Theo tờ South China Morning Post (SCMP) trích dẫn một nghiên cứu do Trung tâm Carter của Mỹ cùng với Đại học Emory đồng thực hiện, cho thấy 55,1% người được hỏi ở Trung Quốc không đồng ý sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề Đài Loan trong bất kỳ hoàn cảnh nào, 24,5% đồng ý, trong khi 20% giữ lập trường trung lập.

r shutterstock 80322838
Cuộc diễn tập “Jinhua 2011” được tổ chức tại cảng Đài Bắc vào ngày 29/6/2011. (Ảnh: Carlos Huang / Shutterstock)

Báo cáo cho biết, từ ngày 1 đến 25/9 năm ngoái, công ty khảo sát Dynata đã tiến hành một cuộc khảo sát trực tuyến với 2.211 công dân Trung Quốc trong độ tuổi từ 18 đến 54. Những cuộc khảo sát liên quan đến quan điểm của người dân Trung Quốc về chính sách đối ngoại thường rất hiếm gặp. Một số chuyên gia lo ngại rằng những người tham gia khảo sát có thể không dám thể hiện quan điểm thực sự vì sợ bị Chính phủ Bắc Kinh trả đũa.

Theo nhà khoa học chính trị Rory Truex của Đại học Princeton, người không tham gia vào nghiên cứu này, cho biết cần thận trọng khi diễn giải tỷ lệ khảo sát này. Tuy nhiên, ông cho rằng kết quả khảo sát cho thấy rõ ràng rằng người dân Trung Quốc có thể có những ý kiến phản đối đáng kể đối với việc Chính phủ Bắc Kinh tiếp quản Đài Loan, và điều này có thể mang ý nghĩa quan trọng đối với Bắc Kinh.

Khi được hỏi Bắc Kinh nên chờ bao lâu mới sử dụng vũ lực để thu hồi Đài Loan, các lựa chọn gồm: chờ 1 năm, 5 năm, 10 năm, 25 năm hoặc hơn 25 năm. Tỷ lệ chọn trong vòng 5 năm là cao nhất – chiếm 33,5%, trong khi chỉ có 18,1% cho rằng không cần hành động quân sự.

Trước đó, một cuộc khảo sát khác được thực hiện trong hai giai đoạn từ cuối năm 2020 đến đầu năm 2021, được đăng trên tạp chí “Trung Quốc Đương đại” (Our China Story), cho thấy tới 55% người được hỏi ở Trung Quốc Đại Lục ủng hộ phát động một cuộc chiến tranh toàn diện để thống nhất Đài Loan.

Cuộc khảo sát này cũng chỉ ra rằng tỷ lệ ủng hộ các biện pháp khác ngoài chiến tranh cũng khá cao, trong đó 58% ủng hộ sử dụng đe dọa quân sự, 57% ủng hộ trừng phạt kinh tế, và 55% muốn duy trì hiện trạng.

Ngoài ra, cuộc khảo sát của Trung tâm Carter và Đại học Emory không hỏi trực tiếp về quan điểm của người dân liên quan đến xung đột tiềm năng giữa Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc, ĐCSTQ) và Mỹ. Tuy nhiên, khi được hỏi về quan điểm đối với nước Mỹ và người dân Mỹ, chỉ 23,5% người tham gia khảo sát bày tỏ có thiện cảm hoặc hơi có thiện cảm.

Dù vậy, khoảng 70% người được hỏi vẫn ủng hộ việc Trung Quốc và Mỹ nên duy trì “quan hệ thân thiện và hòa bình” để tiếp tục phát triển kinh tế và thịnh vượng của Trung Quốc.

Hiện nay, trong khi Bắc Kinh không loại trừ khả năng thống nhất Đài Loan bằng vũ lực, thì Washington phản đối mọi nỗ lực chiếm Đài Loan bằng vũ lực và vẫn cam kết trang bị vũ khí cho Đài Loan.

