, Đức, Hồng Kông, Israel, Ý và Hà Lan.
Cùng với Israel, nhiều quốc gia khác gồm Mỹ, Canada, Liên minh châu Âu, Úc, Brazil, Iran, Nhật Bản và Thái Lan cũng đã áp đặt hạn chế di trú quốc tế đối với hàng loạt các quốc gia châu Phi.
Bộ trưởng Y tế Nam Phi đã gọi các biện pháp hạn chế di trú như vậy là “vô lý”. Trong khi đó, chủ tịch Hiệp hội Y khoa Nam Phi, Tiến sĩ Angelique Coetzee đã nói với nhiều hãng truyền thông rằng cho đến nay nhiều bệnh nhân do bà điều trị đều xuất hiện triệu chứng nhẹ. Tiến sĩ Coetzee đang điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 tại Pretoria, Nam Phi.
Tiến sĩ Coetzee nói với tờ The Guardian: “[Biến chủng mới] có thể có tính lây nhiễm cao, nhưng cho đến nay các bệnh nhân mắc chủng này mà chúng tôi đang theo dõi đều có triệu chứng cực kỳ nhẹ. Có lẽ sau khoảng hai tuần nữa, tôi sẽ có quan điểm khác, nhưng đây là những gì chúng tôi đang thấy”.
“Vậy chúng tôi có đang vô cùng lo lắng không? Không. Chúng tôi quan ngại và chúng tôi quan sát những gì đang xảy ra, nhưng cho đến bây giờ chúng tôi có thể nói, ‘Ok: ngoài kia đang hoàn toàn thổi phồng [biến chủng mới]. [Chúng tôi] không biết chắc tại sao”, Tiến sĩ Coetzee nói.
Xuân Thành (Theo Reuters và The Epoch Times)
Xem thêm:
Từ khóa Israel Dòng sự kiện COVID-19 biến chủng Omicron