Trong những năm gần đây, mối lo ngại tại Washington về khả năng ĐCSTQ tiếp quản Đài Loan ngày càng gia tăng. Một số quan chức Mỹ cho rằng năm 2027 có thể là mốc thời gian tiềm năng, và cảnh báo rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể sử dụng hành động xâm lược để chuyển hướng sự chú ý khỏi các vấn đề kinh tế ngày càng trầm trọng trong nước.

Giáo sư Vương Tín Hiền (Wang Hsin-hsien) của Viện Nghiên cứu Đông Á thuộc Đại học Chính trị Đài Loan, trong một bài phát biểu đã nói rằng Trung Quốc (ĐCSTQ) có một lịch trình về việc thống nhất Đài Loan, tuy nhiên nó phụ thuộc vào quan hệ Trung – Mỹ, và ông tỏ ra thận trọng với nhận định rằng ĐCSTQ sẽ sử dụng vũ lực vào năm 2027.

Ông Vương cho rằng quan hệ Mỹ – Trung là yếu tố chính quyết định khả năng ĐCSTQ thống nhất Đài Loan bằng vũ lực, vì Bắc Kinh phải cân nhắc rất nhiều về cách Mỹ sẽ phản ứng. Đây là yếu tố rất then chốt. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng nhiều lần cảnh báo Washington rằng vấn đề Đài Loan là lợi ích cốt lõi của ĐCSTQ, và tuyên bố rằng “vấn đề Đài Loan là lằn ranh đỏ đầu tiên không thể vượt qua trong quan hệ Trung – Mỹ”.

Ông Vương còn đề cập rằng ngoài yếu tố quan hệ Mỹ – Trung, các tính toán liên quan đến việc ĐCSTQ dùng vũ lực với Đài Loan còn bao gồm các điều kiện được nêu trong “Luật chống ly khai”, đối đầu quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương, phản ứng của các nước xung quanh, cũng như việc Hiệp ước An ninh Mỹ – Nhật có được kích hoạt hay không.

Tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ cảnh báo: Diễn tập quân sự của Bắc Kinh quanh Đài Loan đã chuyển từ “luộc ếch trong nước ấm” sang “sôi nhanh chóng”

Ngày 1/5, theo Financial Times đưa tin, Tư lệnh Bộ chỉ huy Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Samuel Paparo, trong Diễn đàn Sedona tổ chức tại bang Arizona (Mỹ), đã phát biểu rằng trong những năm gần đây, quân đội Trung Quốc liên tục tổ chức diễn tập quân sự quy mô lớn nhằm chiếm lấy các đảo ngoài khơi của Đài Loan, phong tỏa hòn đảo chính và thậm chí là tấn công trực diện. Tốc độ và quy mô của các hoạt động này đã vượt xa những gì ông dự đoán trong năm qua.

Lời cảnh báo của Paparo được đưa ra trong bối cảnh quân đội ĐCSTQ vẫn đang mở rộng các cuộc diễn tập quanh khu vực Đài Loan. Người tiền nhiệm của ông, John Aquilino, vào năm ngoái từng thẳng thắn chỉ ra rằng ĐCSTQ đang sử dụng chiến lược quân sự theo kiểu “luộc ếch trong nước ấm” để âm thầm mở rộng ảnh hưởng.

Ông Paparo cũng đề cập rằng vào tháng Hai năm nay, tàu chiến ĐCSTQ không chỉ tiến hành bắn đạn thật ở vùng biển đông nam nước Úc, mà còn lần đầu tiên đi vòng quanh nước Úc, cho thấy các hoạt động quân sự của ĐCSTQ trong khu vực đang mở rộng ra bên ngoài.

Khi nhắc đến thời điểm bàn giao chức vụ với ông Aquilino, ông Paparo tiết lộ rằng người tiền nhiệm đã cảnh báo ông nên chuẩn bị tinh thần cho khả năng xảy ra xung đột quân sự với ĐCSTQ liên quan đến Đài Loan trong suốt nhiệm kỳ 3 năm của mình.

Vương Quân, Vision Times